Nỗi lo muôn thuở ngày Tết
Khi những cơn mưa xuân bắt đầu xuất hiện giữa lòng Thủ đô cũng là lúc chị Đặng Thị Hải (50 tuổi tại xóm Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) mang trong lòng nhiều nỗi lo. Bởi, Tết đến là dịp để nhiều gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm, ôn lại những chuyện cũ và hướng đến những điều tốt đẹp cho năm mới. Nhưng với chị Hải lại khác, chị chỉ lo Tết năm nay các con lại đón một cái Tết thiếu thốn như những năm trước.
Chị Hải không quản nắng mưa làm việc để mong các con có một cuộc sống tốt hơn.
Đôi mắt u buồn, chị Hải bắt đầu kể, năm 1989, hai vợ chồng chị nên duyên, rồi "đàn con" 14 đứa lần lượt ra đời. Chị cứ thế đẻ mà không hề nghĩ đến cơm áo, đến việc các con chị sẽ không được đến trường. Hai bàn tay trắng nên họ dựng túp lều giữa cánh đồng, hàng ngày mò cua, bắt ốc để kiếm ăn từng bữa. Nhà đông con, Tết năm nào cũng thiếu thốn, khó khăn. "Ngày Tết các con háo hức bao nhiêu thì chúng tôi lại lo lắng bấy nhiêu. Tôi nhớ, có năm đến 30 Tết rồi mà trong người tôi chỉ còn vài chục nghìn tiền lẻ. Trong nhà chỉ có đúng một yến gạo, vài lạng miến. Quần áo mới không có, các con phải mặc quần áo cũ rách. Mấy ngày Tết hầu như các con không ra khỏi nhà, chỉ quanh quẩn chơi với nhau. Nhìn đàn con mình tôi buồn lắm nhưng không thể làm gì khác. Cũng may các con hiểu hoàn cảnh nên không đòi hỏi gì hơn", chị Hải ngậm ngùi nhớ lại.
Cuộc sống nghèo khó cứ bám lấy cuộc đời người phụ nữ đầy khắc khổ này. Đến năm 2016, chồng chị bệnh nặng qua đời khiến đôi vai chị lại thêm gánh nặng. Thế nhưng, chị chưa bao giờ nghĩ mình được lùi bước với cuộc đời, vì bên cạnh chị còn các con, là tài sản lớn nhất mà chị có. "Tết đầu tiên không có chồng bên cạnh cũng thiếu vắng lắm. Đêm Giao thừa tôi và các con cứ ngồi nhìn nhau mà không nói nên lời khi trong người tôi không tiền, trong nhà thì không gạo, không bánh chưng. Tôi chỉ biết ôm các con vào lòng và thì thầm "năm sau mẹ nhất định sẽ cho các con một cái Tết thật no ấm". Nhưng lời hứa đó chưa năm nào tôi thực hiện được. Các con tôi, đứa lớn thì nói với đứa nhỏ hơn "nhà mình ngày Tết cũng như ngày thường, các em không được đòi hỏi gì ở mẹ". Nghe vậy tôi đau lòng, xót xa vì thương con. Hơn 30 năm qua, gia đình tôi chỉ đón những cái Tết như vậy", chị Hải bộc bạch.
Nụ cười của con là mùa xuân của mẹ
Nhắc đến những đứa con khi còn nhỏ dại đã phải lo cơm, áo, gạo tiền, bôn ba đi kiếm sống cả ngày khiến đôi mắt chị rớm lệ. Chị nói rằng, chị có lỗi với các con nhiều lắm nên những ngày tháng còn sức khỏe chị sẽ cố gắng làm, ít nhất là để các con có đủ cơm ăn.
Con gái thứ 12 của chị Hải ao ước được mặc quần áo mới ngày Tết.
Nói đến đây, chị chỉ tay về phía khu chăn nuôi của gia đình và bảo, năm qua chị cùng các con dồn vốn để nuôi lợn, tuy nhiên, đàn lợn của chị vướng phải dịch tả lợn châu Phi nên toàn bộ số tiền đầu tư mấy chục triệu đồng cũng theo gió bay đi. May có hồ cá được đào vét đầu tư 3 năm trước cũng bắt đầu cho thu nhập giúp chị phần nào cải thiện cuộc sống.
Chị Hải không giấu được những suy nghĩ của mình: "Dù bản thân rất cố gắng làm lụng, không quản lam lũ để kiếm tiền nhưng đúng là số mình trời vẫn bắt mình phải nghèo. Hiện giờ giá lợn đang đắt thì năm qua gia đình mất trắng chuồng, mấy chục triệu đầu tư không cánh mà bay. Căn nhà tranh lợp tạm chông chênh giữa bốn bề ao nước đã xuống cấp trầm trọng, hiện tại mẹ con tôi phải chuyển ra sống tại một thùng container được cải tạo. Mùa đông thì các con ở cũng ấm áp, không bị gió lùa như ở dưới lều nhưng mùa hè thì rất nóng bức. Thương các con nhưng không biết làm sao bởi chưa có điều kiện để xây được nhà".
Khi chúng tôi hỏi về cái Tết năm nay sẽ ra sao, chị cười hiền: "Đối với nhiều người, bánh chưng, hoa đào... ngày Tết là cái gì đó rất quen thuộc, nhưng với mẹ con tôi thì lạ lẫm vô cùng, những thứ ấy ít khi xuất hiện trong nhà. Vì thế, tôi vẫn lo lắm chứ, ít nhất là lo để các con có bán chưng ăn, cảm nhận hương vị ngày Tết".
Thấy chị Hải nói vậy, đôi mắt cậu con trai thứ 10 tên Đức ánh lên niềm tin chạy đến bên chị kéo tay áo mẹ: "Có thật năm nay chúng con sẽ được đón Tết như các bạn không mẹ?". Nghe vậy chị chỉ bảo "mẹ không hứa nhưng mẹ sẽ cố gắng". Còn cô con gái thứ 12 của chị Hải thì luôn miệng hỏi mẹ "mẹ ơi năm nay con có quần áo mới mặc Tết không?". Hỏi xong, chưa thấy mẹ trả lời, cô bé nhanh tay xách túi gạo mẹ mới mua về khoe với chúng tôi: "Nhà con không còn đói nữa rồi, năm nay chắc chắn chúng con sẽ có Tết".
Cậu bé Đức năm nay 14 tuổi nhưng đã làm được rất nhiều việc. Đức cho biết, vì gia đình nghèo nên em chỉ học hết lớp 8, hiện cũng chỉ giúp được mẹ những công việc nhỏ. "Em mong sao mẹ sẽ luôn khoẻ mạnh, một vài năm nữa em sẽ đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình", Đức bộc bạch.
Nghe Đức nói vậy, khuôn mặt khắc khổ của chị Hải như giãn ra, chứa chan hạnh phúc. Dường như sự trưởng thành của của các con là niềm an ủi và hạnh phúc lớn nhất của người mẹ, chị khẽ cười nói: "Năm nay cháu nhỏ nhất cũng đã 8 tuổi, các cháu có thể tự lo sinh hoạt nên tôi có thêm thời gian đi làm. Công việc hàng ngày chỉ là mò cua bắt ốc cũng chỉ đủ giúp kiếm bữa ăn qua ngày. Dù nghèo mà thấy các con vẫn vui vẻ khôn lớn mỗi ngày là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi".
Năm mới sắp đến, người mẹ này vẫn chỉ ấp ủ một mơ ước vô cùng đơn giản đó chính là sức khỏe. Khi sức khỏe tốt chị sẽ có thể lo được cái ăn, cái mặc cho các con, bởi các con của chị vẫn còn nhỏ dại, không được đi học đầy đủ nên cũng thiệt thòi hơn các bạn. Dù nghèo, dù đói và chưa có được một cái Tết trọn vẹn nhưng có một điều khiến chị hạnh phúc hơn ai hết đó chính là các con chị đều ngoan ngoãn vâng lời mẹ, thấy chúng hồn nhiên vui đùa chị cũng phần nào an ủi cho cuộc đời lam lũ của mình.
Đối với chị Hải, con cái là tài sản vô giá. Vì thế, chỉ bảo, dù đôi tay này có chai sạn chị cũng sẽ cố gắng làm việc vì các con của mình. Hạnh phúc lớn nhất của chị là nhìn thấy các con cười, nụ cười giống như mùa xuân ấm áp trong căn nhà container nhỏ bé này.
Chia sẻ với PV, ông Lê Quang Thoan, Chủ tịch UBND phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội, cho biết: "Gia đình chị Đặng Thị Hải thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, sau khi chồng chị Hải mất cách đây vài năm, một mình chị Hải chịu khó, lam lũ nuôi các con khôn lớn. Ở địa phương chị sống rất hòa thuận, vui vẻ. Vì hoàn cảnh của chị nên chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ, đặc biệt các con của chị Hải được đi học. Những dịp lễ Tết chính quyền địa phương cũng trao quà, thăm hỏi và động viên gia đình". |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy