Ngành dệt may dự báo vẫn là một trong những ngành gặp khó khăn trong năm 2024
Nốt trầm của hoạt động thương mại
Xuất khẩu của Việt Nam đi qua gần hết năm 2023 với những gam trầm. Sức mua của thị trường toàn cầu yếu, tác động trực tiếp tới đơn đặt hàng đối với các nhà cung ứng hàng hóa Việt Nam.
Tính đến hết 11 tháng, xuất khẩu hàng hóa đang giảm 20 tỷ USD so với cùng kỳ. Theo đó, kỳ vọng sự kéo giảm trong tháng 12 là có, nhưng không thể đảo ngược từ tăng trưởng âm sang dương.
Các mặt hàng điện thoại, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… những năm qua mang về kim ngạch xuất khẩu lớn, thuộc “câu lạc bộ” trên 10 tỷ USD đều không đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra từ đầu năm.
“Năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Với đặc thù nền kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá gây ảnh hưởng lớn đến nước ta”, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho hay.
Những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đều gặp nhiều thách thức. Xuất khẩu đối mặt với khó khăn chung của các thị trường đối tác lớn.
Báo cáo cập nhật thương mại toàn cầu mới nhất tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2022 (tương đương gần 2.000 tỷ USD).
“Thương mại toàn cầu sụt giảm một phần là do xuất khẩu kém hiệu quả của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, một phần khác chịu ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm ở các nước phát triển cũng như do giá cả hàng hóa giảm”, UNCTAD nhận định.
Không chỉ Việt Nam đối mặt với sụt giảm xuất khẩu, mà các nền kinh tế lớn cũng không ngoại lệ. Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho hay, xuất khẩu của nước này giảm 7,8% trong năm 2023, do tình hình tiêu cực của ngành công nghiệp chip và sự sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
Năm 2022, lần đầu tiên, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 730 tỷ USD, nhưng 11 tháng của năm 2023 mới đạt gần 620 tỷ USD. Dù đơn hàng tháng cuối năm phục hồi rõ nét hơn, nhưng rất khó để kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 12 đạt 80 tỷ USD. Do đó, khả năng cao xuất nhập khẩu khó chinh phục mốc 700 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lỗi hẹn mục tiêu tăng trưởng 6%.
Năm 2024 vẫn bấp bênh
Các doanh nghiệp, ngành hàng đang “cân não” lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024. Dự báo chung của không ít doanh nghiệp lúc này là tình hình kinh doanh vẫn trong cảnh cầu yếu.
Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Vinatex cho hay: “Cầu hàng hóa dệt may năm 2024 cải thiện trên nền cầu yếu, đi kèm theo đó là xu thế giảm số lượng hàng hóa để chuẩn bị dần cho việc có khả năng áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; đơn giá có thể tăng hơn, nhưng trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng cao hơn.
Trong năm 2023, xuất khẩu dệt may về đích hơn 40 tỷ USD, thấp hơn năm ngoái gần 10%. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng cầu hàng dệt may năm 2024 có khả năng cải thiện hơn so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 5-7% so với năm 2022.
Khó khăn với ngành dệt may Việt Nam và nhiều ngành xuất khẩu lớn như điện tử, sản phẩm gỗ… có thể kéo dài khi những yếu tố bất lợi vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính chưa phục hồi.
Do đó, UNCTAD dự báo, triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 là “bấp bênh” và “bi quan”. Căng thẳng địa chính trị dai dẳng, mức nợ cao và sự bất ổn kinh tế lan rộng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu.
Tương tự, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 chậm lại, chỉ ở mức 2,7%, thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 (dự báo đạt 2,9%) và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, không tính đến năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19.
Thực tế, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước đều tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa. Hiện ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại để xuất khẩu.
Dù hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm, nhưng đà phục hồi còn tương đối chậm, tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét, là chỉ dấu cho xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gập ghềnh trong năm tới.
Tác giả: Thế Hải
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy