Nơi lưu dấu chân của đoàn quân Tây Tiến
Những ngày đầu tháng Chạp rét mướt, chúng tôi có dịp đến thăm huyện miền núi Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 300km về phía tây, trong làn mưa xuân lất phất, các bản làng vùng biên giới dần hiện ra với những ngôi nhà nhỏ ảo mờ trong sương. Đi qua Cổng Trời, nơi đỉnh đèo cao vời vợi, mở ra một khung cảnh hùng vĩ của núi non trùng điệp và biển mây trắng trôi bồng bềnh như miền tiên cảnh. Con đường này, mảnh đất này vẫn còn lưu dấu chân hào hùng của đoàn quân Tây Tiến năm nào. Mỗi khi đặt chân đến đây, tôi không khỏi bồi hồi nhớ đến những vần thơ của nhà thơ Quang Dũng:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm nơi”.
Mường Lát là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Thái, H'Mông, Dao, người Kinh chiếm một tỉ lệ nhỏ bởi những người miền xuôi lên làm kinh tế mới. Có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, cũng đồng nghĩa với việc địa phương chứa đựng cả kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo và đa dạng, trong đó văn hóa người Mông vẫn còn nhiều nét khác biệt và bí ẩn.
Những ngày giáp Tết nguyên đán, đến hẹn lại lên, những gia đình người Mông lại tất bật làm giấy bản để thay xử ca đón năm mới. Hình ảnh những khung vải làm giấy bản được người dân phơi bên các hiên nhà đã trở thành thông lệ, như một dấu hiệu báo rằng Tết đang dần đến. Bao đời nay giấy bản trở thành vật linh thiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mông.
Chứa đựng linh hồn của người Mông
Theo phong tục, giấy bản do chính bàn tay những phụ nữ làm từ các loại cây rừng. Từ sáng sớm tinh mơ, bà Thao Thị Cho, bản Cá Nọi, xã Pù Nhi đã dậy để vào rừng tìm cây làm giấy. Bà Cho đã có 40 năm kinh nghiệm làm giấy bản nên giờ chỉ cần nhìn là biết cây nứa, cây vầu nào sẽ làm ra loại giấy đẹp.
Một phụ nữ H'Mông đang lọc bột giấy
Từ thời con gái, bà đã được các mẹ, các bà dạy cách làm giấy bản truyền thống. “Không biết làm giấy, cũng có nghĩa rằng không thể trở thành người phụ nữ H'Mông thực thụ”, bà nói.
Mang theo chiếc gùi lên vai và đem theo con dao quắm, bà Cho đi bộ thoăn thoắt vào rừng. Một lúc sau, bà đã tìm được những cây giang, cây vầu ưng ý. Bà chọn những cây đang thì bánh tẻ, có lóng đẹp, không bị sâu và chặt bỏ mắt, chỉ lấy phần lóng dài. Tiếp đó, bà Cho tìm các loại cây có nhiều nhớt để tạo chất kết dính.
Chứng kiến các công đoạn mới thấy, làm giấy bản cũng rất công phu và trải qua nhiều công đoạn.
Lấy được nguyên liệu về nhà, những người phụ nữ dùng dao tước bỏ phần vỏ màu xanh bên ngoài, chỉ lấy phần ruột trắng bên trong, chẻ thành từng thanh nhỏ như chiếc đũa rồi rửa sạch, sau đó cho vào nồi gang nấu cùng với loại vỏ cây tạo nhớt. Thường thì thời gian nấu khoảng 12 giờ, cho đến khi nguyên liệu trong nồi mềm nhừ.
Bột giấy được làm từ cây rừng
Cũng như nấu bánh chưng, việc nấu nguyên liệu làm giấy phải luôn canh chừng không được để cạn nước, cháy xém. Sau khi nấu, vớt nguyên liệu ra cho lên thớt gỗ đập nhuyễn. Việc đập nguyên liệu cũng rất quan trọng, vì nguyên liệu càng mềm, càng nhỏ, sẽ càng tạo ra độ mịn cho giấy thành phẩm.
Bước tiếp theo, ngâm các nguyên liệu vào trong nước, rồi lọc đi lọc lại, bỏ phần bã để cho ra phần nước cốt mịn nhất. Công đoạn lọc lấy hỗn hợp làm giấy cũng phải tỉ mỉ, nếu lọc sơ sài chất lượng giấy không mịn, nhưng nếu lọc kỹ quá thì độ kết dính sẽ giảm cũng làm ảnh hưởng đến giấy. Khi đem phơi phải chọn phơi đúng ngày nắng to thì giấy mới trắng, mịn và đẹp.
Phần nước cốt này sẽ được tưới lên khuôn làm bằng vải để phơi ngoài trời nắng. Chỉ cần nắng to 1-2 ngày là bà con đã có giấy để dùng trong ngày Tết.
Thường mỗi tấm giấy thành phẩm có kích thước 1,2 m x 1,5 m, mỗi gia đình dịp tết làm 3 - 5 tấm giấy. Người H'Mông sử dụng giấy bản vào những việc quan trọng nhất là thay xử ca (bàn thờ) vào ngày 30 Tết. Xử ca đơn giản gồm một tấm giấy dài khoảng 30 cm, rộng khoảng 20 cm, được treo trên tường nhà đối diện hướng từ cửa chính đi vào. Trên xử ca còn đính 3 nhúm lông gà. Ngoài ra, giấy bản còn được dùng trong các nghi lễ, cúng tế, đám ma… như một vật linh thiêng kết nối giữa thế giới người sống với các linh hồn người đã chết.
Cũng là người con của đồng bào, ông Hơ Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, hiểu và trân trọng phong tục của dân tộc.
Ông Sáu cho biết: “Phong tục tự làm giấy của đồng bào dân tộc H'Mông ở đây đã có từ lâu đời. Cứ thế hệ này truyền cho thế hệ sau nên hầu hết phụ nữ đều biết làm giấy bản. Giấy bản là vật linh thiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa cũng như các hoạt động tâm linh của đồng bào. Đây cũng là một nét văn hóa độc đáo cần bảo tồn và phát triển”.
Đây là tấm giấy bản đã hoàn thành
Hiện nay, đời sống vật chất người dân ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng người Mông rất đề cao truyền thống văn hóa của dân tộc, bà con quan niệm, ngày Tết, có thể thiếu thịt cá, hay quần áo mới, nhưng không thể thiếu giấy bản thờ cúng tổ tiên.
Để giữ gìn truyền thống ý nghĩa này, chính quyền địa phương cũng tuyên truyền và khuyến khích người dân lưu giữ và phát triển phong tục của dân tộc.
Ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó bí thư Huyện ủy Mường Lát cho hay:
“Giấy bản tượng trưng cho đồng tiền của thế giới người âm. Người H'Mông quan niệm, cúng nhiều giấy bản, những người đã chết sẽ nhận được nhiều tiền, sống đủ đầy ở thế giới bên kia, từ đó sẽ luôn phù hộ, bảo vệ người sống. Vì vậy, dù trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại giấy đẹp nhưng không thể thay thế. Giấy bản được xem như linh hồn của người H'Mông”.
Dân tộc H'Mông ở Thanh Hoá có gần 3000 hộ, sinh sống ở 46 bản làng, 6 xã, 3 huyện: Quan Hoá, Quan Sơn và Mường Lát. Dân tộc này di cư vào Thanh Hoá khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX từ các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Người H'Mông xứ Thanh chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, ngô, khoai… trên nương rẫy, nghề lúa nước ít có điều kiện khai hoang và phát triển do điều kiện đồi núi cao. Đời sống của người H'Mông hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn do họ sống ở những địa bàn rừng núi hiểm trở. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ với người dân tộc thiểu số, những năm gần đây, cuộc sống vật chất và tinh thần đồng bào H'Mông từng bước được cải thiện, nhận thức được nâng cao, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, theo kịp các dân tộc anh em khác, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới Việt - Lào, phía Tây tỉnh Thanh Hoá. |
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy