Dòng sự kiện:
Định hướng tăng trưởng tín dụng 14% không còn hợp lý?
30/09/2022 12:00:18
Chưa thấy NHTW nào trên thế giới chia nhỏ hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng thương mại và phân bổ thành một số đợt trong năm, xem xét điều chỉnh định kỳ như Ngân hàng Nhà nước đang làm, chuyên gia nhận xét.

Không còn phù hợp

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

Trước đó, ngày 26/9, tại “Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 7,2% trong năm nay, tăng so với mức dự báo 5,3% vào tháng 4/2022.

Còn tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Nay tình hình thực tế đã thay đổi, nhiều ý kiến cho rằng vẫn giữ hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, không còn hợp lý nữa.


Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chủ lực vẫn là vốn tín dụng ngân hàng.

TS. Nguyễn Đắc Hưng, Khoa Kinh tế (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên), phân tích, năm 2020 tăng trưởng tín dụng là 12,13%, không đạt mục tiêu 14% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Năm 2021, tín dụng tăng 13,53%, cao hơn mục tiêu 12%. Còn năm 2022, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. Tuy nhiên, năm 2020 tăng trưởng GDP là 2,91% và năm 2021 là 2,58%, còn năm 2022 sau 9 tháng là 8,83%.

Như vậy, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 không cao hơn năm 2020 và chỉ cao hơn chút ít so với năm 2021. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022, do Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ 6-6,5%, đã cao gấp hơn hai lần và dự báo có thể đạt trên 7%, cao hơn khoảng 3 lần so với các năm 2020-2021.

Điều này cho thấy sự bất hợp lý trong điều hành chính sách tín dụng, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP, không chỉ phụ thuộc vào mỗi chính sách tiền tệ, mà còn các chính sách khác như: tài khóa, đầu tư, thương mại,... Nhưng trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chủ lực vẫn là vốn tín dụng ngân hàng (ngay cả giải ngân vốn đầu tư công, cũng cần vốn mồi từ tín dụng ngân hàng), thì hạn mức tín dụng trên là không hợp lý, ông Hưng nhận xét.

Cũng theo TS. Nguyễn Đắc Hưng, dư nợ tín dụng ngân hàng trong nửa đầu năm 2022 tăng 9,35% có thể thấy phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Nhưng bước sang nửa cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã giảm mạnh. Trong khi kênh huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu còn hạn chế, DN và hộ kinh doanh vẫn phải dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng. Các hợp đồng thương mại, dịch vụ bảo lãnh, bao thanh toán,... vẫn cần vay vốn tín dụng ngắn hạn để thực hiện giao dịch. Nhiều dự án đầu tư của DN và người dân không triển khai được do không vay được vốn ngân hàng; các nhà thầu triển khai dự án đầu tư công bị ảnh hưởng. Theo ông, đến nay, việc Ngân hàng Nhà nước vẫn định hướng điều hành hạn mức tín dụng 14% không còn phù hợp và không linh hoạt.

Dòng vốn ngưng trệ

Chính phủ không giao kế hoạch điều hành tăng trưởng tín dụng hàng năm. Đây chỉ là chỉ tiêu định hướng, song, TS. Nguyễn Đắc Hưng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước coi như chỉ tiêu kế hoạch và cứng nhắc trong vấn đề này, thiếu linh hoạt theo diễn biễn kinh tế vĩ mô, chưa căn cứ vào nhu cầu vốn của nền kinh tế. Hiện nay, chưa thấy ngân hàng trung ương nào trên thế giới, hàng năm, hàng quý chia nhỏ hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng thương mại, với các lĩnh vực cho vay khác nhau, chia và phân bổ hạn mức tín dụng thành một số đợt trong năm, xem xét điều chỉnh định kỳ như Ngân hàng Nhà nước đang làm.


Sử dụng hạn mức tín dụng làm cho nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Ông Hưng chỉ ra rằng, trong 27 điểm quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước theo Luật Ngân hàng Nhà nước, không quy định nào cho phép Ngân hàng Nhà nước, được quyền phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại như thời gian qua. Tương tự, Luật Các tổ chức tín dụng, không hề có một từ nào quy định về "hạn mức", "chỉ tiêu", "phân bổ", "giới hạn" về tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng ngân hàng thương mại cả. Luật có quy định về trường hợp đặc biệt, cá biệt hoặc bất thường, nhưng trường hợp này chỉ mang tính tình huống. Không có một trường hợp đặc biệt, cá biệt hoặc bất thường nào lại kéo dài từ năm 2011 cho đến nay.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, hạn mức tín dụng được áp dụng từ năm 2011, khi đó các ngân hàng vừa trải qua cuộc khủng hoảng, nợ xấu cao, lạm phát cao. Nhưng nay, mọi chuyện đã thay đổi, thực lực của các ngân hàng tốt hơn rất nhiều mà vẫn áp dụng quy định từ hơn 10 năm trước là quá lạc hậu.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, sử dụng hạn mức tín dụng đang gây ra vấn đề lớn, khiến cho vốn phục vụ sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Chưa kể, đó là công cụ hành chính, tạo cơ chế xin - cho, tạo môi trường bất bình đẳng cho các ngân hàng thương mại và ảnh hưởng đến sự phát triển của các DN.

Còn DN vẫn kêu khó khi vay vốn ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group, chia sẻ, nhiều DN bất động sản đang thiếu vốn để phát triển và hoàn thiện các dự án, trong khi thị trường trái phiếu DN chưa hồi phục nên việc tìm kiếm nguồn vốn rất khó khăn. Vì các ngân hàng hết hạn mức tín dụng nên nhiều khách hàng cũng không thể vay được vốn để mua nhà. Thị trường bất động sản cả đầu vào và đầu ra đều đang gặp trở ngại.

Ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cơ khí Thăng Long, cho biết, mấy tháng nay, từ khi ngân hàng siết tín dụng, công ty trong tình trạng không thể tiếp tục nhập nguyên vật liệuđể gia công đơn hàng. "Chúng tôi chưa từng nợ xấu, đang có hợp đồng vay vốn đều đặn nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay với lý do hết hạn mức tín dụng. Do thiếu vốn lưu động, thời gian qua DN phải cho hơn một nửa công nhân nghỉ việc, có nguy cơ chậm các đơn hàng. Nhân viên tín dụng thì khuyên chúng tôi phải tự bán tài sản để duy trì sản xuất", ông than thở.

 Tác giả: Trần Thủy

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến