Nhiều dự án, công trình xây dựng dù phải thua lỗ nặng nhưng các doanh nghiệp phải “gồng mình” trước cơn bão giá. Công tác triển khai đấu thầu các dự án xây dựng từ ngân sách nhà nước cũng gặp trở ngại do nhà thầu lo cơn sốt giá vật liệu xây dựng chưa hạ nhiệt.
Từ cuối năm ngoái đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng trên thị trường tăng đột biến, nhất là các loại: thép, cát, sơn… Cá biệt đối với giá thép tăng từ 50-60%; cát xây dựng trở nên khan hiếm và giá tăng trên 100% so với cùng kỳ năm trước.
Ở thời điểm này, các doanh nghiệp xây dựng mua cát để san lấp mặt bằng giá từ 200.000 - 220.000 đồng/khối, cát xây giá trên 300.000 đồng/khối. Giá thép cây, giá 19.500 đồng/kg, thép công nghiệp (thép tấm) giá 26.500 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/ kg so với thời điểm đầu năm nay. Điều đáng nói là đơn giá các loại vật liệu xây dựng của tỉnh công bố hàng tháng đều ở mức thấp hơn giá thị trường.
Công trình đường dẫn lên cầu Mỹ Thuận 2 thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang thi công chậm có nguyên nhân do vật liệu xây dựng tăng giá.
Bên cạnh đó, giá nhân công cũng tăng cao như: thợ lành nghề giá từ 350 - 400.000 đồng/ngày, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức giá UBND tỉnh Tiền Giang ban hành trên 100.000 đồng/người. Giá vật liệu, giá nhân công tăng làm cho các doanh nghiệp thi công các công trình khó khăn, thậm chí thua lỗ nặng.
Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công Ty TNHH Xây Dựng - Thương Mại Vinh Quang, cho biết có 4 công trình xây dựng của doanh nghiệp bị thua lỗ gần 7 tỷ đồng do “bão giá”.
“Thép tăng, cát tăng giá nên các đơn vị xây dựng bị lỗ nhiều, ví dụ công trình 10 tỷ thì lỗ tầm khoảng từ 1-1,5 tỷ đồng. Hiệp hội doanh nghiệp làm văn bản gửi UBND tỉnh rồi, cũng chỉ đợi UBND tỉnh làm văn bản đề xuất ra trung ương. Với công trình bắt đầu làm thì giá mới theo thị trường mới đấu thầu được, còn các gói mình đấu thầu 3-5 tháng đang triển khai sẽ lỗ hết” - ông Quang nói.
Công ty TNHH Hữu Biên, tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang- doanh nghiệp chuyên sản xuất bê tông tươi, trụ bê tông và thi công các công trình thủy lợi, mỗi tháng phải sử dụng hơn 5.000 m3 khối cát, đá và gần 100 tấn thép. Từ khi giá vật liệu tăng cao, doanh nghiệp này thua lỗ nặng do phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.
Ở thời điểm này các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng bán hàng ra cũng chậm.
Cụ thể đối với bê tông tươi giá vật liệu tăng 50.000 đồng/khối nhưng công ty Hữu Biên chỉ tăng cho khách hàng 25.000 đồng, bị lỗ 50%. Ngoài việc giá vật liệu tăng cao, bà Nguyễn Phạm Ngọc Quỳnh, Giám đốc công ty TNHH xây dựng Hiệp Hòa tại phường 5, TP. Mỹ Tho cho biết, lo ngại nữa là công nhân lao động khan hiếm và giá liên tục tăng. Trong khi đó doanh nghiệp phải giữ chữ tín với chủ đầu đầu tư, thi công phải đạt chất lượng cao và đảm bảo đúng tiến độ.
Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng hiện đang gặp khó khăn, loay hoay tìm giải pháp bù vốn để giữ chân lao động; có không ít doanh nghiệp thua lỗ đến vài chục tỷ đồng.
Giá vật liệu xây dựng tăng là do yếu tố khách quan. Đối với giá cát san lấp mặt bằng, cát xây dựng tăng là do mỏ cát ở các địa phương trong vùng ĐBSCL gần đây đã cạn nguồn, nhiều mỏ cát hết phép hoạt động dẫn đến “cầu vượt cung”, khan hàng sốt giá.
Riêng thép và các loại nhiên, vật liệu khác tăng giá là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu việc xuất nhập khẩu của các nước gặp khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao…
Hiện nay, vật liệu thép và cát xây dựng còn có nguy cơ khan hiếm và tiếp tục tăng “sốt” giá. Trong khi đó, đơn giá vật liệu xây dựng đưa ra từ các dự án đầu tư xây dựng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công… trong tỉnh vẫn chưa “chạy” theo kịp mức giá trên thị trường quá xa. Điều này đã và đang gây rất khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng khi nguyên liệu đầu vào và mức giá trúng thầu chênh lệch quá cao. Gần đây, có nhiều gói thầu khi doanh nghiệp trúng thầu phải thi công "rùa bò"; một số gói thầu triển khai đấu giá nhưng các doanh nghiệp ngần ngại sợ thua lỗ khi trúng thầu.
Nguồn cát san lấp mặt bằng và cát xây dựng đang sốt giá và khan hiếm.
Tại thành phố Mỹ Tho hiện có hàng chục công trình xây dựng cơ bản đang thi công dở dang. Trước cơn “bão giá” một số đơn vị thi công triển khai cầm chừng, tiến độ chậm.
Ông Lê Phi Vũ, Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất thành phố Mỹ Tho cho biết, đơn vị được UBND thành phố Mỹ Tho giao làm chủ đầu tư và đại diện 115 công trình, với số vốn được phân bổ 420 tỷ đồng. Hiện nay, Ban đã triển khai thi công, thi công hoàn thành và tổ chức đấu thầu thi công với tổng số 51 công trình. Các công trình còn lại chưa thể triển khai cũng một phần do giá vật liệu tăng quá cao.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đang đôn đốc các nhà thầu cố gắng thực hiện theo đúng hợp đồng, nhưng nhà thầu thì than quá vì vật tư lên giá quá cao. Tiến độ cũng ảnh hưởng khi nhà thầu mua vật tư cầm chừng. Các nhà thầu hiện nay cũng đang làm văn bản xin Hiệp hội doanh nghiệp gửi UBND tỉnh đề nghị chỉnh giá vật liệu” - ông Vũ nói.
Không chỉ doanh nghiệp xây dựng mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng cũng buôn bán ế ẩm do giá vật liệu tăng cao, khách hàng thưa vắng.
Ông Phạm Nguyên Khang, Giám đốc công ty TNHH Thép Minh Trang tại xã Đạo Thạnh, Thành phố Mỹ Tho bày tỏ: “Giá thép tăng cao, các doanh nghiệp, cửa hàng vật liệu xây dựng bán không được nhiều. So với các năm trước giá thép tăng gấp đôi và cũng không có đều các mặt hàng nữa, gây khó khăn cho việc gia công, sản xuất kinh doanh”.
Cơn bão giá vật liệu xây dựng đang gây sức ép đối với nhà thầu nhất là khi thi công các dự án từ ngân sách nhà nước. Việc tăng giá vật liệu, nhân công đã làm phát sinh chi phí tại các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước gây thua lỗ đối với các doanh nghiệp trúng thầu; đồng thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thi công các công trình.
Thời điểm này, tại tỉnh Tiền Giang có nhiều dự án đầu tư công rất khó triển khai vì nhà thầu lo ngại giá vật liệu còn tăng cao. Cụ thể năm nay, tỉnh Tiền Giang phân bổ vốn đầu tư công cho 267 công trình cấp tỉnh quản lý với tổng nguồn vốn hơn 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, vốn đầu tư công chỉ giải ngân chưa đạt 30% kế hoạch.
Trước khó khăn này, hàng chục doanh nghiệp xây dựng ở tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt ký đơn “cầu cứu” gửi đến UBND tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp và các sở, ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang sớm có hướng tháo gỡ “cơn bão” giá. Theo cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đề nghị nhà nước cần điều chỉnh đơn giá vật liệu liệu xây dựng (nhất là thép và cát) cho phù hợp với mức giá của thị trường hiện nay. Thời điểm áp dụng đơn giá mới từ tháng 11/2020 cho đến nay. Các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang đang khảo sát giá vật liệu xây dựng trên thị trường, tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp để trình UBND tỉnh xem xét, kiến nghị trung ương cho giải pháp cụ thể về lĩnh vực này.
Tác giả: Nhật Trường
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy