Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt trong phương án cổ phần hóa của Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), lẽ ra đến thời điểm này việc bán tiếp cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đã hoàn tất. Tuy nhiên, kế hoạch bán cho cổ đông chiến lược đã bị hoãn vô thời hạn. Lý do thực sự dẫn đến việc này là gì?
Cuối năm 2017 và tháng đầu năm 2018, hai đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của hai doanh nghiệp nêu trên trở thành hiện tượng thành công thu hút sự chú ý trên thị trường chứng khoán, chỉ sau sự kiện thoái vốn nhà nước của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Giá trúng đấu giá bình quân của BSR cao hơn giá khởi điểm 57,8%. Giá cổ phiếu bình quân PV Oil thấp hơn BSR nhưng cao hơn nhiều so với dự đoán. Kết quả là hai doanh nghiệp IPO thành công hơn kế hoạch đặt ra, trở thành những cổ phiếu hàng đầu về vốn hóa, lượng giao dịch và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại trên sàn UpCom.
Với những diễn biến này, có thể thấy rằng đà bán tiếp cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược theo kế hoạch của cả BSR lẫn PV Oil có thể diễn ra thuận lợi.
Nhưng cuối tháng 5 vừa qua, trong một văn bản phát đi của Văn phòng Chính phủ, Chính phủ chỉ đạo BSR, PVOil và PV Power (Tổng công ty Điện lực dầu khí) thực hiện việc bán tiếp cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo tập đoàn Dầu khí thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp sau khi các đơn vị này chuyển thành công ty cổ phần.
Hay nói khác đi là Chính phủ không chấp thuận cho các doanh nghiệp nêu trên lùi thời hạn bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như đề nghị của doanh nghiệp, vốn đã được Bộ Tài chính chấp thuận. Theo quy định hiện hành, sau thời điểm IPO ba tháng, doanh nghiệp phải tiếp tục bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược theo phương án đã được thông qua. PV Oil xin lùi thêm bốn tháng để “đảm bảo tính khả thi cao của quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược” nhưng không được Chính phủ chấp nhận nên đã thông báo tới bốn nhà đầu tư chiến lược về việc dừng chào bán 44,72% cổ phần. Việc thoái vốn sắp tới theo hướng nào chưa được thông báo cụ thể.
BSR cũng ra thông báo tương tự là họ dừng bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, tập trung cho việc chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và dự kiến sẽ thoái vốn qua sàn. Thời gian cụ thể chưa được xác định.
Việc Chính phủ đồng loạt từ chối đề nghị của các doanh nghiệp dẫn đến việc cả hai công ty đều ra thông báo như trên khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu đây có phải là “động tác kỹ thuật” của doanh nghiệp nhằm tránh việc phải bán cổ phần cho cổ đông chiến lược tại thời điểm thị trường chứng khoán rớt giá mạnh, khả năng thu về thất bại nhiều hơn thành công?
Phía PV Oil giải thích việc xin gia hạn là để hoàn thiện các vấn đề liên quan đến hợp đồng, quy trình bán... vì khoảng thời gian theo quy định là không đủ để hai bên đạt được sự chuẩn bị tốt nhất, chứ chưa đến thời điểm hai bên thương thảo giá bán. BSR không đưa ra giải thích gì nhưng nói muốn thay đổi cách bán sao cho có lợi hơn.
Vấn đề là Quy định 32/2018/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp mới bổ sung quy định về phương thức thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần, theo đó yêu cầu việc bán vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán “phải đảm bảo giá giao dịch (giá sàn) không thấp hơn giá khởi điểm được xác định”.
Giá này không thể thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin đợt chào bán. Mà giá tại thời điểm ngày 10-7-2018 của BSR tại sàn UpCom thấp hơn giá IPO bình quân hồi tháng 1 tới 34,5%. Nếu lấy giá khởi điểm theo giá tại thời điểm thị trường rơi không dừng như hiện nay thì kết quả bán cổ phần có thể rất thảm hại. Nhất là khi khối lượng của đợt thoái vốn này tới 44% cổ phần, trị giá vài ngàn tỉ đồng. Còn lấy giá theo giá trúng đấu giá IPO bình quân trước đây cũng lại là chuyện không tưởng.
Các doanh nghiệp dự đoán được điều này và nếu phải dùng các cách khác nhau để lách luật nhằm dừng bán cho cổ đông chiến lược cũng là điều dễ hiểu.
Một số chuyên gia về cổ phần hóa phàn nàn rằng Nghị định 126/2017 về cổ phần hóa thay thế Nghị định 59/2011 trước đây đưa ra nhiều yêu cầu gây khó cho nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt về giá. Doanh nghiệp nhà nước phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chiến lược phải cam kết đầu tư trước thời điểm công bố thông tin IPO trong khi việc này theo quy định cũ có thể trước hoặc sau khi đấu giá công khai. Nhà đầu tư chiến lược phải trả giá không thấp hơn giá đấu bình quân của cuộc đấu giá công khai và điều đó khiến họ khó chấp nhận vì họ không thể cam kết đầu tư mà không biết trước giá phải trả.
Theo TBKTSG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy