Dòng sự kiện:
'Định vị' hàng Việt để không còn cảnh ùn tắc tại cửa khẩu
25/02/2022 11:37:06
"Để giải quyết “bài toán” ùn tắc nông sản tại cửa khẩu, về căn cơ, dài hạn, cần định vị thế mạnh và hạn chế của hàng Việt, mở rộng đầu tư hạ tầng cửa khẩu, thủ tục hành chính thông quan nhanh hàng hóa".

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng

Trước thực trạng ùn tắc hàng hàng tại cửa khẩu phía Bắc kéo dài, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhìn nhận, trong bối cảnh tình hình ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc tiếp tục diễn biến phức tạp, một số ý kiến đã đưa ra câu chuyện đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu như liều thuốc hữu hiệu. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, không thể đánh đồng hai khái niệm đa dạng hóa thị trường và chuyển hướng thị trường. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Minh chứng là thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm 2020. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 14,5% năm 2021

Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc năm 2021 đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu xấp xỉ 110 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, Việt Nam có nhiều thế mạnh về hàng nông sản, thủy sản, dư địa để khai thác thị trường Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới với nhu cầu đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể, từ phân khúc cao cấp đến bình dân. Đáng chú ý, riêng 2 địa phương có biên giới tiếp giáp với Việt Nam là tỉnh Vân Nam (48 triệu người) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (48,8 triệu người) mang lại cơ hội trực tiếp cho Việt Nam khai thác thương mại qua biên giới.

Tăng cường xuất khẩu chính ngạch, mở rộng đầu tư hạ tầng cửa khẩu

Từ đầu năm 2022 đến nay phía Trung Quốc vẫn theo đuổi chế độ “Zero Covid-19” nên sẽ kiểm soát hàng hóa chặt chẽ, mặc dù cả phía Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều cuộc hội đàm ở các cấp.

Lợi thế địa lý và ngoại giao thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trải dài tạo lợi thế về logistics và tập quán giao thương lâu đời để gia tăng xuất nhập khẩu. Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt - Trung.

Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do

ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Đây cũng là lợi thế để Việt Nam khai thác đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Các địa phương biên giới phía Bắc xây dựng vùng đệm an toàn “vùng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch Covid-19 hài hoà hợp lý với phía Trung Quốc. Cơ quan hải quan tại cửa khẩu đã triển khai hàng loạt các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, áp dụng phần phần mềm cảnh báo ùn tắc hàng hóa trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tuy nhiên, để không còn cảnh ùn tắc hàng tại cửa khẩu, ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, hàng Việt Nam cần thích ứng với yêu cầu thị trường Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đã thay đổi tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm từ năm 2015 ngang bằng với châu Âu. Vì vậy, Việt Nam cần thay đổi từ khâu sản xuất tới đàm phán, thương mại. Trong quan hệ xuất khẩu sang Trung Quốc cần chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch; cần những doanh nghiệp tiên phong, “đầu tàu” đảm bảo các yêu cầu. Thậm chí phải xác định, có những sản phẩm mất tới 9 – 10 năm mới đàm phán được khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước mắt, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu; qua đó, tăng đơn hàng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch theo mùa vụ. “Về lâu dài cần hoàn thiện đồng bộ các giải pháp từ chính sách, việc hợp tác, đàm phán với đối tác, cơ quan chức năng của Trung Quốc, phát triển hạ tầng thương mại...”- ông Nguyễn Văn Tiến nói.

Đồng thuận với việc chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, xuất khẩu chính ngạch thường là doanh nghiệp đã có hợp đồng giữa người bán ở Việt Nam và người mua tại Trung Quốc rõ ràng, quy định điều khoản chặt chẽ và lâu dài. Trong khi đó, hàng hoá thông qua cửa khẩu phụ, lối mở thường là những hàng không có hợp đồng định trước mà chỉ đưa hàng sang bên kia biên giới sau đó gặp được người mua sẽ bán. Hình thức xuất khẩu tiểu ngạch hiện nay là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rủi do cho doanh nghiệp và ùn tắc hàng tại cửa khẩu.

Qua khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, các cửa khẩu đều nằm ở miền núi nên khả năng thông quan rất hạn chế, trung bình 1 ngày nếu trong điều kiện bình thường 1 cửa khẩu có thể thông quan được 300-350 xe. Tuy nhiên, vào những thời điểm nông sản chín rộ, có khi 1 ngày lượng xe lên cửa khẩu là 800 – 1.000 xe, gây ra tình trạng ùn tắc như thời gian qua.

“Chính vì vậy, về dài hạn việc mở rộng đầu tư hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics là vấn đề mang tính căn cơ, dài hạn; cần có những trung tâm logistics, quy hoạch bến bãi, phân luồng thông quan hàng hóa, cần có những kho lạnh, kho mát để bảo quản được các sản phẩm nông sản với thời gian lâu hơn. Ngoài ra, cần tăng cường chế biến sau thu hoạch nhằm đem lại những sản phẩm có giá trị cao hơn, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy, vừa có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, vừa giảm bớt sức ép dồn lên các cửa khẩu như thời gian vừa qua.”- ông Trần Thanh Hải đề xuất.

Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí bến bãi

Hiện nay, các tỉnh biên giới phía Bắc có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc lớn như Lạng Sơn, Quảng Ninh đã và đang chú trọng việc quy hoạch bến bãi, phân luồng thông quan để giảm ùn tắc tại cửa khẩu, giảm chi phí bến bãi cho doanh nghiệp.

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hoa quả, nông sản tươi; ngoài ra có các sản phẩm đã chế biến (đồ khô) và linh kiện, sản phẩm chế tạo. Trong đó, riêng trái cây tươi xuất sang quốc gia này chiếm đến 70% tổng giá trị trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam hàng năm. Thời hạn bảo quản của các mặt hàng là khác nhau, do đó cần có cơ chế rà soát, phân loại hàng hóa (đặc biệt là các mặt hàng dễ hư hỏng như hoa quả tươi, hàng đông lạnh), hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện bảo quản hàng hóa; thực hiện sắp xếp kho bãi, phân luồng xe hàng theo hướng ưu tiên phù hợp...

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong bối cảnh số lượng xe tăng hơn hai lần so với mức cao điểm các năm trước, toàn bộ bến bãi (kể cả các bãi được trưng dụng tạm thời) đều đã quá tải. Dù vậy, tỉnh Lạng Sơn cũng đang nỗ lực hỗ trợ giảm phí sử dụng hạ tầng, giảm giá sử dụng dịch vụ tại các cửa khẩu; đồng thời điều trị miễn phí cho gần 400 lái xe đường dài bị nhiễm Covid-19 và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ tối đa các điều kiện sinh hoạt cho lái xe thông qua huy động các nguồn lực xã hội.

Tại Móng Cái (Quảng Ninh), 3 khu vực với sức chứa 6.000 phương tiện và 6 kho lạnh với sức chứa 770 container hàng hóa đã được bố trí. Các doanh nghiệp có hàng hóa chờ thông quan được hướng dẫn chuyển vào kho lạnh để giải phóng đầu container. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng sẵn sàng phương án xử lý khi hàng hóa có nguy cơ hư hỏng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu hủy hàng hỏng


Tác giả: Diệu Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến