Dòng sự kiện:
Độc đáo ngôi chợ chỉ mua bán cỏ dại, đồng giá ở miền Tây
05/12/2017 06:48:20
Ở xã Ô Lâm (An Giang) có một ngôi chợ rất đặc biệt, chỉ bán duy nhất mặt hàng là cỏ dại. Không ồn ào, náo nhiệt như những phiên chợ khác, nhưng chợ cỏ xã Ô Lâm mang một nét đẹp bình dị mà không nơi nào có.

Chợ mua bán một… giá

Chợ cỏ Ô Lâm nằm trên một mảnh đất trống dọc bờ kênh Ninh Phước, xã biên giới Ô Lâm, huyện Tri Tôn. Đúng như tên gọi, chợ chỉ bán duy nhất mặt hàng là cỏ dại. Chợ họp quanh năm, nhưng đông đúc nhất là vào mùa nước nổi.

Điều đặc biệt của chợ này là, người mua không cần mặc cả, vì chỉ bán một giá là 10.000 đồng/3 bó cỏ (5kg). Những người mua bán đều là mối thân quen vì thế dù không có ban quản lý nhưng ở đây vẫn luôn diễn ra vui vẻ, nhịp nhàng.

Nói về nguyên nhân hình thành chợ này, nhiều người cho biết, trước đây ở vùng giáp biên giới Tây Nam người dân chỉ trồng 2 vụ lúa, xen vào đó vụ hoa màu, hoặc có khi bỏ đất trống chính vì thế mà những cánh đồng cỏ bát ngát mọc lên nhiều. Để tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, người dân nơi đây đã phát triển việc nuôi trâu bò.

Người dân đang mang cỏ lên chợ để bán

Thời gian gần đây những cánh đồng cỏ thu hẹp dần nên việc chăn thả gia súc ngày một khó khăn. Nhất là trong mùa nước nổi, khi cả cánh đồng mênh mông nước, lượng thức ăn cho trâu bò khan hiếm.

Từ đó, nhiều người dân tộc Khmer ở Ô Lâm nghĩ ra cách cắt cỏ đem về bán cho những hộ chăn nuôi gia súc quanh vùng. Thấy nghề này kiếm tiền được nên nhiều người rủ nhau cùng làm. Dần dần cắt cỏ trở thành nghề chính của nhiều bà con ở Khmer xã Ô Lâm.

Chợ bắt đầu lúc 11h tới khảng 15h hàng ngày. Mặt hàng ở đây chủ yếu là cỏ dại ở ven sông rạch, đồng hoang như: xả, mật, lùn,…

16h chợ chỉ còn lại một vài người

Điểm độc đáo của chợ cỏ này là không cần phải quầy sạp trưng bày. Người bán chỉ chất cỏ hai bên bờ, người mua chỉ việc tìm chọn những bó cỏ đẹp, ngon. Có nhiều loại cỏ được bày bán nhưng đều cùng một giá tiền, ai tới trước thì lựa được những bó cỏ tươi non hơn những người tới sau.

Cũng có khi chuyện mua bán không giao dịch bằng tiền mà được trao đổi bằng hàng hóa như đổi cỏ lấy bắp ngô, hoặc trái cây…

Những “bóng ma” trên đồng cỏ

Ông Lê Văn Ba (71 tuổi), sinh sống cạnh chợ cỏ cho biết: “Trước kia chợ cỏ này hoạt động sôi nổi lắm, có khi tới 22h, xe ra vào tấp nập.

Có những người mua mang cả xe tải tới chở cỏ. Mỗi ngày cả trăm người mua bán. Những năm gần đây thì chợ cỏ hoạt đồng kém hơn xưa vì giờ ở đây gieo cấy được 3 vụ lúa nên người nuôi trâu bò lấy thức ăn từ rơm.

Bà con mua bán ở chợ này đều là người Khmer vì họ có tập quán nuôi bò trong chuồng chứ không chăn thả như những nơi khác”.

Ngoài việc “săn” cỏ các khu rừng tràm trong xã và các địa phương lân cận những người dân nơi đây còn vào tận vùng Đầm Trích (thuộc tỉnh Kiên Giang) để cắt cỏ. Cứ sáng sớm những người dân nơi đây lại tủa đi khắp vùng lân cận cắt cỏ mang về bán ở chợ Ô Lâm bán.

Chị Lâm Thị Thiết đang sắp những bó cỏ lên xe cho khách

Chị Lâm Thị Thiết (36 tuổi), một người bán cỏ tại chợ Ô lâm cho biết: “Gia đình tôi đã cắt cỏ bán ở chợ này được 3 năm nay. Mỗi sáng, tôi dậy sớm nấu cơm cho hai vợ chồng mang đi ăn sáng, ăn trưa đỡ tốn tiền. Một ngày chồng cắt được từ 60 tới 70 bó với giá bán 10.000 đồng/3 bó, trừ hết chi phí một ngày cũng được khoảng 150.000 đồng. Cũng có tiền mua gạo lại có cỏ cho bò nhà ăn”.

Cũng theo chị Thiết, nghề này cũng không khó nhưng không phải ai cũng làm được, vì cũng có những sự nguy hiểm.

“Chúng tôi thường xuyên phải chạy xuồng máy vào những bờ sông kênh rạch hoang vắng để cắt vì ở đó ít người tới. Thấy chúng tôi thoắt ẩn thoắt hiện nên nhiều người gọi chúng tôi là những bóng ma trên đồng cỏ”, chị kể.

Theo Saostar.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến