Tin liên quan
Doanh nghiệp khai thác đất tại khu vực đồi gò thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang làm người dân bức xúc
Sau khi nhiều người dân bức xúc việc ông Văn Hữu Chiến - nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - trước khi về hưu một ngày đã ký hàng loạt văn bản “cấp phép” khai thác...
Điều người dân bức xúc là quyết định do ông Văn Hữu Chiến ký đã cho phép doanh nghiệp khai thác khoáng sản dưới hình thức “cải tạo” đất sản xuất nông nghiệp gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Lấy đất sản xuất gạch
Địa điểm các doanh nghiệp khai thác đất là khu vực gò Cấm, làng Hòa Nhơn và cánh đồng lúa Hố Ông Thời ở thôn Hòa Phước (xã Hòa Phú). Hai địa điểm này có diện tích hơn 12.000m2, do hai doanh nghiệp là Thịnh Quốc Phong và Thịnh Phú Lâm chịu trách nhiệm “cải tạo”. Hai doanh nghiệp thỏa thuận với người dân để cải tạo đất và khai thác đất cung cấp vật liệu san lấp cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và bán vật liệu sản xuất gạch.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trưa 11-3 cả hai khu vực này bị xe múc đất cày xới. Nhất là cánh đồng lúa Hố Ông Thời bị xe múc khoét lấy đất thành một hố trũng sâu. Từng đoàn xe tải chở đất, đá vừa múc lên đến các công trình đã hợp đồng trước đó với mật độ dày đặc trên tuyến quốc lộ 14G đoạn qua các xã Hòa Phú, Hòa Phong. Nhiều người dân sống dọc tuyến đường phản ảnh hằng ngày xe tải chở đất đi qua khiến bụi mù mịt bay vào nhà dân.
Vì không chịu nổi bụi bặm bay vào nhà, một số người dân phải dùng máy bơm nước để tưới trên đường cho đỡ bụi. Tuyến quốc lộ 14G đã xuống cấp, nay càng xuống cấp trầm trọng vì đoàn xe tải cày nát đường.
Ông Nguyễn Chung (48 tuổi, thôn An Tân, xã Hòa Phong) cho biết địa điểm khai thác đất của các doanh nghiệp nằm giáp ranh giữa thôn Hòa Phước (xã Hòa Phú) và An Tân (xã Hòa Phong).
Theo ông Chung, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đất chạy từ sáng đến tối, khiến đất rơi vãi ra đường, bụi bay vào nhà người dân dọc tuyến quốc lộ 14G. “Bụi bám đầy nhà, nhà tôi phải đóng cửa suốt ngày.
Mấy hôm trước vì không chịu nổi bụi bẩn, người dân dọc tuyến đường đã lấy cây cối, vật cản ngăn không cho xe đi. Sau đó, chủ các doanh nghiệp đã gặp trực tiếp người dân và hứa sẽ tưới nước thường xuyên trên tuyến đường. Được mấy bữa thì không thấy họ tưới nữa” - ông Chung bức xúc.
Đình chỉ ngay hoạt động “cải tạo” đất
Ông Nguyễn Thọ, trưởng thôn Hòa Phước, cho biết: “Các doanh nghiệp khai thác đất tại khu vực thôn Hòa Phước nằm trong chương trình cải tạo đất sản xuất của UBND TP Đà Nẵng.
Do đất đai ở đây toàn đồi, gò, người dân khó sản xuất nên các hộ dân tại thôn góp ý kiến và quyết định xin ý kiến của thành phố.
Sau khi thành phố đồng ý việc cải tạo đất, các hộ dân thỏa thuận với các doanh nghiệp để khai thác đất. Doanh nghiệp khai thác trả cho mỗi hộ dân có đất 25 triệu đồng/sào (tức 360m2).
Theo cam kết với UBND TP Đà Nẵng, các doanh nghiệp đào đất để hạ thấp mặt bằng cũ sâu xuống đến 6m và đến cuối tháng 3-2015 sẽ hoàn thành việc cải tạo đất.
Trong khi đó, để tham mưu cho chính quyền thành phố cấp phép cho các doanh nghiệp “cải tạo” đất, ngày 26-12-2014 ông Trần Văn Trường, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng xin cải tạo khu đất thuộc thửa số 196, tờ bản đồ số 10, diện tích 16.200m2.
Lý do cải tạo là khu đất gần tuyến quốc lộ 14G, vách taluy đứng có nguy cơ gây sạt lở và ảnh hưởng đến tuyến đường. Tuy nhiên, theo quan sát của Tuổi Trẻ, vị trí khai thác đất đá này cách tuyến quốc lộ 14G khoảng 300-400m, khó có thể ảnh hưởng đến tuyến đường này.
Trong văn bản “hỏa tốc” gửi Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng, Công an Đà Nẵng và UBND huyện Hòa Vang chiều 11-3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường phối hợp với chủ tịch UBND huyện Hòa Vang lập thủ tục đình chỉ ngay hoạt động cải tạo mặt bằng đất đồi gò để sản xuất nông nghiệp, cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, tận dụng đất sét thừa để cung cấp cho các nhà máy gạch.
Ngoài ra, yêu cầu Công an TP Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra việc khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Khoa, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Hòa Vang, cho biết văn bản do chủ tịch UBND TP Đà Nẵng gửi cho UBND huyện vào đầu giờ chiều 11-3. Theo ông Khoa, hiện trên địa bàn huyện có bốn địa điểm nằm trong chương trình cải tạo đất sản xuất của UBND TP Đà Nẵng, mỗi địa điểm có diện tích trung bình 6.000m2.
Do địa hình của huyện là đất đồi gò, đất xấu gây khó khăn cho việc sản xuất, mùa mưa bão hay xảy ra sạt lở nên người dân đã làm tờ trình gửi UBND huyện, Phòng tài nguyên - môi trường để xin ý kiến việc cải tạo đất. Xét thấy nhu cầu người dân là chính đáng, huyện làm tờ trình gửi UBND TP cho phép thực hiện chương trình cải tạo đất sản xuất.
Trả lời câu hỏi của PV về việc các doanh nghiệp đó có được cấp phép khai thác đất, ông Khoa cho biết việc cấp phép là do thành phố thực hiện, chỉ đạo sao thì huyện thực hiện y vậy thôi (?).
Ông Khoa cho biết thêm sau khi nhận được văn bản của thành phố chỉ đạo dừng, ngày 12-3 UBND huyện Hòa Vang sẽ mời các doanh nghiệp làm việc để thông báo quyết định của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Theo Tuoitre.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy