Dòng sự kiện:
Độc đáo Tết con gà của người Mông xứ Thanh
11/02/2024 14:00:32
Theo quan niệm của người Mông thì con gà cũng như chiếc gùi, cây khèn,… là biểu tượng văn hóa giàu bản sắc. Bởi vậy, con gà có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh.
Dân tộc Mông ở Thanh Hóa có hơn 15.000 người, sinh sống tại các huyện vùng cao Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trong đó, đồng bào Mông sinh sống ở huyện Mường Lát chiếm số đông. Trong đời sống của người Mông, gà là con vật thiêng, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Chính vì vậy trong các nghi lễ cả vòng đời và phong tục, tập quán của đồng bào Mông, con gà luôn hiện hữu. Từ ngày 27 đến ngày 30 tháng Chạp, hầu hết các gia đình người Mông đều tổ chức ăn tết con gà – đây là tết cổ truyền của dân tộc Mông để cầu mong một năm mới bình an, mùa màng tươi tốt.
 
Theo quan niệm của người Mông thì con gà cũng như chiếc gùi, cây khèn,… là biểu tượng văn hóa giàu bản sắc. Bởi vậy, con gà có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh.

Con gà là vật thiêng trong Tết của người Mông

Nếu như đồng bào Mông ăn tết con lợn từ ngày 21 đến 27 tháng Chạp với ý nghĩa sum họp, các gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau làm thịt nướng treo gác bếp, lạp xường…; thịt lợn được làm quà biếu hai bên nội ngoại, họ hàng thì với tết con gà, gia chủ mời thầy cúng đến nhà thực hiện một số nghi thức tâm linh, cầu mong mùa màng tươi tốt, mọi thành viên trong gia đình khỏe mạnh, bình an. Bởi vậy, tết con gà thường được các gia đình người Mông tổ chức từ ngày 27 đến 30 tháng Chạp, là những ngày cuối cùng của năm cũ, chào đón năm mới.
 
Đối với người Mông, con gà được ví như chiếc cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật chỉ đường, dẫn lối cho người Mông tất cả mọi việc trong đời sống và các nghi lễ liên quan đến suốt cả vòng đời của mình. Từ lúc đứa trẻ mới sinh ra, lớn lên, dựng vợ, gả chồng cho đến lúc mất đi, các nghi thức cúng lễ đều lấy con gà làm vật cúng.
 
Đặc biệt, trong dịp lễ, tết thì nghi lễ thờ cúng càng không thể thiếu con gà. Bởi vậy, từ ngày 27 đến 30 tháng Chạp, dù bận rộn đến mấy thì các gia đình người Mông đều chọn 1 ngày để làm tết con gà và đón năm mới. Vào ngày này, người Mông mổ gà cúng thần linh, tổ tiên, lấy lông gà buộc thành nhúm rồi nhúng vào tiết gà, dán lên nơi trang trọng nhất ngôi nhà để cúng thần Xử Ca, cầu mong may mắn và bình an…Các gia đình thường chọn con gà trống đẹp nhất để cúng thần.
 
Với quan niệm, gà trống là vật thần, biết cất tiếng gáy gọi mặt trời nên nó có thể phân biệt được tà ma, xua đuổi được những điều đen đủi cho gia chủ nên sau khi ôm con gà trống đỏ khấn vái tổ tiên, gà được đem đi cắt tiết và nhổ 3 túm lông đẹp nhất ở cổ gà dán trên bàn thờ với hàm ý đã dâng tặng Xử Ca. Sau đó gia đình đem con gà vừa cúng đi thịt và luộc bằng nước mới để tiếp tục làm lễ cúng chín, khấn mời tổ tiên về ăn tết và cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới.

Mâm cúng thần Xử Ca của người Mông

Lúc gọi vía các thành viên trong gia đình, 1 đôi gà trống, mái được chọn làm tượng trưng cho âm dương, nam nữ hòa hợp. Cùng với đó, gia đình có bao nhiêu thành viên sẽ chọn bấy nhiêu quả trứng gà để làm lễ cúng.

Ngoài ra, trong ngày Tết con gà, người Mông còn làm bánh dày – món bánh truyền thống. Người Mông quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời – là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Bởi vậy, vào những ngày tết không thể thiếu món bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất.

Tục làm giấy bản đón Tết

Trong Tết nguyên đán của người Mông, cũng không thể nào thiếu đi giấy bản, một vật thiêng liêng để cúng thần Xử Ca. Những người phụ nữ Mông sẽ lên rừng hái cây vầu, nứa về để làm giấy với nhiều công đoạn rất công phu.

Từ những cây nứa, họ bỏ phần vỏ màu xanh bên ngoài, chỉ lấy phần ruột trắng bên trong, chẻ thành từng thanh nhỏ như chiếc đũa rồi rửa sạch, sau đó cho vào nồi gang nấu cùng với loại vỏ cây tạo nhớt. Thường thì thời gian nấu khoảng 12 giờ, cho đến khi nguyên liệu trong nồi mềm nhừ. Sau khi nấu, vớt nguyên liệu ra cho lên thớt gỗ đập nhuyễn. Việc đập nguyên liệu cũng rất quan trọng, vì nguyên liệu càng mềm, càng nhỏ, sẽ càng tạo ra độ mịn cho giấy thành phẩm. 

Làm giấy bản là việc không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông 

Bước tiếp theo, ngâm các nguyên liệu vào trong nước, rồi lọc đi lọc lại, bỏ phần bã để cho ra phần nước cốt mịn nhất. Khi đem phơi phải chọn phơi đúng ngày nắng to thì giấy mới trắng, mịn và đẹp.
 
Thường mỗi tấm giấy thành phẩm có kích thước 1,2 m x 1,5 m, mỗi gia đình dịp Tết làm 3 - 5 tấm giấy. Người H'Mông sử dụng giấy bản vào những việc quan trọng nhất là thay Xử Ca (bàn thờ) vào ngày 30 Tết. Ngoài ra, giấy bản còn được dùng trong các nghi lễ, cúng tế, đám ma… như một vật linh thiêng kết nối giữa thế giới người sống với các linh hồn người đã chết.

Những tấm giấy bản sau khi hoàn thành dùng để cúng trong những dịp quan trọng của người Mông

Ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó bí thư Huyện ủy Mường Lát cho hay: “Giấy bản tượng trưng cho đồng tiền của thế giới người âm. Người H'Mông quan niệm, cúng nhiều giấy bản, những người đã chết sẽ nhận được nhiều tiền, sống đủ đầy ở thế giới bên kia, từ đó sẽ luôn phù hộ, bảo vệ người sống. Vì vậy, dù trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại giấy đẹp nhưng không thể thay thế. Giấy bản được xem như linh hồn của người H'Mông”.
 
Sau những ngày tất bật chuẩn bị cho Tết và khi việc cúng thần linh đã xong xuôi, vào sáng mùng 1 đầu xuân mới, những người già sẽ đến thăm hỏi, chúc tết nhau; thanh niên trai gái sẽ kéo nhau ra bãi đất rộng hoặc nhà văn hóa tổ chức hoạt động như ném pao, kéo co, chơi cù, bóng chuyền… Đây cũng là dịp để những người yêu nhau có thời gian tìm hiểu và nên duyên. Ngày tết cổ truyền của đồng bào Mông thường kéo dài 10 ngày.
 
Lương Diễn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến