Ở năm đầu CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP tăng 8,1%, đạt 34,3 tỷ USD. Con số này vẫn tiếp tục duy trì trong năm 2020 dù Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động không ít tới các thị trường xuất khẩu thuộc CPTPP. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường trong khối ghi nhận tăng trưởng 26-36% tuỳ mặt hàng.
Trong bối cảnh thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vào thị trường các nước thuộc khối CPTPP cho thấy hiệp định này ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày (Lefaso), ngành xuất khẩu tới 90%, CPTPP đã mở ra cơ hội thị trường mới, thu hút đầu tư, cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày Việt. Số liệu của Lefaso cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu da giày sang các nước khối CPTPP tăng 13% so với trước đây. Canada và Mexico là hai thị trường mới ngành này tiếp cận được sau khi CPTPP có hiệu lực. "Thay vì phải xuất khẩu gián tiếp qua nước thứ ba, giờ các sản phẩm da giày Việt đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Canada, Mexico nhờ những ưu đãi thuế quan từ CPTPP đem lại", bà Xuân thông tin.
Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở KCN Tân Đô, Long An. Ảnh: Quỳnh Trần
Tương tự, thuỷ sản cũng là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng đáng kể sau hai năm CPTPP có hiệu lực. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), riêng tháng 1/2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 606 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thuỷ sản xuất sang các nước trong khối hiệp định CPTPP tăng 34%.
Song so sánh mặt bằng chung, bà Nguyễn Cẩm Trang - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ.
Ngay việc tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP, không phải doanh nghiệp Việt nào cũng nắm bắt được. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tính chung các thị trường trong khối CPTPP chỉ là 1,67%.
Lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này là không biết về những ưu đãi thuế quan theo CPTPP, bên cạnh một số nguyên nhân khác như đã hưởng ưu đãi thuế theo FTA có lợi hơn, hay các vấn đề về giấy tờ vận chuyển, thủ tục thông quan...
"Doanh nghiệp nghe nói nhiều, nhưng phần lớn lại chỉ biết sơ qua về CPTPP. Cứ 4 doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI về CPTPP, có một đơn vị cho biết họ hiểu, nắm được lợi ích mà hiệp định này đem lại", bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nêu.
Điều đáng tiếc hơn cả, theo bà Trang, nhóm doanh nghiệp biết rõ, kỹ về hiệp định thương mại này lại là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chứ không phải doanh nghiệp trong nước.
Về điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch VCCI cũng tỏ ý tiếc khi doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng những lợi thế sau đường biên giới mà CPTPP đem lại để tăng được năng lực, nội lực sản xuất. Sự thay đổi của hệ thống thể chế kinh tế đáp ứng yêu cầu CPTPP còn chậm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế...
Thực tế này cũng được chính các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ. "Phần lớn khách hàng của chúng tôi đều cho biết họ chưa hiểu kỹ về CPTPP, vì thế đơn hàng mà họ có được từ thị trường khối này gần như chưa có", ông Phan Thông - Giám đốc Công ty TranAZ chia sẻ.
Khuyến nghị với doanh nghiệp xuất khẩu, ông Thông cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng năng lực tốt và quan tâm thấu đáo hơn tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra trong hiệp định. Phía cơ quan quản lý ngoài tiếp tục tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, cũng cần sự chuẩn bị tốt về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Xuân cũng nhận xét, muốn doanh nghiệp Việt thoát khỏi ao làng, vươn ra thế giới thì ngoài cần thông tin đầy đủ, cũng cần thể chế thống nhất, chính sách hỗ trợ về vốn, thị trường, nhân lực... để họ tận dụng tốt và nâng cao nội lực.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD. Hiệp định này được ký ngày 8/3/2018 tại Chile, chính thức có hiệu lực từ 30/12/2018 với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ 14/1/2019. |
Tác giả: Anh Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy