Dòng sự kiện:
DJ D-Sol, tân giám đốc ngân hàng Goldman Sachs
06/07/2018 10:31:43
Việc tuyển chọn tân giám đốc ngân hàng tại Goldman Sachs đã kéo dài nhiều năm, theo đó một trong các chủ tịch sẽ trở thành CEO khi vị đương nhiệm về hưu.

Sau 12 năm lèo lái Goldman Sachs thành công đến không ngờ, Lloyd C. Blankfein, 63 tuổi, gợi ý cho biết ông sẽ thoái vị vào cuối năm nay. David M. Solomon, 56 tuổi, vị chủ tịch duy nhất hiện nay đang làm nhiệm vụ điều hành trước khi chính thức nhậm chức.

Goldman Sachs, một ngân hàng lớn tại Mỹ và là cái nôi của nhiều yếu nhân trong các chính phủ, ví dụ các cựu bộ trưởng ngân khố Robert Rubin và Henry Paulson cùng người đương nhiệm Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế Gary Cohn.

Chủ tịch David M. Solomon sẽ trở thành tân CEO của Goldman Sachs.

Tầm nhìn đặc biệt của David M. Solomon đang đưa ông vào hàng ngũ những yếu nhân, sau khi được Lloyd C. Blankfein chọn làm tân CEO. Và bạn đừng ngạc nhiên khi biết rằng Solomon vốn nổi tiếng là người phối nhạc điện tử cho các vũ trường dưới nghệ danh DJ D-Sol. Vị chủ tịch thứ ba tại Goldman Sachs này đã trở thành ứng cử viên duy nhất cho vị trí CEO, sau khi Gary Cohn trở thành cố vấn kinh tế cho Tổng thống Donald Trump và đối thủ cạnh tranh Harvey M. Schwartz vừa tuyên bố từ chức.

Cuộc chuyển giao quyền lực tại Goldman Sachs

Sự thăng tiến của Solomon, một người sinh trưởng từ vùng Westchester County thuộc bang New York và gia nhập Goldman năm 1999 từ vai trò đối tác của công ty bán cổ phiếu Bear Stearns, là điều rất hiếm. Trên thực tế Solomon cũng không được đào tạo trong ngành ngân hàng mà tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại trường đại học Hamilton College.

Năm 2006 Solomon đảm nhận nhiệm vụ đứng đầu bộ phận đầu tư ngân hàng tại Goldman Sachs, và năm 2016, với việc ra đi để tham chính của vị chủ tịch duy nhất đồng thời là giám đốc tác vụ Gary Cohn, David M. Solomon cùng Harvey M. Schwartz được điền vào chỗ trống, trở thành hai đồng Chủ tịch của ngân hàng hoạt động đa ngành đa quốc gia này. Solomon đến từ bên ngoài, nhưng sự thăng tiến của Solomon làm những người bên ngoài cũng ngạc nhiên, và càng ngạc nhiên hơn nữa khi người ta biết ông là một nghệ nhân hoạt động về đêm trong việc phối nhạc và sáng tác nhạc cho các vũ trường cùng những sự kiện lớn.

Lần đầu tiên xuất hiện trong vai trò giám đốc “chờ” tại hội nghị toàn cầu Milken Institute Global Conference, sau khi Harvey Schwartz từ chức kể từ 20-4, Chủ tịch Solomon nói ở đây không có thời gian biểu cho việc nhậm chức, vì ban giám đốc có quy trình làm việc riêng. “Việc kế thừa sẽ diễn ra đúng lúc cần kế thừa”, ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn CNBC.

Trong gần 12 năm Lloyd C. Blankfein đã lèo lái thành công Goldman Sachs, đặc biệt vượt qua cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm ngành ngân hàng điêu đứng, và nay ông muốn chọn cho mình một truyền nhân xứng đáng để tiếp tục lèo lái con tàu, đặc biệt khi mà ngân hàng phải ứng phó với sự nổi lên của công nghệ tài chính, và cả các loại tiền ảo như những thị trường tiền tệ mới. Việc chuyển giao quyền lực lần này diễn ra giữa lúc mô hình kinh doanh truyền thống của Goldman Sachs đang bị bao vây. Việc kinh doanh trái phiếu đạt đến kỷ lục 1 tỉ đô la mỗi tuần trong năm 2009 nay bị che mờ bởi các đối thủ, và sự hiện diện của Golman Sachs tại nhiều thị trường béo bở như Saudi Arabia hay Mexico đang bị giới hạn.

Được thành lập từ 1869, Goldman Sachs Group, Inc. ngày nay là một ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ và là một công ty dịch vụ tài chính đặt trụ sở tại New York City. Bên cạnh việc đầu tư ngân hàng, Goldman Sachs cũng đầu tư vào quản trị, chứng khoán, bất động sản, môi giới, và bảo lãnh trái phiếu. Đỉnh cao của kinh doanh là vào năm 2009 nghĩa là chỉ một năm sau khủng hoảng tài chính thế giới khi các ngân hàng khác chưa kịp phục hồi, đạt đến doanh thu 33 tỉ đô la.

Ngoài các chi nhánh đặt tại nhiều nước trên thế giới, Goldman Sachs còn hiện diện trực tuyến dưới tên Goldman Sachs Bank USA. Hiện tại Goldman Sachs chia ra 4 lĩnh vực hoạt động, gồm ngân hàng đầu tư chiếm 21% tổng doanh thu (2015) mà đối tượng là các ngân hàng; ngân hàng cho vay và đầu tư chiếm 26% (2015) với đối tượng công chúng; dịch vụ tổ chức tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 37% doanh thu (2017), liên quan đến chứng khoán, bảo hiểm, tiền tệ, cổ phiếu; và cuối cùng là bộ phận quản lý đầu tư chiếm 18% tổng doanh thu (2015). Mặt khác, Goldman Sachs cũng thực hiện dịch vụ nhân danh các đối tác trong khuôn khổ GS Capital Partners.

Nhắm đến gia tăng hàm lượng công nghệ

Mục tiêu trước mắt của Goldman Sachs là lấy lại vị thế dẫn đầu của năm 2009, và điều này đòi hỏi nhu cầu tái cấu trúc kinh doanh cũng như những sáng kiến. Kể từ khi nhận chức chủ tịch, cả David Solomon và Harvey Schwarz đều đưa ra kế hoạch bổ sung 5 tỉ đô la vào nguồn doanh thu kể từ 2020. Nhưng trong khi Schwarz tập trung vào kinh doanh cốt lõi của ngân hàng, chọn khách hàng cấu trúc làm đối tượng phục vụ thì Solomon nhắm tới hợp tác kinh doanh cùng với các đối tác, và như thế phát triển dịch vụ đến các khách hàng không cấu trúc. Lẽ dĩ nhiên đây là tầm nhìn mà Blankfein muốn thấy cho một tương lai của Goldman Sachs sau khi ông rời khỏi chức vụ, và đây có lẽ cũng là lý do Schwarz rút lui khỏi cuộc đua kế vị bằng việc nghỉ hưu.

Phát biểu trong hội nghị Bernstein Strategic Decisions Conference bàn về chiến lược diễn ra vào đầu tháng 6, Solomon nói “5 tỉ đô la bổ sung đó không chỉ là tham vọng của Goldman”, ông nói tiếp “Goldman muốn mở rộng kinh doanh cốt lõi, bành trướng việc nhượng quyền, và thúc đẩy sự tăng trưởng cùng sự đa dạng các nguồn doanh thu”.

Tầm nhìn này cho thấy Solomon đang hướng về công nghệ, trước hết là để làm tăng trải nghiệm khách hàng và tăng cường sự hiện diện trực tuyến của Goldman Sachs. Finantials News cho biết Goldman đang tuyển dụng hàng loạt chuyên viên công nghệ ở London và Warsaw.

“Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào những nền tảng công nghệ nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của khách hàng và cải thiện sức mạnh cùng vị trí của chúng tôi trong kinh doanh”, Solomon nói.

Đây là công việc mà Giám đốc tài chính Marty Chavez đã khởi xướng, và giao dịch điện tử của Goldman Sachs đã từ 3% trong năm 2007 lên 13% trong năm ngoái. Nhưng Solomon còn đi xa hơn bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để phát triển những thị trường không cấu trúc mà theo cách gọi ngân hàng là các sản phẩm dòng chảy, bao gồm “kinh doanh tiền tệ, lưu thông dòng tiền, và khai thác các nền tảng điện tử”. Trên thực tế lĩnh vực tiền tệ và hàng hóa (FICC) đang tạo nguồn thu nhập cố định cao, đặc biệt trong hai lĩnh vực lưu thông tiền tệ và kinh doanh tiền tệ.

Cách nhìn nhận này làm cho giới kinh doanh tiền ảo vui mừng. Nhiều người đã suy đoán rằng vai trò mới của Solomon sẽ mang lại lợi ích cho thế giới tiền mã hóa, vì bản thân ông cũng rất quan tâm đến tài sản kỹ thuật số. Rõ ràng là, trong chiến lược vừa được Solomon trình bày, Goldman Sachs đang muốn phát triển kinh doanh cho vay trực tuyến và tham gia vào hoạt động giao dịch tiền tệ. Điều này có thể ngụ ý rằng tham vọng tương lai của công ty có thể liên quan đến các tài sản kỹ thuật số - chủ yếu là tiền điện tử. Về mặt ngân hàng, họ đã bố trí Justin Schmidt làm Giám đốc Tài sản kỹ thuật số.

Một nguồn tin từ thông tấn xã CNBC hôm 14-6 cho biết một nhóm chuyên viên của Goldman Sachs đã rời ngân hàng để thành lập một công ty kinh doanh tiền ảo. Một bản báo cáo của Bloomberg viết rằng cuối năm 2017 Golman Sachs đã bắt đầu giao dịch tiền kỹ thuật số, và một kênh giao dịch sẽ được chính thức thành lập vào mùa hè 2018. Goldman Sachs không xác nhận, nhưng Lloyd Blankfein viết trên trang Twitter rằng “trong tương lai, chúng tôi sẽ thanh toán bằng bitcoin cho một số khách hàng của chúng tôi. chúng tôi là một nhà môi giới, vì vậy nếu khách hàng của chúng tôi muốn điều đó, thì chúng tôi sẽ làm”.

Hướng đến việc thay đổi văn hóa kinh doanh

Khác với người thầy Blankfein và đồng sự Schwartz, Solomon không để mình bị ngụp lặn trong văn hóa kinh doanh khốc liệt của hệ thống ngân hàng, hơn thế nữa ông còn nhắm tới việc truyền đạt cho nhân viên thế cân bằng cuộc sống. Nhưng những gì Solomon thể hiện kể từ khi nhận chức chủ tịch xem ra đang chuẩn bị cho một cuộc cách mạng văn hóa. Với các tập đoàn hay công ty lớn quan trọng như Goldman Sachs, thay đổi văn hóa kinh doanh là một cuộc cách mạng mà trên thực tế các tổ chức này phải tiến hành mỗi khi việc kinh doanh tỏ ra bế tắc, mà thường giữa lúc chuyển giao quyền lực. Ở mức độ nào đó, Goldman đang ở trong tình trạng này hay đúng hơn Goldman đang hụt hơi - vì chạy phải làm quá nhiều mà thành quả không qua mặt được các đối thủ. Hơn ai hết Solomon biết điều đó, và cảm nghiệm được điều đó từ chính mình.

Bennett Goodman, một nhà quản lý kỳ cựu tại Goldman, nói: “Ông là người thành thực, thẳng thắn, và đặt khách hàng làm trung tâm.” Ông nói tiếp “Bạn không nghi ngại gì việc ông sẵn sàng nói với bạn kể cả khi bạn không muốn nghe”.

Phát biểu trước sinh viên trường Hamilton nơi ông đã từng theo học, Solomon khuyên sinh viên tìm cho mình những thứ yêu thích bên ngoài hơn là chỉ lao vào công việc để tìm sự hứng thú trong đó. Bản thân Solomon đã là một mẫu mực sống, và hơn nữa lại là một mẫu mực cho người làm lãnh đạo. Sự cân bằng giữa công việc ngân hàng với thú vui âm nhạc và tập luyện karate có thể là nguyên nhân giúp ông nhận định tình hình tốt hơn, và tìm ra giải pháp tốt hơn ở đâu đó bên ngoài các kinh doanh cốt lõi mà trên thực tế các mảng kinh doanh này tại Goldman Sachs đang khựng lại trong khi những mảng hướng ngoại, lấy khách hàng làm trung tâm, đang bị các đối thủ qua mặt vì họ sử dụng công nghệ sớm hơn. Solomon đang phải nhanh tay phối hợp như thể phối nhạc, giữa áp dụng công nghệ với thay đổi văn hóa để nhanh chóng thay đổi tình trạng tự mãn của hệ thống sau những năm thành công của người đương nhiệm Blankfein, và sẽ là người tiền nhiệm đáng kính một khi Solomon chính thức đãm nhiệm chức vụ CEO.

Solomon luôn nhắc lại rằng ông ủng hộ những thay đổi trong văn hóa Goldman Sachs. Ông ủng hộ việc rút ngắn thời gian làm việc trong những ngày kinh doanh bình thường mà có nơi đã lên đến 90 giờ một tuần, ở nơi khác là 75, 70, và ông cũng không đặt thành vấn đề phải xong công việc mới nghỉ. Nhưng đây không phải là tư tưởng phóng khoáng, cũng không phải lơi lỏng mà là ràng buộc văn hóa kinh doanh phải tôn trọng con người, và qua đó mà phát huy thành quả. Cũng đã có lúc Solomon bước xuống các phòng làm việc và buộc nhân viên phải về nhà đúng giờ.

Trong những cuộc phỏng vấn vào tháng 10-2017 ông đã nói với các sinh viên muốn gia nhập Goldman Sachs rằng họ phải biết viết và nói một cách công khai, phải biết tính toán, và đừng bao giờ đánh mất niềm say mê của mình. Một văn hóa như thế xem ra xa lạ với thói quen làm việc ngụp đầu tại các ngân hàng, nhưng chính Solomon đã là trải nghiệm văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của vị CEO “chờ”, Goldman Sachs đã bắt đầu thay đổi, các chuyên viên lập trình được trả lương cao hơn, chuẩn đồng phục được nới lỏng hơn, hệ thống máy tính tối tân hơn, và thiết lập hệ thống theo dõi kết quả thực hiện theo thời gian thực.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến