3 ông lớn ngân hàng mắc kẹt 1.500 tỷ tại đại dự án thép Vạn Lợi
Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi do công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh (công ty gang thép) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại Khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. 3 ngân hàng rót vốn cho dự án này là: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB, chi nhánh Hà Tĩnh), ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh) và ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, chi nhánh Hà Tĩnh).
Tháng 8/2008, dự án được khởi công với công suất 250.000 tấn/năm (giai đoạn 1), sau đó nâng cấp lên 500.000 tấn/năm, cam kết đến năm 2010 sẽ cho ra thương phẩm. Năm 2010 - thời điểm mà dự án dự kiến sẽ giúp tỉnh Hà Tĩnh "thay da đổi thịt" với 1.200 lao động địa phương có công ăn việc làm, thì dự án này bất ngờ dừng triển khai và bỏ hoang từ đó đến nay. Cuối năm 2015, ban Quản lý KKT Hà Tĩnh đã chính thức ra quyết định chấm dứt, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi.
Một góc của Nhà máy thép Vạn Lợi.
Sau 8 năm, đến nay, số máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng của dự án "trơ gan cùng tuế nguyệt" trở thành đống sắt vụn. Ba ông lớn ngân hàng nhận "quả đắng”, mắc kẹt số tiền 1.500 tỷ đồng khi “chót lỡ” cho chủ dự án thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Cụ thể, theo Quyết định thi hành án số 17/QĐ-CCTHADS ngày 10/10/2018 của Chi cục thi hành án thị xã Kỳ Anh, số tiền mà công ty Gang thép Hà Tĩnh phải trả cho Ngân hàng Vietcombank là hơn 150 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 74 tỷ, nợ lãi quá hạn 71 tỷ đồng, phạt lãi quá hạn hơn 5 tỷ đồng) theo các hợp đồng tín dụng số 07/9696/18-12-2007, số 10/8094/9-7-2010, số 10/4592/14-9-2010, số 10/4598/29-9-2010. Ngân hàng BIDV 115 tỷ đồng (nợ gốc hơn 49 tỷ, lãi quá hạn hơn 27 tỷ, lãi phạt quá hạn hơn 38 tỷ đồng) theo hợp đồng tín dụng số 01/2008/HDTD-DH/8-1-2008 (Quyết định thi hành án số 18/QĐ-CCTHADS//10-10-2018). Ngân hàng VDB gần 1.300 tỷ đồng (nợ gốc gần 590 tỷ, nợ lãi quá hạn gần 500 tỷ, phạt lãi quá hạn gần 180 tỷ) theo các hợp đồng tín dụng vay vốn đầu tư của Nhà nước số: 405.V.000.108/HĐTD/21/12/2007, số 405.V.000.108/HĐTD/16/5/2008(Quyết định thi hành án số 19/QĐ-CCTHADS/10-10-2018).
Quyết định thi hành án dân sự giữa VDB và Công ty Gang thép Hà Tĩnh
Các khoản nợ trên đều được đảm bảo bằng tài sản thế chấp hình thành trong tương lai theo hợp đồng số 02/2007/HĐ TCQSDĐ-TL/11-01-2008 giữa Công ty Gang thép Hà Tĩnh với VDB, BIDV và Vietcombank.
Chia nhau đống sắt vụn gần 109 tỷ đồng
Dự án "chết yểu", chủ đầu tư không có khả năng trả nợ nên từ ngày 27/11 - 22/12/2018, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh đã phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản, công trình hiện có phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi nằm trên diện tích 25,8ha tại lô D và lô B khu công nghiệp Vũng Áng để tiến hành phát mại, "vớt vát" số tiền còn lại trả cho các nhà băng.
Hình ảnh Nhà máy thép Vạn Lợi vào thời điểm cưỡng chế
Do hợp đồng thế chấp giữa công ty Gang thép Hà Tĩnh với 3 ngân hàng là thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nên việc xác định tài sản để tiến hành cưỡng chế, kê biên là các tài sản đã hình thành gồm: Thiết bị, máy móc nhập khẩu phục vụ cho việc xây dựng nhà máy liên hợp Gang thép; tài sản công trình gắn liền với quyền sử dụng đất...
Theo Chứng thư thẩm định giá số 01921646/PD của Công ty CP giám định và thẩm định giá Phương Đông (Hà Nội) toàn bộ tài sản đã hình thành của Nhà máy thép Vạn Lợi bao gồm: tài sản xác định được qua cân điện tử, thiết bị các bãi ngoài trời của nhà máy, tủ và các thiết bị điện tại kho của nhà máy và kho thuê khu B, máy móc thiết bị tại nhà kho, nhà và vật kiến trúc cùng chi phí tháo dỡ công trình, thu hồi phần thiết bị đã lắp đặt. Tổng toàn bộ số tài sản trên được định giá gần 109 tỷ đồng - 1 con số quá “bèo bọt” so với 1.500 tỷ đồng mà ông chủ đại dự án đang nợ các ngân hàng.
Trong 3 ngân hàng rót vốn vào đại dự án thép, VDB nhận "quả đắng" nhất với số tiền cho vay cộng lãi suất lên đến gần 1.300 tỷ đồng.
Liên quan dự án này, trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, một cán bộ thi hành án cho biết: “Sau khi kiểm đếm, kê biên, số tài sản trên sẽ được đưa ra đấu giá, thu hồi tiền và trả cho các nhà băng theo tỷ lệ. Có nghĩa là, bây giờ có bao nhiêu tài sản thì xử lý bấy nhiêu, việc trả số nợ còn lại sau khi kê biên, đấu giá tài sản thì giữa công ty Gang thép Hà Tĩnh với 3 ngân hàng cho vay sẽ có một thỏa thuận khác. Số tiền hàng nghìn tỷ đồng mà công ty Gang thép Hà Tĩnh nợ chưa chi trả được có khả năng sẽ được đưa vào nợ xấu”.
Vào ngày 26/4/2019 sắp tới, "đống sắt vụn” 109 tỷ đồng của đại dự án thép Vạn Lợi sẽ được Công ty TNHH đấu giá Hồng Lĩnh tổ chức bán đấu giá tại chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh. Rõ ràng, việc VDB, BIDV, Vietcombank thu hồi được một phần vốn vay sau đấu giá là quá "bèo bọt" so với số tiền 1.500 tỷ đồng ngân sách Nhà nước thất thoát. Thế nhưng, cho đến nay, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đặc biệt là 3 ông lớn ngân hàng với sự mạo hiểm cho chủ dự án thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để vay số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa được làm rõ.
Cũng là 1 trong những đại dự án "chết yểu" tại Hà Tĩnh, dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống do công ty Bình Hà làm chủ đầu tư cũng để lại món nợ ngân hàng khổng lồ. Liên quan những sai phạm tại dự án này, mới đây nhất, ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Duy Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Ông Tùng (là con trai ông Trần Bắc Hà) liên quan đến các sai phạm tại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do công ty CP Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư. Trước đó, vào tháng 6/2018, ông Đinh Văn Dũng - cựu TGĐ công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Nguyễn Xuân Lương - Giám đốc công ty Tân Đại Việt cũng bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc cấu kết lập hồ sơ khống, nâng khối lượng để chiếm đoạt 110 tỷ tiền triển khai dự án. Tháng 11/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT BIDV; Trần Lục Lang - cựu Phó TGĐ BIDV; Kiều Đình Hòa - cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, bà Lê Thị Vân Anh - cựu Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. |
NĐT
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy