Công ty phân bón Bình Điền (Long An). (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Nhiều doanh nghiệp ngành phân bón báo lãi lớn trong năm 2021 do giá phân bón tăng cao khi nhu cầu cầu tăng đột biến và nguồn cung giảm mạnh.
Giới phân tích cho rằng ngành phân bón Việt Nam vẫn tiếp tục hưởng lợi trong ngắn hạn vì có cơ hội để gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó, nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao cũng là tín hiệu tích cực cho những công ty phân bón nội địa.
Lợi nhuận tăng vọt
Năm 2021, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí-Đạm Phú Mỹ (mã chứng khoán: DPM) ước tính tổng doanh thu lên đến 12.826 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 3.600 tỷ đồng; lần lượt tăng 63% và 324% so với năm 2020.
Với kết quả này, công ty vượt 54% chỉ tiêu doanh thu và đạt gấp 8,2 lần chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Đây cũng là năm lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ cao nhất trong 10 năm qua.
Đối với Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (mã chứng khoán: DCM), năm 2021, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.820 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và gấp gần 3 lần so với năm 2020. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất suốt 10 năm hoạt động của doanh nghiệp.
Với kết quả trên, Đạm Cà Mau vượt 9% mục tiêu doanh thu và vượt 110% kế hoạch lợi nhuận cả năm, dù công ty vừa mới điều chỉnh nâng hai chỉ tiêu này gấp 4 lần kế hoạch cũ.
Lợi nhuận khởi sắc của Đạm Cà Mau xuất phát từ việc giá bán sản phẩm urê liên tục tăng cao trong thời gian qua. Chỉ tính trong quý 3 năm 2021, giá bán bình quân sản phẩm urê đã tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng tăng giá này được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón trên toàn cầu và các chính sách hạn chế xuất khẩu của các quốc gia như Trung Quốc, Nga.
Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau đã đưa vào vận hành chính thức nhà máy phân bón NPK với công suất 300.000 tấn/năm, bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ tháng 4/2021, giúp cải thiện đáng kể sản lượng sản xuất trong năm.
Cũng có kết quả kinh doanh tích cực, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính doanh thu hợp nhất năm qua đạt mức kỷ lục 51.200 tỷ đồng, vượt 16% so kế hoạch cả năm và tăng 24% so với năm 2020.
Lợi nhuận tăng 2% so với thực hiện 2020; trong đó, lợi nhuận của nhiều công ty thành viên tăng cao gồm Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã chứng khoán: LAS), Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam (mã chứng khoán: SFG) tăng 12 lần, Công ty cổ phần DAP - VINACHEM (mã chứng khoán: DDV) tăng 6,7 lần, Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì (mã chứng khoán: HVT) tăng 2 lần.
Việc khan hiếm lượng cung phân bón khiến giá bán tăng mạnh. Theo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 9 tháng năm 2021, sản xuất phân bón trong nước đạt 5,7 triệu tấn tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng cục Hải quan cho biết 11 tháng năm 2021, cả nước xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn phân bón, trị giá gần 459,28 triệu USD, giá trung bình đạt 381,2 USD/tấn, tăng 11,6% về khối lượng, tăng 45,6% về kim ngạch và giá tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng phân bón xuất khẩu trong 11 tháng năm 2021 đã vượt qua kỷ lục xuất khẩu về lượng trong năm 2020 là 1,163 triệu tấn.
Tại tháng 12, cùng chung xu hướng với giá urê thế giới, giá urê tại Việt Nam tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt ngưỡng 18.000 đồng/kg. World Bank dự báo mức tăng này có thể kéo dài đến hết nửa đầu năm 2022.
Cuối năm 2021, Trung Quốc và Nga - hai trong số ba quốc gia xuất khẩu phân bón nhiều nhất thế giới, ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu phân bón để ổn định nguồn cung trong nước và kiểm soát lạm phát. Quyết định này có thể kéo dài đến hết quý II/2022.
Theo báo cáo của tổ chức IndexBox, năm 2020, ba quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất bao gồm Nga, Trung Quốc và Canada, chiếm tới 35% tổng sản lượng xuất khẩu phân bón toàn thế giới.
Do đó, động thái trên của hai quốc gia tác động mạnh đến thị trường phân bón toàn cầu và giá phân bón được dự báo sẽ tiếp tục đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2022.
Cơ hội và rủi ro đan xen
Theo phân tích của tổ chức tư vấn và phân tích thị trường Mordor Intelligence, ngành phân bón Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2026.
Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Nam Phi và Hàn Quốc đang tích cực tìm kiếm những nhà cung ứng mới, điều đó có thể giúp Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu phân bón.
(Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN)
Điển hình là trong tháng 11, Hàn Quốc quyết định nhập khẩu 10.000 tấn urê từ Việt Nam. Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam kỳ vọng, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội hiếm có này để gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao cũng là yếu tố tích cực đối với ngành phân bón. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tổng sản lượng tiêu thụ gạo toàn thế giới trong niên vụ 2021-2022 đạt 510,9 triệu tấn, tương đương sản lượng tiêu thụ cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có thể đạt 16,5 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 6,3 triệu tấn trong 2022. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, diện tích gieo trồng lúa giảm khoảng 39 nghìn ha nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020. Khối lượng gạo xuất khẩu năm 2021 đạt tương đương năm 2020, nhưng giá trị đạt khoảng 3,27 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm ngoái.
Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng ngành nông nghiệp và phân bón có mối quan hệ tương hỗ với nhau, do đó kết quả này có thể được xem như một tín hiệu tích cực cho những công ty sản xuất phân bón nội địa.
Bên cạnh những thuận lợi có được thì các doanh nghiệp phân bón cũng phải đối diện với những rủi ro.
Theo công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, Chính phủ có thể can thiệp vào giá bán phân bón cho lúa được xem như một mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu hụt lương thực hậu COVID-19, do đó Chính Phủ có thể ban hành những quy định buộc các công ty sản xuất phân bón hạ giá bán để hỗ trợ người nông dân.
Thực tế, từ tháng 7/2021, dưới áp lực từ việc giá phân bón tăng phi mã, Bộ Công Thương yêu cầu Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam tăng dự trữ phân bón để đảm bảo nguồn cung ứng không bị đứt gãy.
Bộ Công Thương cũng ban hành công văn đề xuất các biện pháp đối phó với tình trạng tăng giá và yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành không đầu cơ tích trữ. Theo đó, Việt Nam có thể tạm dừng xuất khẩu phân bón để bình ổn giá cả trong nước.
Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2022, COVID-19 dần được kiểm soát khiến những yếu tố thúc đẩy giá phân bón có thể dần biến mất.
Trường hợp giá cả giảm, biên lợi nhuận của nhà sản xuất urê sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Riêng các công ty NPK có thể điều chỉnh chiến lược tồn kho để giữ tỷ suất lợi nhuận ổn định.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ngành phân bón đã tăng mạnh mẽ trong năm 2021. Tuy nhiên sang năm 2022, hầu hết các mã cổ phiếu ngành phân bón đang điều chỉnh giảm.
Cụ thể, tính từ chốt phiên cuối cùng năm 2021đến hết phiên 14/1/2022, BFC giảm 11,3%, DPM giảm 19,6%, DCM giảm 21%, LAS giảm gần 22%..../.
Tác giả: Văn Giáp
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy