Dòng sự kiện:
Đóng cửa 2.000 điểm bán, vốn hóa TGDĐ vẫn tăng lên gần 4 tỷ USD
18/09/2021 15:34:54
Bất chấp việc phải đóng cửa gần 70% số lượng cửa hàng điện thoại và điện máy toàn quốc, cổ phiếu MWG vẫn liên tục tăng cao, đẩy vốn hóa Thế giới Di động lên xấp xỉ mức 4 tỷ USD.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ghi nhận xu hướng đi ngang với chỉ số lớn nhất thị trường VN-Index biến động quanh vùng 1.350 điểm hơn một tháng qua, thị giá cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (TGDĐ) lại liên tục thiết lập đỉnh mới.

Tính từ tháng 6 đến nay, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức giảm 1,16%. Nếu tính trong 1 tháng gần nhất, chỉ số này cũng đã giảm 1,66%.

Trái ngược với xu hướng này, thị giá MWG lại tăng 36% trong vòng 3 tháng qua và tăng 11% trong tháng gần nhất, hiện phổ biến giao dịch gần mức 125.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh sau chia cổ tức).

Đây là vùng giá cao nhất mà MWG từng giao dịch kể từ khi niêm yết năm 2014 đến nay.

Thị giá MWG tăng hơn 36% trong 3 tháng qua khi mà thị trường chung ghi nhận mức giảm 1,16%. Nguồn: Tradingview.

Cổ phiếu vượt đỉnh bất chấp dịch

Với đà tăng 35% trong vòng 3 tháng gần nhất, MWG là một trong số ít cổ phiếu vốn hóa lớn có mức tăng hai chữ số giai đoạn này.

Đà tăng kể trên cũng đẩy vốn hóa của chủ chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy lớn nhất Việt Nam đạt mức xấp xỉ 90.000 tỷ đồng, tương đương gần 4 tỷ USD quy đổi, cao gấp rưỡi so với hồi đầu năm.

Đáng chú ý, diễn biến giá cổ phiếu MWG liên tục vượt đỉnh diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của công ty đang chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Cụ thể, TGDĐ đang phải đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng tại gần 2.000 cửa hàng điện máy và điện thoại từ giữa tháng 7 để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội. Số cửa hàng này chiếm tới 70% tổng số điểm bán điện thoại và điện máy trên toàn quốc của công ty.

Điều này cũng tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của chuỗi trong tháng 7 vừa qua.

Tính riêng tháng 7, doanh thu thuần hợp nhất của TGDĐ đạt xấp xỉ 9.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 231 tỷ đồng, tăng 10% về doanh thu nhưng giảm 29% về lợi nhuận ròng so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, doanh thu của chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh chỉ là 5.220 tỷ đồng, giảm 35% so với tháng 6 và thấp hơn gần 40% so với tháng 5. Đây cũng là mức doanh thu tháng thấp nhất kể từ đầu năm mà 2 chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh mang về cho TGDĐ.

Ban lãnh đạo công ty cho biết để đạt mức doanh thu kể trên khi phần lớn cửa hàng đang tạm đóng hoặc hạn chế hoạt động để phòng dịch, 2 chuỗi điện thoại và điện máy đã tận dụng mọi cơ hội bán hàng ở mảng online, tập trung cho những nơi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy vậy, doanh thu qua kênh online của TGDĐ trong tháng 7 cũng đã giảm 17% so với tháng 6, đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng do siết chặt hoạt động giao hàng tại một số địa phương.

Tính chung 7 tháng đầu năm, TGDĐ thu về 71.986 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cùng thời gian này đạt 2.784 tỷ, cũng tăng 18% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo TGDĐ cho biết với việc siết chặt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương để kiểm soát dịch bệnh, kết quả kinh doanh tháng 8 dự kiến là tháng thấp điểm nhất.

“Nếu các biện pháp giãn cách tiếp tục kéo dài trong các tháng cuối năm, kế hoạch kinh doanh được công ty đề ra từ đầu năm sẽ khó thực hiện được. Tuy vậy, TGDĐ sẽ luôn nỗ lực để bảo vệ doanh số và lợi nhuận”, lãnh đạo công ty khẳng định.

Vì sao cổ phiếu MWG tăng mạnh?

Trong bối cảnh 2 chuỗi điện thoại và điện máy gặp khó khăn, điểm khởi sắc của TGDĐ là tình hình kinh doanh vượt kỳ vọng của chuỗi Bách Hóa Xanh. Đây cũng là một trong những chuỗi cửa hàng được phép hoạt động để cung ứng thực phẩm cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Thực tế, trong suốt đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4), TGDĐ vẫn liên tục gia tăng số lượng cửa hàng thuộc chuỗi Bách Hóa Xanh, từ 1.803 cửa hàng hồi cuối tháng 4 lên 1.919 cửa hàng đến cuối tháng 7, tương đương tốc độ mở mới gần 40 cửa hàng/tháng giữa giai đoạn dịch bệnh phức tạp nhất.

Cũng trong tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên sau gần 5 năm hoạt động, doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đạt mức 2,2 tỷ đồng/tháng, mức doanh thu bình quân/cửa hàng được rất nhiều chuyên gia kỳ vọng từ thời điểm chuỗi bắt đầu mở rộng năm 2016.

Doanh thu Bách Hóa Xanh tăng trưởng vượt trội là lý do chính giúp cổ phiếu MWG tăng bất chấp dịch bệnh thời gian qua. Ảnh: Sỹ Hưng/nld.com.

Trước thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng của chuỗi bách hóa này mới đạt khoảng 1-1,3 tỷ/tháng (giai đoạn tháng 1-4).

Riêng tháng 7, với 1.919 cửa hàng, Bách Hóa Xanh đã thu về gần 4.240 tỷ đồng doanh thu, tăng 55% so với tháng liền trước và tăng 133% so với cùng kỳ năm 2020.

Mức tăng trưởng vượt trội này cũng đẩy tỷ lệ đóng góp của Bách Hóa Xanh trong tổng doanh thu 3 chuỗi bán lẻ của TGDĐ đạt tới 45% trong tháng 7.

Ghi nhận trong báo cáo đánh giá về hoạt động kinh doanh của TGDĐ, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho rằng chuỗi Bách Hóa Xanh đang được hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch Covid-19.

Cụ thể, với đặc thù kinh doanh ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng, Bách Hóa Xanh sẽ hưởng lợi từ hành vi tích trữ hàng của người tiêu dùng và việc các chợ truyền thống, chợ đầu mối tại TP.HCM đóng cửa (chiếm khoảng 30% tổng số cửa hàng bách hóa trên địa bàn).

Điều này khiến người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua sắm tại các cửa hàng bách hóa hiện đại.

Trong khi đó, với 2 chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh, dù đang phải đóng cửa phần lớn điểm bán, nhưng quá trình hợp nhất thị trường có thể tăng tốc trong thời kỳ đại dịch, vì các cửa hàng tư nhân nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn để tồn tại.

Việc giành được thị phần sẽ giúp TGDĐ đạt được mức tăng trưởng vượt trội sau đại dịch so với các đối thủ cạnh tranh trong năm 2022.

Ngoài ra, việc cắt giảm chi phí sẽ giúp thu hẹp mức sụt giảm lợi nhuận của mảng điện thoại và điện máy trong những tháng cuối năm.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến