Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp vẫn 'ngại' lên sàn!
03/11/2019 20:39:02
Sự dè dặt lên sàn của các doanh nghiệp từ đầu năm 2019 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân mang tính khách quan nhưng phần lớn là những nguyên nhân mang tính chủ quan.

Doanh nghiệp vẫn 'ngại' lên sàn!

Số lượng giảm mạnh

Sau giai đoạn 2015-2018 khá sôi động trong hoạt động niêm yết mới trên sàn chứng khoán, bước sang năm 2019, số lượng các công ty niêm yết mới trên cả ba sàn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khá khiêm tốn.

Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, theo thống kê, chỉ có bảy doanh nghiệp lên sàn HSX, chín doanh nghiệp lên sàn HNX và 44 doanh nghiệp lên sàn UpCom. So sánh với năm 2018 thì con số này lần lượt là 23, 11 và 119 doanh nghiệp, còn nếu so với năm 2017 (lần lượt là 33, 22 và 268 doanh nghiệp) thì con số này còn sụt giảm mạnh hơn nữa.

Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp niêm yết mới trên sàn HSX kể từ đầu năm đến nay, đa phần là các doanh nghiệp chuyển niêm yết từ sàn UpCom sang. Cổ phiếu lên sàn gần đây nhất là Công ty cổ phần (CTCP) Điện Gia Lai (GEG) niêm yết vào ngày 19-9-2019.

Với mức vốn điều lệ 2.038 tỉ đồng, GEG góp phần tăng số lượng cổ phiếu niêm yết tại HSX thêm 203,8 triệu đơn vị. Trước khi chuyển sang HSX, giao dịch của GEG trên UpCom khá tích cực với khối lượng giao dịch trung bình tám tháng đầu năm 2019 đạt hơn 600.000 cổ phiếu/phiên, tăng mạnh so với mức chỉ gần 10.000 cổ phiếu/phiên năm 2017.

Trước đó, sàn HSX cũng đón hai doanh nghiệp chuyển niêm yết từ HNX và UpCom sang là CTCP tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) và CTCP tập đoàn KOSY (KOS). Trong năm 2019, Dabaco dự kiến triển khai tăng vốn theo ba phương án bao gồm: phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi và phát hành trái phiếu.

Còn đối với các trường hợp niêm yết hoàn toàn mới, trong quí 3-2019, chỉ có ba doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết mới trên HSX, chủ yếu là các đơn vị có quy mô vừa như CTCP Nhựa Hà Nội với mức vốn điều lệ 344 tỉ đồng, đăng ký niêm yết 34,4 triệu cổ phiếu; CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng với mức vốn điều lệ 180 tỉ đồng và CTCP tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang với mức vốn điều lệ 500 tỉ đồng.

Trong quí 4-2019, dự kiến sẽ không có nhiều cái tên mới đăng ký niêm yết trên sàn HSX, đáng chú ý nhất chỉ là trường hợp Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex (BCM) có kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu từ sàn UpCom lên sàn HSX. Trong nửa đầu năm 2019, Becamex đã hoàn tất phát hành 15.000 trái phiếu không chuyển đổi với giá trị 1.500 tỉ đồng, kỳ hạn năm năm và lãi suất danh nghĩa cho năm đầu tiên là 10,5%. Tổng lượng cổ phiếu BCM giao dịch trên UpCom lên tới 1 tỉ cổ phiếu và đang nằm trong tốp tám doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn UpCom.

Một nguồn hàng được chờ đợi sẽ giúp tăng số lượng các công ty niêm yết là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa hiện nay khá ì ạch, một phần do tiến độ hoàn thành thủ tục của các doanh nghiệp, một phần do TTCK suy giảm, nên hoạt động chào bán cổ phần theo giá kỳ vọng khó khăn hơn. Trong nửa đầu năm 2019, chỉ có sáu doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Nguyên nhân vì đâu?

Nguyên nhân khách quan dễ thấy nhất là diễn biến không mấy thuận lợi của TTCK kể từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết trong năm 2019, nhưng vẫn chờ đợi thời điểm thị trường sôi động hơn. Sau “cơn mưa vàng” về huy động vốn trong các năm trước, giờ đây những thất bại của các đợt huy động vốn qua TTCK đang làm nản lòng không chỉ các doanh nghiệp niêm yết mà còn tác động tới các doanh nghiệp ngoài sàn. Nhiều doanh nghiệp đã nói lời từ chối với niêm yết dù hội đủ các điều kiện và các cổ đông đều đồng lòng.

Về phía các nguyên nhân chủ quan thì có muôn hình vạn trạng. Điển hình như các doanh nghiệp cổ phần hóa không đạt đủ yêu cầu về vốn, về số cổ đông. Nhận thức về vai trò của TTCK đối với tương lai của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp.

Trên thực tế, việc huy động vốn qua TTCK thực sự là chiến lược đầu tư dài hạn, hiệu quả so với việc vay vốn từ ngân hàng. Để huy động vốn, doanh nghiệp chỉ cần phát hành thêm cổ phiếu, tránh được áp lực trả nợ và lãi suất khi đi vay nợ. Cổ tức chỉ trả cho cổ đông khi doanh nghiệp có lãi và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác. Việc phát hành cổ phiếu qua sàn chứng khoán cũng dễ dàng hơn nhiều do cổ phiếu có khả năng thanh khoản.

Ngoài lý do nhận thức còn có tâm lý “sợ” phải công khai thông tin khi tham gia TTCK. Việc kiểm toán và công bố thông tin định kỳ về tình hình kinh doanh là nỗi lo của không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chưa quen với cách làm chuẩn hóa. Mặt khác, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần chưa cao, tỷ lệ trả cổ tức thấp. Nếu xúc tiến lên sàn thì sẽ rơi vào trạng thái “vạch áo cho người xem lưng”.

Một nguyên nhân nữa làm không ít doanh nghiệp ngại lên sàn là khả năng bị thâu tóm. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định về giao dịch thâu tóm hiện tương đối chặt chẽ, nhằm đảm bảo khả năng tự vệ cho các doanh nghiệp và đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong giao dịch, điển hình như những quy định cụ thể về công bố công khai ý định thâu tóm trước khi thực hiện.

Về cơ bản, với diễn biến TTCK đang tương đối ảm đảm như hiện nay, triển vọng các doanh nghiệp tích cực niêm yết mới trong thời gian tới xem ra không thật sự sáng sủa! 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến