Điều tra theo yêu cầu bạn đọc: Ông chủ dự án Tincom Pháp Vân “lời hứa gió bay”
15/11/2014 08:52:44
ANTT.VN - Lùm xùm đằng sau câu chuyện góp vốn đầu tư dự án Tincom – Pháp Vân dai dẳng từ năm 2009 đến nay vẫn chưa chấm dứt, đã có nhiều hộ dân xin thoái vốn nhưng tất cả chỉ nhận lại được những lời hứa suông của Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đầu tư và Thương Mại Thăng Long – Thang Văn Lương.

Tin liên quan

Lời hứa mất giá

Ông Thang Văn Lương được giới thiệu trong sơ đồ tổ chức và quản lý Công ty CP tập đoàn Đầu tư và Thương Mại Thăng Long là “một doanh nhân tiêu biểu, có hiểu biết sâu rộng về môi trường đầu tư ở Việt Nam, có nhãn quan nhạy bén trong kinh doanh cũng như xác định cơ hội đầu tư, nhiều năm kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và trong quá trình triển khai nhiều dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực khách nhau”.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu về dự án Tincom Pháp Vân, sẽ không ít người thấy thất vọng vì những lời quảng cáo trên về vị “doanh nhân tiêu biểu” này.

Năm khởi công và hoàn thành của dự án đã được thay đổi (Ảnh: Thiên Di)

Khi nhận ra những bất thường về việc huy động vốn trái phép, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của dự án Tincom Pháp Vân, không ít khách hàng đã xin thoái vốn đầu tư. Đi kèm với lời hứa hẹn là văn bản đồng ý thoái vốn một cách rất “đàng hoàng” của Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long, điều đáng nói là tất cả khách hàng xin thoái vốn chỉ nhận được lời hứa không có giá và những con số trên giấy.

Như PV ANTT đã đưa tin trường hợp của bà T.T.N, cán bộ ngành ngân hàng đã về hưu, cũng chỉ vì tin tưởng người trước kia đã từng là đồng nghiệp, gia đình bà đã ký vào hợp đồng ủy thác đầu tư để được quyền mua căn hộ tầng 6, tên A610, với diện tích 97,5m2, đơn giá 16 triệu đồng/m2, tổng số tiền là 1 tỷ 560 triệu đồng.

Bà N đã đóng hai đợt tiền, đợt một là 312 triệu đồng, đợt hai là 561,6 triệu đồng, tổng số tiền hai đợt là 873,6 triệu đồng. Tuy nhiên, thấy công trình khởi công đã lâu, quá hạn giao nhà mà dự án vẫn đang làm móng, nên vợ chồng bà N xin thoái vốn và được ông Lương ký đồng ý.

Sau khi ANTT xuất bản bài báo theo đơn thư trình bày của bà N, ông Thang Văn Lương đã “xuất hiện” sau một khoảng thời gian dài “vắng bóng”. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng phía gia đình bà N nhận được lời hứa “ đính kèm” là văn bản thoái vốn đầu tư từ phía Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long như 2 lần trước đây. Văn bản này có chia thành 10 đợt thoái vốn rõ ràng, mỗi đợt sẽ vào ngày 20 hàng tháng. Cụ thể, từ đợt 1 – đợt 6 sẽ thoái vốn 50 triệu đồng/đợt, đợt 7 là 100 triệu đồng, đợt 8 và 9 là 150 triệu đồng/đợt, đợt thoái vốn cuối cùng là 173,6 triệu đồng.

Văn bản thoái vốn đầu tư lần thứ 3 do ông Thang Văn Lương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long ký gửi bà T.T.N ngày 1/10/2014 (Ảnh: Thiên Di)

Văn bản thoái vốn đầu tư này được hai bên là gia đình bà N và phía ông Thang Văn Lương đồng ý thỏa thuận từ ngày 1/10/2014, tức là đến ngày 20/10 gia đình bà N sẽ nhận được đợt thoái vốn đầu tư đầu tiên với số tiền 50 triệu đồng. Gia đình bà N đã thêm một lần nữa đặt lòng tin vào người đã từng là đồng nghiệp và mòn mỏi chờ đợi đến ngày 20/10 để nhận lại số tiền vốn đợt thứ nhất, thế nhưng, một lần nữa vị “doanh nhân tiêu biểu, có nhãn quan nhạy bén trong kinh doanh” Thang Văn Lương lại tiếp tục lỡ hẹn. Từng ngày trôi qua, đến nay đã trung tuần tháng 11/2014, bà N vẫn chưa thể liên lạc lại được với ông Lương, sắp đến thời gian thoái vốn đợt 2 nhưng số tiền thoái vốn đợt một vẫn “ bặt vô âm tín”.

Gia đình bà N đến gõ cửa cơ quan báo chí lần thứ 2, không biết sau bài báo này ông Thang Văn Lương sẽ có phản hồi tích cực nào nữa đến với gia đình bà N, lòng tin con người sẽ mất đi như câu nói “ quá tam ba bận”, 3 lần tin tưởng cũng là 3 lần chờ đợi số tiền cả đời của vợ chồng bà N tích cóp trở về với chủ, niềm tin dường như cũng có giới hạn nhưng ngoài việc tin tưởng những người như vợ chồng bà N còn có thể bấu víu vào đâu?!

Không phải trường hợp duy nhất…

Thực tế, dự án Tincom – Pháp Vân và cái tên Thang Văn Lương báo chí đã tốn không ít giấy mực, vì tính từ năm 2009 đến nay hầu như đều có những lá đơn “cầu cứu” báo chí của nhiều cá nhân, gia đình “lỡ” góp vốn đầu tư vào dự án này nhưng không thể rút vốn.

Báo ANTT xin được điểm mặt một số trường hợp như sau: Ngày 27/10/2011, trên báo Vietnamnet.vn có bài “ Dân nhận trái đắng từ hợp đồng góp vốn” của tác giả Hoàng Sang, nói về trường hợp của chị N.P.N ở Hoàng Mai, Hà Nội vì mong nhanh có nhà ở nên đã ký hợp đồng góp vốn với ông Nguyễn Đình Đại – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý tài sản Thế hệ mới, để mua được căn hộ 85,6m2 tại khu Tincom - Pháp Vân và phải đóng toàn bộ số tiền là 1 tỷ 369,6 triệu đồng. Số tiền trên được đóng chia làm 8 đợt…

Sau khi nhận thấy những bất thường của dự án chị N cũng xin rút vốn nhưng nhận được câu trả lời: “khi nào bán cho khách hàng khác sẽ trả lại tiền”. Điều đáng nói vào thời điểm đó, dự án này chưa có giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng nhưng đã tiến hành huy động vốn. Tuy nhiên theo ông Đại, “Đây không phải là những hợp đồng huy động vốn mà là hợp đồng “hợp tác” và việc góp vốn “ dựa trên tinh thần tự nguyện”.

Kết quả từ năm 2009 đến nay của dự án Tincom Pháp Vân (Ảnh: Thiên Di)

Tương tự, với trường hợp của ông T.X.B, ở Quế Võ, Bắc Ninh được nêu trong bài viết “ Tincom Pháp Vân vị giời bán cho người nhà” của tác giả Minh Nhật, đăng trên tinnhanhchungkhoan.vn, ngày 1/11/2013. Với lý do là “ người nhà” nên ông B được ưu ái chỉ phải tạm nộp 200 triệu đồng sau khi ký hợp đồng, thay vì 600 triệu như những người khác và nhận được cam kết rằng đến quý IV/2011 sẽ được giao nhận nhà.Tuy nhiên, không lâu sau dự án này bị đình chỉ vì chưa có giấy phép xây dựng, đến năm 2011 nhận được giấy phép dự án tiếp tục được thi công cầm chừng, rồi đến năm 2012 thì dừng hẳn. Thấy vậy ông B cũng xin thanh lý hợp đồng và rút vốn. Sau nhiều lần gửi đơn đến mãi tháng 8/2013 Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long, ông Thang Văn Lương mới đồng ý ký văn bản xin thoái vốn của ông B và cam kết trả số tiền vốn của ông B vào tháng 10/2013.

Tuy nhiên, sau khi thấy đã quá thời hạn thoái vốn mà không nhận được bất kỳ thông báo nào, ông B cũng liên lạc lại với Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, cả cán bộ marketing và xử lý hợp đồng, nhưng không có hồi âm.

Trên báo Giáo dục Việt Nam cũng đăng tải bài viết “Điêu đứng vì vay tiền, bán nhà mua chung cư Tincom Pháp Vân”, của tác giả BA, đăng ngày 17/9/2012 cũng nêu hai trường hợp tương tự như trên.

Như vậy, từ khi khởi công xây dựng đến nay cũng đã có không ít những bài báo phản ánh về dự án “ vịt trời” Tincom Pháp Vân, tuy nhiên sau những lời hứa hẹn vẫn chỉ là tiếng  tút tút… kéo dài vô tận.

Thiên Di

 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến