Dòng sự kiện:
Đồng Tâm - Kienlongbank: “Bầu” Thắng và nghịch lý “con đẻ - con nuôi”
05/08/2015 19:29:03
ANTT.VN - Như vậy, xét trên cương vị đứng đầu ban quản trị DTG, “bầu” Thắng chính là người hùng của các cổ đông CTCP Đồng Tâm trong năm 2014. Nhưng đồng thời, cũng với vai trò Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, chính “bầu” Thắng lại là người phải chịu trách nhiệm cho kết quả hoạt động bết bát của ngân hàng này.

Tin liên quan

Đồng Tâm - Kienlongbank: “Bầu” Thắng và nghịch lý “con đẻ - con nuôi”

“Con đẻ - con nuôi”

Trong làng túc cầu Việt, nhắc đến các ông “bầu”, xếp “chung mâm” với đại gia Đoàn Nguyên Đức, có lẽ chỉ có ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB BĐ Đồng Tâm Long An. “Bầu” Đức, “bầu” Thắng chính là những người tiên phong, khởi xướng cho trào lưu doanh nhân đi làm bóng đá đầu những năm 2000 và tiếp tục son sắt gắn bó cho tới tận hôm nay.

Giống như “bầu” Đức, ông Võ Quốc Thắng cũng là một tên tuổi máu mặt trong giới kinh doanh khi đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT tại cả hai doanh nghiệp lớn là CTCP Đồng Tâm (OTC: DTG) và Ngân hàng TMCP Kiên Long – Kienlongbank.

Tuy nhiên, nếu như gọi Đồng Tâm là “con đẻ” thì có lẽ đối với “bầu” Thắng, Kienlongbank quá lắm cũng chỉ được ví như là một đứa “con nuôi”, chí ít là theo cách mà ông đối xử với 2 đội bóng gắn tên 2 thương hiệu: Đồng Tâm Long An và Kienlongbank Kiên Giang.

Thêm vào đó, nếu như với DTG, bản thân ông Thắng vốn lưu tình từ cái thuở hàn vi (giữa thập niên 80) thì lúc gia nhập Kienlongbank (tháng 4/2013), “Võ Quốc Thắng” đã trở thành một cái tên lừng lẫy.

Theo các tài liệu công bố gần nhất, hiện “bầu” Thắng đang sở hữu tới 40,04% cổ phần Đồng Tâm (cập nhật đến 31/12/2009) song tại Ngân hàng Kiên Long, ông lại không có một cổ phần nào. Nhưng nói thế không có nghĩa là vị trí tư lệnh tối cao tại Kienlongbank của vị doanh nhân này là “hữu danh vô thực”, bởi, con trai ông – cổ đông Võ Quốc Lợi, hiện nắm tới hơn 14 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ sở hữu 4,68% NH Kiên Long (cập nhật đến 30/6/2014).

Có thể thấy, xét vào ràng buộc lợi ích và lịch sử quan hệ, cho dù cùng nắm ghế Chủ tịch tại cả hai doanh nghiệp nhưng đối với “bầu” Thắng, DTG – Kienlongbank, ắt phải có nặng – nhẹ, vơi – đầy.

Trọng “con đẻ”, ghẻ “con nuôi” (?)

Đều là những doanh nghiệp nghìn tỷ, cho nên trong năm 2014, cả “con nuôi”, “con đẻ” của ông Võ Quốc Thắng đều đề ra những chỉ tiêu hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận. Đối với CTCP Đồng Tâm là 135 tỷ đồng sau thuế, còn với Ngân hàng Kiên Long là 419 tỷ đồng trước thuế.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2014, trong khi “con đẻ” DTG đã xuất sắc vượt kế hoạch 40,5% (đạt 177 tỷ đồng sau thuế) thì “con nuôi” Kienlongbank lại chỉ leo lét đi được già nửa chỉ tiêu (đạt 234 tỷ đồng trước thuế, tương ứng 176 tỷ đồng sau thuế).

Nên biết rằng, tổng vốn cổ phần của CTCP Đồng Tâm trong năm 2014 chỉ là 680,7 tỷ đồng; trong khi con số tương ứng tại Kienlongbank thì lại lớn hơn gấp rất nhiều lần: 3.000 tỷ đồng.

Điều đó có nghĩa, tính theo hiệu xuất sinh lời ROE, với mỗi 100 đồng vốn đầu tư của các cổ đông trong năm 2014, CTCP Đồng Tâm đã tạo ra tới 26 đồng lợi nhuận, trong khi, con số ở Kienlongbank chỉ đạt chưa đến 6 đồng. Một sự chênh lệch quá lớn, kể cả có xét đến yếu tố lĩnh vực hoạt động khác biệt giữa hai doanh nghiệp.

Tại ĐHCĐ thường niên 2015 mới diễn ra ở 2 DN mà “bầu” Thắng cùng ngồi bàn chủ tọa, DTG đã thoải mái chốt mức chia cổ tức 5% cho năm 2014 và mạnh dạn đề ra mức chi trả “khủng” 15% cho năm 2015. Trong khi đó, về phía Kienlongbank, kịch bản chia cổ tức 9 - 10% trong 2014 đã “tan tành mây khói” với con số thực hiện chỉ là 5% và dự kiến tỷ lệ cho 2015 rón rén ở mức 8%.

Như vậy, xét trên cương vị đứng đầu ban quản trị DTG, “bầu” Thắng chính là người hùng của các cổ đông CTCP Đồng Tâm trong năm 2014. Nhưng đồng thời, cũng với vai trò Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, chính “bầu” Thắng lại là người phải chịu trách nhiệm cho kết quả hoạt động bết bát của ngân hàng này.

Nghịch lý thù lao…

Nhìn vào mức thù lao mà 2 doanh nghiệp có chung vị Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng đang chi trả cho “giới tinh hoa” mới thấy hết những nghịch lý.

Cụ thể, dù rằng dưới sự chèo lái của ban lãnh đạo, DTG đã ghi nhận được những kết quả hoạt động hết sức ấn tượng nhưng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, tổng mức chi trả thù lao cho HĐQT và BKS Đồng Tâm trong năm 2014 chỉ “dè sẻn” ở mức 960 triệu đồng, tương đương với 80 triệu đồng/tháng. Được biết, tổng số thành viên HĐQT và BKS của CTCP Đồng Tâm trong năm 2014 là 8 người.

Thù lao "khủng" ở "con nuôi" Kienlongbank

Trong khi đó, chỉ nhiều hơn DTG đúng một thành viên, thù lao HĐQT và BKS Kienlongbank đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 phê duyệt ở mức 9,6 tỷ đồng, tức là gấp đến… 10 lần so với “con đẻ” Đồng Tâm. Song, như đã đề cập, kết quả kinh doanh của “con nuôi” Kienlongbank trong năm 2014 là đặc biệt kém thuyết phục. Mặc dù vậy thù lao HĐQT và BKS mà NH Kiên Long đã thực chi trong năm vẫn lên đến 7,811 tỷ đồng và đề xuất cho 2015 thì vẫn là 9,6 tỷ đồng.

Cùng một Chủ tịch Võ Quốc Thắng nhưng hiệu quả hoạt động và chính sách thù lao tại CTCP Đồng Tâm và Kienlongbank lại khác biệt đến lạ kỳ. Phải chăng là do bởi… “con đẻ – con nuôi” (?).

Ninh Giang

   

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến