Dự thảo Nghị định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đang được lấy ý kiến.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng việc không quy định cụ thể thời gian nâng tỷ lệ tái chế gây khó cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch kinh doanh trung hạn. VASEP đề xuất tỷ lệ tái chế cần được điều chỉnh theo chu kỳ ba năm một lần và thông báo cho các doanh nghiệp liên quan trước ít nhất 6 tháng và mỗi lần không điều chỉnh quá 5%. Việc này là để doanh nghiệp đủ thời gian lên dự phòng tài chính hoặc kế hoạch tái chế trong năm tiếp theo và đủ kinh phí để đầu tư nguồn lực tái chế.
Các thùng phân loại rác của một liên minh tái chế tại Việt Nam. Ảnh: Gia Chính. Ảnh: Gia Chính
Hiệp hội nhà sản xuất xe máy (VAMM) cho rằng công thức tính tỷ lệ tái chế hiện chưa hợp lý. "Việc thải bỏ phụ thuộc vào quyết định của người tiêu dùng với từng lựa chọn khác nhau. Việc đưa toàn bộ hoạt động thải bỏ của người tiêu dùng thành trách nhiệm của nhà sản xuất là không hợp lý".
VAMM gợi ý chỉ nên căn cứ trên tỷ lệ mà người tiêu dùng chuyển giao sản phẩm thải bỏ cho nhà sản xuất để tính tỷ lệ tái chế thực tế. Nhà nước có thể ban hành quy định trách nhiệm với người tiêu dùng để tăng hệ số thải bỏ sản phẩm từ đó tăng tỷ lệ tái chế thực tế góp phần bảo vệ môi trường.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì lo lắng việc áp dụng EPR sẽ làm tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp trong ngành khi hầu hết doanh nghiệp đã thực hiện việc tái chế với các sản phẩm thải của mình như vụn vải, nước thải. Đồng thời, chưa quy định rõ thành phần đại diện của doanh nghiệp trong Hội đồng EPR quốc gia là bao nhiêu, cơ cấu tổ chức thế nào.
"Cơ chế biểu quyết là theo đa số, mà đại diện doanh nghiệp nếu ít ỏi thì cũng khó có tiếng nói đáng kể, do đó đề nghị được tăng số đại diện để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong các quyết định và sử dụng khoản tiền đóp góp", Hiệp hội Dệt may đề nghị.
Ngoài những đề xuất trên, các hiệp hội doanh nghiệp đều mong muốn lùi thời gian bắt đầu thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch.
Rác thải của các loại bao bì trôi dạt vào bờ biển Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các doanh nghiệp đang có hiểu nhầm về tỷ lệ tái chế bắt buộc và tỷ lệ thu hồi nguyên liệu trong quy cách tái chế bao bì. Ông Hùng khẳng định dự thảo Nghị định không quy định cụ thể tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng sản phẩm, bao bì mà quy định công thức xác định tỷ lệ tái chế tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế.
Theo đó, công thức xác định tỷ lệ tái chế tham chiếu trong dự thảo thì cao nhất dự kiến là bao bì nhôm, chai PET ở mức 22,5% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 1,8%.
"Tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 của các quốc gia ở châu Âu từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, phương tiện giao thông thì chỉ bằng 1/5 của châu Âu thời điểm mới bắt đầu áp dụng EPR", ông Hùng nói. Quy định mức tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc không quá 5% cho chu kỳ 3 năm thì khoảng 30 năm nữa mới đạt tỷ lệ tái chế như các quốc gia ở Châu Âu.
Theo ông Hùng, quy định EPR đã có 15 năm nay, không phải là trách nhiệm mới. Tuy nhiên tiếp thu kiến nghị của các hiệp hội, Bộ đã đề xuất tiếp tục kéo thời điểm thực hiện so với dự thảo Nghị định bản gửi xin ý kiến. Việc để tỷ lệ tái chế ở mức rất thấp cùng với tiếp tục kéo dài thời điểm thực hiện đã thể hiện sự chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Ông Phan Tuấn Hùng nói về EPR. Ảnh: Gia Chính
Ở góc độ môi trường, bà Quách Thị Xuân, điều phối viên của Liên minh không rác cho rằng tỷ lệ tái chế trong dự thảo vẫn quá thấp so với các quốc gia đã áp dụng EPR, điều này chưa thể giải quyết được vấn đề ùn ứ rác thải sinh hoạt và ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.
Theo tính toán của bà Xuân thì với tỷ lệ quá thấp như hiện nay và quy định giới hạn tăng không quá 5% cho chu kỳ 3 năm thì Việt Nam không thể đạt được mục tiêu tái chế đạt 85% vào năm 2025 theo Đề án đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bà Quách Thị Xuân đề nghị không lùi thời điểm thực hiện EPR hơn nữa mà nên theo đề xuất của dự thảo. "Việt Nam đã chậm và gần như không thực thi EPR trong suốt 15 năm qua và hệ quả là thực trạng ùn ứ, quá tải tại các bãi rác, ô nhiễm chất thải nhựa đang rất báo động và bị xem là một trong năm quốc gia thải xả nhựa ra đại dương lớn nhất.
"Khó khăn do Covid-19 thì Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, không nên lấy trách nhiệm môi trường để bù cho khó khăn Covid-19", bà Xuân nói.
Dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự kiến, tháng 9, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ thông qua, đến tháng 1/2022 bắt đầu có hiệu lực.
Tác giả: Gia Chính
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy