Dòng sự kiện:
Đón sóng chứng khoán 'mùa' kết quả kinh doanh
07/10/2023 13:02:45
Tháng 10 sẽ bắt đầu bước sang mùa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) của các doanh nghiệp. Vì vậy, các chuyên gia tài chính – chứng khoán kỳ vọng, thị trường chứng khoán trong tháng này sẽ đón những tín hiệu lạc quan

Chờ tín hiệu “đón sóng”

Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (DVSC), tháng 9 vừa qua, việc các nhà đầu tư (NĐT) tổ chức (trong nước và nước ngoài – tạm gọi là chuyên nghiệp) liên tục bán ròng với tỷ lệ tham gia thị trường ở mức thấp, khiến diễn biến TTCK chịu sự chi phối chủ yếu bởi tâm lý của NĐT cá nhân, vốn thường dao động mạnh đặc biệt trong những giai đoạn trống thông tin hỗ trợ.

Tăng trưởng của các nhóm ngành trong các quý.

Mặc dù vậy, về mặt điểm số, mức độ điều chỉnh của chỉ số VN-Index là mạnh hơn kỳ vọng. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, cho đến khi NĐT chuyên nghiệp gia nhập trở lại, xu hướng chung của thị trường sẽ ổn định và tích cực hơn. Theo đó, TTCK tháng 10 sẽ xoay quanh các câu chuyện về ước tính KQKD quý 3/2023 của các doanh nghiệp niêm yết.

Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ quan điểm của các chuyên viên phân tích ngành, VDSC nhận thấy, thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố KQKD lạc quan trên diện rộng. Thay vào đó, mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp. Do vậy, NĐT nếu đón sóng KQKD quý 3/2023 sẽ cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành. Trong, QNS, PVD, NKG và KDH là những mã cổ phiếu các NĐT có thể cân nhắc mua vào.

Đối với ngành ngân hàng, bức tranh lợi nhuận nhìn chung sẽ ổn định và tích cực hơn so với các nhóm ngành kinh doanh khác. Bởi hiện nay, các ngân hàng đang có một sự đồng thuận về quan điểm là những gì khó khăn nhất đã qua, song tốc độ phục hồi còn rất chậm và phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế.

Trong bối cảnh hiện tại, những ngân hàng có lợi thế về vốn, tập khách hàng ít bị tổn thương bởi kinh tế suy yếu và bộ đệm dự phòng cao sẽ là những ngân hàng có khả năng chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng sớm nhất. Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị NĐT có thể sắp xếp lại danh mục cổ phiếu ngân hàng để tích lũy và đầu tư như: VCB, BID, và CTG. Đây là những mã cổ phiếu có triển vọng khả quan trong nửa cuối năm.

5 nhóm ngành triển vọng

Trong khi đó, ông Đỗ Hiệp Hòa, Giám đốc đầu tư MB Capital chỉ ra 5 nhóm ngành có triển vọng trong cuối năm 2023 và năm 2024. Cụ thể, nhóm 1 là những ngành có câu chuyện liên quan đến chu trình chuyển đổi số, vốn đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Ngân hàng là 1 trong 5 nhóm ngành có triển vọng cuối năm 2023.

Theo ông Hòa, cơ hội là rất lớn cho các doanh nghệp được hưởng lợi từ quá trình này. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ công nghệ thông tin được tin rằng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khả quan trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế thế giới.

Nhóm số 2 liên quan đến sự dịch chuyển dòng vốn FDI và chuỗi logistic; từ chính sách Trung Quốc+1, dịch chuyển sang các nước khác, trong đó Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam cũng vừa ký kết đối tác Chiến lược toàn diện với Mỹ nên cổ phiếu khu công nghiệp được nhận định là vẫn sáng trong năm tới.

Nhóm số 3 là những ngành hoạt động ổn trong môi trường kinh tế chưa tích cực, có định giá hấp dẫn như ngân hàng. Hiện P/B toàn ngành ngân hàng khoảng 1,5 lần, thấp hơn trung bình chung của thị trường. Thêm vào đó, ngân hàng chiếm khoảng 40% của chỉ số VN30.

Nhóm số 4 là ngành tiện ích (điện, nước). Ngành này có cổ tức hấp dẫn, đi cùng với yếu tố giảm chi phí lãi vay, giảm khấu hao và tăng giá điện.

Cuối cùng, nhóm liên quan đến câu chuyện nâng hạng thị trường (nếu có). Theo ông Hòa, có thể cân nhắc phân bổ vào những cổ phiếu bluechip mà còn room cho NĐT nước ngoài và một phần vào nhóm chứng khoán.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu Khối nghiên cứu MBS lại chỉ ra cơ hội đầu tư cho năm 2024, trong đó tập trung vào nhóm ngành được hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi của xuất khẩu.

Chẳng hạn như ngành hóa chất, MBS nhận định giá cả mặt hàng hóa chất sẽ tăng trong năm 2024 do El Nino làm sản lượng thủy điện toàn cầu giảm, thiếu điện toàn cầu. Các mặt hàng có tỷ trọng chi phí điện trên chi phí đầu vào cao sẽ tăng giá do thiếu cung, hóa chất là mặt hàng tiêu thụ điện nhiều. Do đó, có thể tăng giá trong năm 2024.

Về tỷ giá, các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu nội địa cũng được hưởng lợi khi xuất khẩu. Ngành hóa chất chủ yếu từ các nguồn quặng có thể khai thác tại Việt Nam.

Các thị trường xuất khẩu của hóa chất Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc – các nước sản xuất công nghệ cao hàng đầu, nhu cầu chip bán dẫn cũng được dự báo sẽ được phục hồi trong năm 2024, do đó nhu cầu nhập khẩu hóa chất cũng sẽ tăng. "Tổng hợp lại, ngành hóa chất sẽ là một ngành có diễn biến tích cực trong năm 2024", ông Dũng kết luận.

Ngoài ra, nhóm thủy sản, phân bón, thép, gỗ, đá, nông sản, logistic và cảng biển cũng được dự báo thuận lợi trong chu kỳ phục hồi của xuất khẩu trong năm tới. Theo đó, các NĐT có thể lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành để có cơ hội đầu tư chắc chắn và an toàn hơn.

Tác giả: Hải Yên

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến