Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) sáng nay đón thêm 127,7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán VIX niêm yết với giá tham chiếu 20.300 đồng. Cổ phiếu này đang tăng hết biên độ lên 24.350 đồng, cùng khối lượng dư mua hơn 2 triệu đơn vị.
Chứng khoán VIX là doanh nghiệp thứ hai niêm yết trên sàn TP HCM trong tuần đầu tiên của năm nay. Trước đó, Công ty cổ phần Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên đã "xông đất" bằng 41,5 triệu cổ phiếu.
Thống kê của VnExpress cho thấy trong hai tuần trở lại đây, HoSE chấp thuận niêm yết 10 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, vật liệu xây dựng, dệt may... Số lượng niêm yết giai đoạn này bằng 1/3 doanh nghiệp niêm yết mới trong cả năm 2020. Trong vòng 90 ngày từ khi nhận quyết định, các doanh nghiệp này buộc phải hoàn tất thủ tục để ấn định ngày giao dịch đầu tiên.
Theo đó, thị trường sẽ đón thêm khoảng 2,71 tỷ cổ phiếu. Đứng đầu về khối lượng niêm yết là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, làn sóng niêm yết đầu năm xuất phát từ việc các doanh nghiệp muốn tận dung giai đoạn thị trường diễn biến thuận lợi.
"Việc niêm yết cổ phiếu còn góp phần tăng nhận diện thương hiệu và nâng tầm hoạt động quan hệ nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh kênh chứng khoán thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong nước", ông Hinh nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Dũng – Thành viên HĐQT kiêm Người phụ trách quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán VIX dự đoán, nếu thị trường còn tiếp tục thăng hoa thì làn sóng lên sàn có thể kéo dài đến giữa năm.
Sàn HoSE đang chiếm 77% vốn hoá thị trường và 85% giá trị giao dịch. Chỉ số VN-Index cũng mang tính đại diện cao, thường được các quỹ đầu tư dùng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư. Vì thế, ông Dũng cho rằng xu hướng dịch chuyển niêm yết từ Hà Nội vào TP HCM đang hình thành, đơn cử như VIX, để tìm kiếm cơ hội tiếp cận nhà đầu tư rộng hơn.
Ông Dũng nhận định, đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và phân bảng giao dịch cổ phiếu cũng là một trong những động lực thúc đẩy việc doanh nghiệp niêm yết tại HoSE nhiều hơn. Tuy nhiên, để niêm yết cần nhiều thời gian chuẩn bị nên đề án này không phải là yếu tố quyết định, mà phần lớn vẫn từ chiến lược và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp.
"Làn sóng niêm yết mới giúp tăng hàng hoá trên thị trường, tạo dư địa tăng trưởng và cơ hội cho nhà đầu tư", ông Hinh nói, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư cần đánh giá chi tiết về sức khoẻ của các doanh nghiệp mới niêm yết trước khi giải ngân.
Tác giả: Phương Đông
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy