Đồng Nai lên tiếng vụ 'lấp sông làm dự án'
23/03/2015 09:38:17
ANTT.VN – Người phát ngôn của tỉnh Đồng Nai Theo - ông Huỳnh Văn Tới, cho rằng, những ý kiến nhiều chiều của các nhà khoa học, gồm nhà khoa học “tháp ngà” lẫn nhà khoa học thực tiễn đều được tiếp nhận và nghiên cứu trong các cuộc hội thảo khoa học. Tiếc rằng, những ý kiến các nhà khoa học trái ngược với mục tiêu dự án thì được tô đậm trên mặt báo, còn ý kiến của các nhà khoa học thực tiễn thể hiện rõ trên hồ sơ thì không được tiếp cận và ghi nhận”.

Tin liên quan

 

Sông Đồng Nai không chỉ của riêng tỉnh Đồng Nai

Sông Đồng Nai là hệ thống sông lớn thứ hai ở phía Nam, và đứng thứ ba toàn quốc, lưu vực rộng lớn của nó gần như nằm trọn trong địa phận nước ta, chỉ có một bộ phận nhỏ nằm ở Campuchia. Tổng diện tích lưu vực phần trong nước khoảng 37.330 km2, nằm trên địa phận các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

Mới đây, Dự án “Cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai” tại thành phố Biên Hòa do chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát được UBND tỉnh cấp giấy phép xây dựng đã tạo nên những ý kiến trái chiều trong công luận và dư luận.

Ông Đỗ Đức Dũng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho biết: “Sông Đồng Nai không phải là sông riêng của tỉnh Đồng Nai mà có ảnh hưởng đến nhiều địa phương. Không chỉ cung cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, khai thác giao thông đường thủy, sông Đồng Nai còn có nhiệm vụ thoát lũ”.

Ông Dũng cho biết: “Đoạn sông đang có dự án bị cong và kèm theo xói lở bờ. Nếu việc can thiệp tác động mà có thể ngăn chặn được hiện tượng xói lở nhưng không ảnh hưởng đến lưu lượng thoát lũ thì có lẽ không có gì phải bàn cãi, đó là việc phải làm, đáng làm. Nhưng cũng phải đặt ra tình huống ngược lại, hành động can thiệp đến dòng chảy có thể làm thay đổi đến chức năng truyền tải thoát lũ, cản trở dòng chảy là rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ gây ngập lụt hoặc phát sinh thêm các điểm sạt lở trong hệ thống.”

Các ý kiến nghi ngại của người dân về việc chủ đầu tư Toàn Thịnh Phát ngày đêm “lấp sông xây đô thị” cho dự án The Pegasus River sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bờ sông, thậm chí “đạp mất cầu Ghềnh và cù lao Phố”.

Công trường ven sông Đồng Nai của chủ đầu tư Toàn Thịnh Phát khiến người dân lo ngại những ảnh hưởng đến môi trường sống (ảnh: Báo Thanh niên)

Bên cạnh đó, trả lời trên báo chí có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, những người công tác lâu năm trong lĩnh vực môi trường, sông ngòi cũng bày tỏ những quan ngại về Dự án này.

Nhưng mới đây, ông Huỳnh Văn Tới - người phát ngôn của tỉnh cho rằng: “Các nhà khoa học có trách nhiệm tư vấn và phản biện nhưng phải trên cơ sở khoa học. Những ý kiến nhiều chiều của các nhà khoa học, gồm nhà khoa học “tháp ngà” lẫn nhà khoa học thực tiễn đều được tiếp nhận và nghiên cứu trong các cuộc hội thảo khoa học. Tiếc rằng, những ý kiến các nhà khoa học trái ngược với mục tiêu dự án thì được tô đậm trên mặt báo, còn ý kiến của các nhà khoa học thực tiễn thể hiện rõ trên hồ sơ thì không được tiếp cận và ghi nhận”.

Đã tham khảo ý kiến người dân?

Sau khi báo chí đăng tải những thông tin về dự án “Cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai” và theo ý kiến khảo sát người dân khu vực ven sông, có rất nhiều  người bất ngờ với quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai “nghe tỉnh quy hoạch DA chỉnh trang hơn 20 năm nay nhưng không thấy làm gì cả. Nay thấy máy xúc, máy ủi ngày đêm hoạt động ven sông bà cứ nghĩ nhà nước đang tiến hành làm bờ kè sông chứ không biết rằng tỉnh cho DN lấp sông”.

Ông Huỳnh Văn Tới cho biết Dự án trước khi thực hiện có biên bản họp dân nhưng chỉ là đại diện tổ dân phố, chưa đông đủ các hộ liên quan

Về vấn đề này, đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết “Lấy ý kiến đồng thuận cư dân liên quan đến dự án là một trong những điều kiện để cấp phép thực hiện. Trong hồ sơ cấp phép thực hiện dự án có biên bản họp dân, trong đó thể hiện ý kiến đồng thuận của người dân cũng như chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, người dân tham dự lấy ý kiến là đại diện tổ dân phố, chưa đông đủ các hộ liên quan, và khi dự án được thực hiện có tác động trực tiếp đến từng hộ thì còn thiếu hình thức thường xuyên, kịp thời tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân”.

Vậy biên bản họp dân – bao gồm những người tham dự là đại diện tổ dân phố đã phản ánh đúng và đầy đủ những ý kiến của người dân ven sông Đồng Nai hay chưa? Các cá nhân đươc lấy ý kiến đã được UBND cấp tỉnh và chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát công khai những báo cáo cụ thể về dự án hay chưa?

Theo ông Huỳnh Văn Tới “sở dĩ có nhiều ý kiến khiến người dân lo lắng là do cách tiếp cận, góc nhìn và phản ánh của một số bài báo. Ví như khi vẽ một bức tranh cuộc sống, bức tranh chân thật sẽ gồm cả màu sáng và màu tối như cuộc sống vốn có, nhưng cũng có kiểu vẽ tranh chỉ chọn gam màu tối”.

Và theo ý kiến người phát ngôn của tỉnh Đồng Nai, việc người dân lo lắng “dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, gây nguy hại cho cư dân” hay suy luận dự án “đạp mất cầu Ghềnh và cù lao Phố” cho đến giờ này vẫn là mang cảm tính cá nhân, không có cơ sở.

Hoa Liên

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến