Dòng sự kiện:
Doanh thu sụt giảm 87%, SJF vẫn báo lãi trong quý II/2022
11/08/2022 07:38:17
Kết thúc quý II/2022, nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh, Đầu tư Sao Thái Dương vẫn ghi nhận lãi sau thuế tăng 67% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (MCK: SJF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với sự biến động lớn trong doanh thu và giá vốn bán hàng.

Kết thúc quý II, doanh thu của công ty đạt gần 32 tỷ đồng, giảm mạnh 87% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng của doanh nghiệp đạt 32 tỷ đồng, ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt từ 255 tỷ đồng ở quý II/2021. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức âm 551 triệu đồng.

Tuy vậy, nhờ vào các khoản lãi tiền gửi và tiền cho vay, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp ghi nhận đạt 5,2 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp trong quý là 67 tỷ đồng, giảm 97%, nâng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lên mức 2,7 tỷ đồng, giảm 29,5% so với quý II năm trước.

Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp báo lãi 2,4 tỷ đồng, tăng 67% so với quý II/2021.

Giải trình kết quả kinh doanh quý, doanh nghiệp cho biết chênh lệch lợi nhuận sau thuế trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 là do cơ cấu doanh thu và giá vốn của các mặt hàng và hoạt động kinh doanh có biến động.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Sao Thái Dương thu về 39 tỷ đồng doanh thu, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 2,8 tỷ đồng, mức tăng đáng kể so với nửa đầu năm ngoái.

Năm 2022, công ty đề ra kế hoạch mang lại 350 tỷ đồng doanh thu và 15 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Đầu tư Sao Thái Dương đã hoàn thành 11% kế hoạch doanh thu và 18,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp là 1.119 tỷ đồng, giảm 3,7% so với số đầu kỳ.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6, doanh nghiệp sở hữu 648 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, 470 tỷ đồng tài sản dài hạn, đồng loạt giảm nhẹ so với đầu năm. Dư nợ phải trả của công ty giảm 14,8% còn 269 tỷ đồng, giảm chủ yếu do các khoản nợ ngắn hạn từ 296 tỷ đồng đầu kỳ xuống còn 220 tỷ đồng tại cuối kỳ.

Tính đến ngày 30/6, nguồn vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp là 850 tỷ, tăng nhẹ so với số đầu kỳ.

Tại phiên họp HĐCĐ thường niên mới đây, đề cập đến vấn đề ký kết hợp tác với công ty nước ngoài, công ty cho biết đang triển khai các phương án nhằm đáp ứng với công xuất, nhu cầu của thị trường và khách hàng. Theo đó công ty đang huy động nguồn lực dòng tiền thông qua làm việc với các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế.

Dự kiến trong thời gian tới, tổ chức tài chính quốc tế chuyên về phát triển xanh của thế giới sẽ thăm quan nhà máy, thăm vùng nguyên liệu của công ty và cấp mức vay 25-30 triệu USD trong 3 tháng tới.

Đưa ra giải pháp về sự biến động cổ phiếu SJF trong năm 2021, công ty cho hay, đây là năm cổ phiếu SJF cùng rất nhiều cổ phiếu khác chịu tác động do thị trường tăng trưởng tốt và dòng tiền đầu tư vào thị trường lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra các tin đồn và xu hướng thị trường khiến giá cổ phiếu biến động là điều công ty không kiểm soát được.

Chính vì vậy, công ty đang làm việc với các tổ chức trong nước và nước ngoài để hiểu rõ hơn về tiềm năng của SJF để có thể đầu tư vào.

Trong thời gian tới, công ty dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh khi các nhà máy tre ép công nghiệp đi vào ổn định với những đơn hàng đã ký với các khách hàng chiến lược dài hạn. Bên cạnh đó, tỷ trọng của ngành phân bón của công ty sẽ giảm dần hàng năm do công ty chỉ làm thương mại và không thu về lợi nhuận cao.

Tác giả: Nguyễn Phương Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến