Dòng sự kiện:
Ngân hàng lại mua trái phiếu của ngân hàng
02/11/2019 18:03:53
Các ngân hàng đang là người chơi tích cực nhất trên thị trường trái phiếu, không chỉ ở trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp mà còn ở chính trái phiếu do các tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành.

Điều này đưa đến khả năng một số ngân hàng đang đầu tư chéo lẫn nhau.

Vietcombank đang nắm giữ số dư chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành đến cuối tháng 9-2019 là hơn 55.500 tỉ đồng. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Ngân hàng mua trái phiếu lẫn nhau?

Theo báo cáo tài chính quí 3-2019 mới công bố, số dư chứng khoán nợ do các TCTD khác trong nước phát hành mà Vietcombank đang nắm giữ đến cuối tháng 9 là hơn 55.500 tỉ đồng, tăng hơn 19.700 tỉ đồng, tương đương 55% so với cuối năm 2018, trong đó giá trị chứng khoán nợ nắm giữ đến ngày đáo hạn là hơn 36.400 tỉ đồng, tăng 13.800 tỉ đồng, tương ứng 61%.

Một ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước khác là BIDV cũng đầu tư vào trái phiếu của các ngân hàng khác. Tuy báo cáo tài chính quí 3-2019 không trình bày chi tiết khoản mục chứng khoán nợ do các TCTD khác phát hành, nhưng nếu “soi” báo cáo bán niên 2019 sẽ thấy khoản mục này vào cuối tháng 6 của BIDV cũng lên tới gần 21.5000 tỉ đồng, tăng gần 12.400 tỉ đồng, tương đương 136% so với năm 2018.

Trong nhóm NHTM cổ phần, VIB ghi nhận số dư đầu tư vào trái phiếu các ngân hàng đến cuối tháng 9 là 12.870 tỉ đồng, tăng 4.450 tỉ đồng, tương đương 53% so với cuối năm 2018.

Ngoài ra, MBBank và Techcombank cũng là những ngân hàng tích cực mua chứng khoán nợ của các TCTD khác, với số dư tại thời điểm cuối tháng 9-2019 tương ứng hơn 22.000 tỉ đồng và 21.200 tỉ đồng, tăng lần lượt 588 tỉ đồng và 1.650 tỉ đồng so với cuối năm 2018.

Thống kê cho thấy, trong hơn 155.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành chín tháng đầu năm nay, các NHTM vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 75.936 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 49%. Với lượng trái phiếu phát hành có giá trị lớn như vậy, rõ ràng chỉ có nguồn vốn dồi dào của các ngân hàng mới có thể hấp thu hết được.

Theo một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán SSI, đối tượng mua trái phiếu của các ngân hàng nhiều nhất lại là các công ty chứng khoán, tuy nhiên lượng mua này quá lớn so với quy mô vốn của các công ty chứng khoán, nên khả năng cao các công ty này chỉ là trung gian, tham gia mua trên thị trường sơ cấp để bán lại trên thị trường thứ cấp, và ngân hàng mới là người mua cuối cùng.

Đáng lưu ý là lượng trái phiếu nắm giữ tăng thêm của các ngân hàng cũng khá tương đồng với giá trị trái phiếu mà chính các ngân hàng phát hành thêm trong chín tháng đầu năm nay, càng củng cố giả thiết các NHTM đang mua trái phiếu lẫn nhau.

Như tại MBBank, giá trị giấy tờ có giá tăng thêm 12.900 tỉ đồng, tương đương 116%; VIB tăng hơn 5.000 tỉ đồng, tương đương 50%, BIDV tăng 9.500 tỉ đồng, tương đương 24%; ACB tăng gần 10.300 tỉ đồng, tương đương 123% và OCB tăng 4.400 tỉ đồng, tương đương 54%.

Mua để làm gì?

Về cơ bản, các ngân hàng khi phát hành trái phiếu không chỉ giúp tăng được nguồn vốn trung, dài hạn, mà nếu trái phiếu có kỳ hạn từ năm năm trở lên sẽ được tính vào vốn tự có cấp 2, giúp nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR).

Điều này là rất quan trọng đối với những ngân hàng không tăng được vốn điều lệ, như VietinBank đã ồ ạt phát hành trái phiếu kỳ hạn dài từ đầu năm đến nay, trong khi BIDV cũng mua lại các trái phiếu đã phát hành những năm trước đó để có hạn mức phát hành trái phiếu mới nhằm kéo dài kỳ hạn còn lại để đủ điều kiện tính vào vốn tự có cấp 2.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 12-2-2018, các khoản loại trừ khỏi vốn cấp 2 gồm trái phiếu chuyển đổi do TCTD khác phát hành, nợ thứ cấp do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành mà TCTD mua, đầu tư theo quy định pháp luật.

Điều này có nghĩa là khi ngân hàng A mua trái phiếu của một ngân hàng B mà trái phiếu đó đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng B, thì ngân hàng A khi tính vốn tự có của mình phải loại trừ giá trị trái phiếu đã mua đó. Theo lộ trình thì từ đầu năm 2019 sẽ phải trừ đi 50% giá trị khoản trái phiếu đã mua, từ đầu năm 2020 trừ đi 75% giá trị và từ đầu năm 2021 trừ đi toàn bộ giá trị.

Như vậy, một ngân hàng nếu muốn mua trái phiếu của một ngân hàng khác cần phải suy xét kỹ càng nếu như không muốn làm ảnh hưởng đến vốn tự có và làm điều chỉnh hệ số CAR của mình, nhất là khi từ đầu năm sau hệ số CAR sẽ được tính toán chặt chẽ và khắt khe hơn theo quy định của Thông tư 41/TT-NHNN.

Nếu muốn đầu tư trái phiếu lẫn nhau để giúp nâng vốn tự có thì cũng vô hiệu. Thông tư 19 nói trên của NHNN cũng chính là nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo và hỗ trợ lẫn nhau để tăng vốn ảo của các ngân hàng.

Vì vậy, việc mua trái phiếu lẫn nhau thời gian qua chủ yếu nhằm mục tiêu giúp cải thiện nguồn vốn trung, dài hạn về mặt sổ sách, cũng như để đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của nhà điều hành trong giai đoạn tới.

Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN thì tỷ lệ này từ mức 40% hiện nay sẽ tiếp tục giảm chỉ còn 30% chậm nhất từ tháng 7-2021 hoặc phương án 2 là từ tháng 7-2022.

Ngoài ra, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị thắt chặt, những ngân hàng thừa vốn sẽ muốn tìm kênh đầu tư khác để tối ưu hóa việc sử dụng vốn. Trái phiếu do các ngân hàng phát hành có lẽ là một lựa chọn hợp lý vì có lãi suất cao hơn trái phiếu chính phủ, rủi ro thấp hơn trái phiếu doanh nghiệp và điều quan trọng là không bị tính vào dư nợ tín dụng như trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt khi NHNN gần đây cũng đã thổi còi cảnh báo hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ồ ạt của các ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể lựa chọn phương án sau khi đầu tư vào trái phiếu của các TCTD khác thì sẽ tìm cách phân phối lại cho các nhà đầu tư cá nhân, những khách hàng gửi tiền tại ngân hàng mình, theo cách thức tương tự như mua sỉ trái phiếu doanh nghiệp và bán lẻ lại cho khách hàng cá nhân để ăn chênh lệch lãi suất.

Quan điểm này là có cơ sở, nếu nhìn vào lượng chứng khoán nợ do các TCTD khác trong nước phát hành mà Vietcombank nắm giữ vào cuối quí 3 đã giảm hơn 2.260 tỉ đồng so với thời điểm cuối quí 2, tương tự tại MBBank giảm 5.600 tỉ và Techcombank giảm 1.520 tỉ đồng, cho thấy khả năng các ngân hàng này đã chuyển nhượng bớt cho những nhà đầu tư khác trong ba tháng của quí 3.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến