Tuần này, có 24 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức, trong đó 21 công ty trả cổ tức bằng tiền mặt, 2 công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp trả thưởng bằng cổ phiếu.
Nhộn nhịp mua bán
Công ty CP Unicap vừa trở thành cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB) sau khi mua vào gần 66,8 triệu cổ phiếu, nâng tổng sở hữu cả nhóm lên 7,47% vốn điều lệ VIB.
Công ty CP Unicap vừa trở thành cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam.
Cụ thể, trong phiên ngày 24/9, Công ty CP Unicap đã mua gần 66,8 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 2,24% vốn điều lệ VIB. Ước tính, Unicap phải chi khoảng 1.275 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,47% vốn điều lệ VIB.
Trước đó, Unicap không sở hữu cổ phiếu VIB nào. Tuy nhiên, 2 cá nhân liên quan là bà Nguyễn Thùy Nga - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Unicap sở hữu hơn 70 triệu cổ phần VIB và bà Tống Ngọc Mỹ Trâm - thành viên Hội đồng quản trị sở hữu gần 98 triệu cổ phần VIB.
Ở chiều ngược lại, ông Ân Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc VIB - đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu nhằm giải quyết nhu cầu cá nhân. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh, thỏa thuận, dự kiến từ ngày 9/10 - 7/11. Nếu giao dịch thành công, ông Sơn sẽ giảm sở hữu tại VIB xuống còn 4,69 triệu cổ phần. Ước tính, ông Sơn sẽ thu về khoảng 39 tỷ đồng từ việc bán bớt cổ phần như đã thông báo.
Tổng Công ty Công trình đường sắt (mã chứng khoán: RCC) vừa thông qua điều chỉnh kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Theo đó, RCC dự kiến nộp hồ sơ đăng ký niêm yết gần 32,1 triệu cổ phiếu trên HNX trong năm nay.
Trước đó vào năm 2023, RCC đã xin ý kiến cổ đông về việc niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE). Tuy nhiên, do đánh giá tình hình chung của thị trường hiện nay, công ty quyết định thông qua việc điều chỉnh kế hoạch niêm yết cổ phiếu RCC từ HoSE sang HNX.
Cụ thể, tổng số lượng RCC đăng ký niêm yết là gần 32,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là gần 321 tỷ đồng. Thời gian dự kiến nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu đến HNX là trong quý IV năm nay.
Cổ phiếu RCC bắt đầu giao dịch trên thị trường Upcom từ ngày 2/12/2016 với giá tham chiếu 18.800 đồng/cổ phiếu.
Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - mã chứng khoán: FRT) vừa hoàn tất việc thành lập công ty con mới là Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu, sở hữu 100% vốn.
Trước đó, FPT Retail đã thông qua kế hoạch thành lập Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu, khi thực hiện góp toàn bộ cổ phần tại Công ty CP Dược FPT Long Châu vào công ty mới.
Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu không còn là công ty con của FPT Retail.
Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu có địa chỉ tại số 379 - 381 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM. Công ty có vốn điều lệ 673,65 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý. Như vậy, Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu không còn là công ty con của FPT Retail.
Cổ phiếu NLG bị bán
Công ty CP Đầu tư Thái Bình - tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Đức Thuấn - Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) vừa thông báo đăng ký bán 3,8 triệu cổ phiếu NLG để cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Giao dịch sẽ thực hiện từ ngày 4/10 - 2/11, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, Đầu tư Thái Bình sẽ giảm sở hữu tại NLG xuống còn 13,84 triệu cổ phần.
Trước đó, từ ngày 4 - 26/9, Đầu tư Thái Bình đã bán thành công 3,5 triệu cổ phiếu NLG, giảm sở hữu từ 5,49% xuống còn 4,58% vốn điều lệ Đầu tư Nam Long và không còn là cổ đông lớn của Nam Long.
Hồi cuối tháng 9, ông Nguyễn Nam và ông Nguyễn Hiệp - đều là con Chủ tịch Nam Long Nguyễn Xuân Quang đã mua thỏa thuận cùng khối lượng 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu tại NLG.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Xuân Quang đã bán thỏa thuận 2 triệu cổ phiếu NLG, qua đó giảm sở hữu tại Nam Long xuống còn 38,45 triệu cổ phần, tương đương 9,99% vốn điều lệ Nam Long.
Công ty CP Đầu tư Thái Bình liên tục bán cổ phiếu NLG.
Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã chứng khoán: D2D) thông báo ngày 14/10 sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 87% bằng tiền mặt, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phần nhận về 8.700 đồng.
Với hơn 30 triệu cổ phiếu đang lưu hành, D2D dự kiến chi hơn 263 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông. Trong đó, Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp - Sonadezi (mã chứng khoán: SNZ) là công ty mẹ của D2D sẽ nhận về gần 153 tỷ đồng cổ tức.
Công ty CP Mía đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS) thông báo 10/10 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức bằng tiền năm 2023 - 2024 với tỷ lệ 200%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/10 và cổ tức sẽ được chi trả tới cổ đông vào ngày 4/11. Với 9,8 triệu cổ phiếu được lưu hành, dự kiến Mía đường Sơn La sẽ phải chi ra khoảng 196 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông đợt này.
Công ty CP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (mã chứng khoán: SKH) thông báo 10/10 là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 21,12%. Với 33 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sanest Khánh Hòa sẽ phải chi khoảng 70 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này.
Tác giả: Duy Quang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy