Khó khăn tạm qua
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 mới quét qua cũng đủ khiến nền kinh tế trong nước lao đao, kéo theo nhiều doanh nghiệp mấp mé bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu cho những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp phải hứng chịu trong năm 2021.
Quý III/2021, GDP giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Trong các khu vực kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 1,04%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, còn khu vực dịch vụ giảm sâu 9,28%. Kết quả này khiến GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 và cũng là mức thấp nhất trong hơn thập kỷ gần đây.
Dệt may là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất từ đợt bùng phát đại dịch lần thứ tư.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (mã VGT) nhớ lại, có thời điểm được coi là tuyệt vọng với Tập đoàn. Đặc biệt, với những doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi sản xuất gần như bị đứt gãy trong quý III năm ngoái.
“Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động không được đến nhà máy nên đã xảy ra tình trạng không đảm bảo tiến độ giao hàng, bị phạt hợp đồng”, ông Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, các đơn vị thành viên của Vinatex vẫn nỗ lực duy trì hiệu quả hoạt động, ưu tiên bảo toàn lực lượng lao động. Đặc biệt, sự tăng trưởng ngoạn mục của các doanh nghiệp ngành sợi đã giúp Vinatex đạt kết quả sản xuất - kinh doanh ấn tượng.
Kết thúc năm 2021, doanh thu hợp nhất năm của Tập đoàn ước đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với cùng kỳ, đạt 170% kế hoạch và cao hơn năm 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch - gần 70%.
Ông Lê Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã GVR) cũng đánh giá, ngành cao su đã trải qua một năm nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Dù vậy, VRG vẫn hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Trong đó, doanh thu và thu nhập khác ước đạt 29.091 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.179 tỷ đồng, tăng 13% so với kế hoạch.
Sau cơn mưa, mong trời sáng
Qua một năm chồng chất khó khăn, các doanh nghiệp đang dần lấy lại động lực tăng trưởng. Phương án kinh doanh năm 2022 được nhiều doanh nghiệp xây dựng để chuẩn bị đưa ra trình Đại hội cổ đông thường niên cho thấy những kỳ vọng khả quan.
Chẳng hạn, Vinatex xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 17.750 tỷ đồng, tăng 2,2% so với kế hoạch năm 2021; lợi nhuận đạt 900 tỷ đồng, tăng 28,6%. Theo ông Hiếu, hiện tại, Tập đoàn đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý I/2022, một số đơn vị đã đủ đơn hàng đến hết quý II/2022.
Năm 2022, May 10 đặt chỉ tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 8,6%; lợi nhuận 120 tỷ đồng, tăng trưởng 31,9%.
Tổng công ty May 10 (mã M10) - đơn vị thành viên của Vinatex - dù đặt chỉ tiêu doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 8,6%, song mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tới 31,9%, tương ứng 120 tỷ đồng.
Về vấn đề hàng đầu của doanh nghiệp dệt may là thiếu lao động, Vinatex thông tin, ngay trong tháng đầu khi cả nước bước vào giai đoạn “bình thường mới”, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc của toàn Tập đoàn đã đạt 85 - 90%.
“Tới thời điểm hiện nay, Tập đoàn đã lấy lại được toàn bộ lực lượng lao động”, ông Hiếu cho biết.
Doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Damsan (mã ADS) đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 2.223 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 121 tỷ đồng. So với kế hoạch 2021, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay của ADS lần lượt tăng 30% và 68%. Đây cũng là kế hoạch lãi cao nhất trong lịch sử niêm yết của Công ty. Bên cạnh đó, ADS đặt mục tiêu kinh doanh thương mại 9.000 tấn bông nguyên liệu và 6.600 tấn sợi các loại.
Tập đoàn Cao su Việt Nam - VRG (mã GVR) cũng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2022 đạt 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất dự kiến 6.300 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch doanh thu dự kiến của Công ty mẹ VRG đạt 4.094 tỷ đồng, tăng 7,7% so với kế hoạch năm 2021 (đã điều chỉnh) và lợi nhuận dự kiến đạt 2.368 tỷ đồng, tăng 15%.
Tập đoàn vẫn xây dựng các phương án sản xuất - kinh doanh thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, VRG cũng kiến nghị Chính phủ xem xét việc doanh nghiệp không phải nộp tiền thuê đất khi tái canh vườn cây cao su vì đây là dự án mới, được thực hiện theo chu kỳ sinh lý cây trồng, nhất là trong thời gian đầu tư xây dựng cơ bản, dự án không có nguồn thu để trả tiền thuê đất.
Năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.750 tỷ đồng. 11 tháng đầu năm, MWG đã hoàn thành lần lượt 88% và 93% kế hoạch năm. Với kết quả trên, năm nay, MWG kỳ vọng mang về 140.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so với mục tiêu năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 6.350 tỷ đồng, tăng 33,7%.
Trong ngành chăn nuôi, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC) đặt mục tiêu doanh thu tăng 46% so với mục tiêu năm 2021, dự kiến đạt 22.559 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng 11% lên 918 tỷ đồng. Dù vậy, lãnh đạo DBC dự báo năm 2022 tiếp tục là một năm khó khăn do chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ bị đứt gãy và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhìn nhận, môi trường kinh tế vĩ mô chung sẽ tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch, cũng như các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ.
Do đó, Mirae Asset dự phóng hầu hết các ngành sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022, với mức dự phóng EPS của các doanh nghiệp tăng trưởng 24%, tương đương mức tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 29%/năm.
Trong khi đó, các chuyên gia từ SSI Research tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng, lợi nhuận các công ty niêm yết trong nửa đầu năm 2022 không cao do so sánh với mức nền cao trong 6 tháng đầu năm 2021 và nhu cầu tiêu dùng trong nước sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4 cần nhiều thời gian để phục hồi.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngành được dự báo có thể tăng trưởng vượt trội bất chấp khó khăn do dịch bệnh như xuất khẩu (thủy sản, dệt may và vận tải biển); hàng hóa (phân bón, thủy sản, hóa chất và mía đường); ngành hưởng lợi từ đầu tư công (xây dựng, bất động sản dân và bất động sản khu công nghiệp) và ngành hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp (chứng khoán và bất động sản dân cư).
SSI Research đánh giá, nửa cuối năm 2022 sẽ là thời điểm có triển vọng rõ ràng hơn với các doanh nghiệp. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm do mức so sánh thấp của năm 2021, được hỗ trợ bởi cầu tiêu dùng trong nước phục hồi và tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh hơn so với nửa đầu năm.
Tác giả: Kiều Trang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy