Giá hầu hết các loại phân bón đều tăng mạnh trong Quý III/2021 và tiếp tục leo thang từ đầu tháng 11, lên mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Giá phân bón cao có thể gây áp lực lạm phát lên giá lương thực, làm tăng thêm lo ngại về an ninh lương thực vào thời điểm đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu đang khiến việc tiếp cận lương thực trở nên khó khăn hơn, chuyên gia của World Bank nhận định.
Tại Ấn Độ, giá hợp đồng phân kali đã tăng vọt 59% lên 445 USD/tấn, theo Bloomberg’s Green Markets.
Tại Tây và Bắc Âu, giá phân kali tăng 1,7%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2015.
Tại Mỹ, Chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ của Green Markets (Green Markets North American Fertilizer Price Index) đã leo lên mức cao nhất từ trước đến nay trong tuần thứ ba liên tiếp.
Chỉ số giá phân bón hàng tuần Bắc Mỹ của Green Markets. Nguồn: Fertilizer Pricing
Việc chi phí phân bón leo thang như tình trạng hiện nay đang làm dấy lên lo ngại về giá lương thực vốn đã cao vào thời điểm mà người tiêu dùng Mỹ đang chứng kiến lạm phát cao nhất kể từ năm 1990 và người dân trên khắp thế giới tiếp tục vật lộn với tác động của đại dịch, Bloomberg cho biết.
Khi phân bón và các chi phí đầu vào khác tăng lên, Bloomberg’s Green Markets dự đoán, nông dân Mỹ trong năm tới sẽ chuyển đổi 2,5 triệu mẫu diện tích trồng ngô sang trồng đậu nành, loại cây ít thâm dụng phân bón hơn.
Một số yếu tố đẩy giá phân bón lên cao
Giá phân bón được thúc đẩy bởi chi phí năng lượng tăng cao, cắt giảm nguồn cung, các chính sách thương mại…
Một nguyên nhân dẫn đến giá phân bón tăng là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng.
Giá phân bón bổ sung dinh dưỡng cây trồng đã tăng chóng mặt do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu khiến khí đốt tự nhiên, nguyên liệu chính cho sản xuất hầu hết các loại phân đạm, trở nên đắt đỏ hơn.
Đặc biệt, giá khí đốt tự nhiên tăng cao ở châu Âu cũng dẫn đến việc cắt giảm sản lượng trên diện rộng đối với amoniac - một nguyên liệu đầu vào quan trọng cho phân đạm.
Tình trạng thiếu than dẫn đến khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đã vượt ra ngoài biên giới nước này, đe dọa phá vỡ chuỗi cung ứng và hoạt động canh tác ở một số nước như Hàn Quốc, Ấn Độ… dựa vào urê nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất phân bón và dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel, Wall Street Journal đưa tin ngày 12/11.
Ngoài ra, chính sách thương mại của các nhà xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới như Trung Quốc và Nga cũng tạo thêm sức ép lên giá phân bón toàn cầu.
Trung Quốc đã thông báo ngừng xuất khẩu phân bón cho đến tháng 6/2022 để đảm bảo nguồn cung trong nước trong bối cảnh lo ngại về an ninh lương thực.
Xuất khẩu phân DAP và urê của Trung Quốc lần lượt chiếm khoảng 1/3 và 1/10 thương mại toàn cầu.
Thêm vào những lo ngại về nguồn cung, Nga gần đây đã công bố các hạn chế đối với xuất khẩu phân nitơ và phốt phát trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/12/2021.
Sự phân hóa ngày càng tăng trong giá giao ngay và giá hợp đồng tương lai cho phân bón cũng được ghi nhận.
Sự gián đoạn nguồn cung đã làm tăng giá giao ngay của phân kali, dẫn đến mức chênh lớn trong lịch sử so với giá hợp đồng tương lai.
Và trong tuần này, các công ty ở Canada, một nhà xuất khẩu kali lớn, đang phải sử dụng các tuyến đường vận chuyển thay thế sau khi lũ lụt chia cắt thành phố lớn thứ ba của Canada với phần còn lại của đất nước.
Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng cao khi nguồn cung bị thắt chặt. Ảnh: Farmers Weekly
Giá urê được dự đoán sẽ giảm nhẹ vào năm 2022 do giá nguyên liệu đầu vào ở mức vừa phải, theo chuyên gia của World Bank.
Giá DAP dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2022 do kỳ vọng nguồn cung thắt chặt trừ khi các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc được nới lỏng sớm hơn dự đoán.
Giá hợp đồng tương lai phân kali được dự báo sẽ tăng vọt vào năm 2022 sau khi giá giao ngay tăng đáng kể.
Rủi ro tăng giá đối với triển vọng bao gồm sự gián đoạn nguồn cung tiếp tục trong khi rủi ro giảm giá (đặc biệt là trong dài hạn) bao gồm việc tăng cường các chính sách môi trường hạn chế sử dụng phân bón.
Tác giả: Minh Đức
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy