Dòng sự kiện:
Kienlongbank: Lợi nhuận trượt dài, tương lai khốc liệt
14/04/2015 21:49:35
ANTT.VN – Từ sau đỉnh cao 2011, kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Kiên Long đã “xuống dốc không phanh”. Liên tiếp 3 năm, Kienlongbank phải “phá sản” các mục tiêu “bánh vẽ”. CEO Phạm Khắc Khoan đã phải rời ghế nóng, người kế nhiệm ông Khoan, tân TGĐ Võ Văn Châu liệu có thay đổi được tình hình?

Tin liên quan

Thay tướng giữa dòng…

Ngày 17/12/2014, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) đã ra Quyết định số 68/QĐ-HĐQT bổ nhiệm ông Võ Văn Châu – Thành viên HĐQT kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng.

Trước đó, ngày 13/10/2014, ông Châu cũng đã được HĐQT Kienlongbank bổ nhiệm giữ chức Quyền TGĐ thay thế ông Phạm Khắc Khoan. Lý do miễn nhiệm ông Khoan được HĐQT đưa ra là thể theo “nguyện vọng cá nhân”.

Kết quả kinh doanh thất vọng đã khiến CEO Phạm Khắc Khoan phải rời "ghế nóng"?

Tìm hiểu Báo cáo tài chính hợp nhất mới được NH TMCP Kiên Long công bố, trước các kết quả hoạt động kinh doanh không như ý muốn của ngân hàng, có lẽ công chúng cũng phần nào hiểu được nguyên nhân thực sự cho sự ra đi CEO Phạm Khắc Khoan, người đã gắn bó với Kienlongbank kể từ tháng 4/2008 và chính thức đảm nhiệm cương vị đứng đầu ban điều hành từ tháng 1/2013.  

Lợi nhuận trượt dài...

Báo cáo tài chính mới được Kienlongbank công bố cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong 2014 đã bị “vỡ đôi” kế hoạch khi mà khoản lãi 234 tỷ đồng mới chỉ đạt chưa đầy 56% mục tiêu năm mà Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 đã đề ra (419 tỷ đồng).

Tiếp tục tìm hiểu các báo cáo cũ hơn, nhận thấy, không chỉ “phá sản” kế hoạch lợi nhuận 2014 mà liên tiếp nhiều năm liền Kienlongbank luôn khiến cho các cổ đông của mình phải khôn nguôi “hụt hẫng”. Cụ thể, từ mức cực đại 525 tỷ đồng vào 2011, lợi nhuận trước thuế của Kiên Long đã liên tiếp “teo” dần, dù rằng quy mô tài sản hay dư nợ cho vay vẫn được cải thiện đầy tích cực. Tính trung bình, từ 2011 đến 2014, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đã “rơi rớt” tới 18,5% mỗi năm - một con số đáng để đắn đo.

Việc suy thoái sâu của lợi nhuận cũng làm cho hiệu suất sinh lời của Kienlongbank ngày càng thiểu hóa. Nếu như 2011, mỗi 100 đồng tài sản của ngân hàng sẽ đem về 2,21 đồng lời thì 3 năm sau, con số trên chỉ còn 0,79 đồng, tức là già 1/3.

Tương tự là ROE, chỉ trong 3 niên ngắn ngủi, chỉ số sinh lời được giới đầu tư quan tâm bậc nhất này cũng đã giảm tới 60,08%; 5,15 đồng lời cho mỗi 100 đồng vốn bỏ ra mỗi năm, nghĩa là chỉ tròm trèm lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng (lãnh lãi đầu kỳ) mà chính Kienlongbank đang công bố (và cũng nên nhớ rằng, mặt bằng lãi suất trên thị trường tín dụng hiện nay là rất thấp).

Hệ quả, lãi cơ bản trên của phiếu (EPS – Earning Per Share) của Kienlongbank trong 2014 đã bị “bốc hơi” chóng mặt từ mức 1.058 đồng của 2013 về chỉ còn 593 đồng.

Quan sát Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, không khó để tìm ra “nguồn cơn” của việc suy thoái lợi nhuận trầm trọng nêu trên. Theo đó, Thu nhập lãi thuần đã rớt thảm về 794 tỷ đồng từ mức 1.034 tỷ đồng của một năm trước đó. Trong khi, so sánh với 2013 thì Cho vay khách hàng (dư nợ thị trường 1) vẫn tăng tới 11,52% lên 13.526 tỷ đồng. Đành rằng, diễn biến lãi suất 2014 đã liên tục được kéo thấp nhưng nếu ngân hàng cân đối tốt các yếu tố thì cũng không có lý gì để Thu nhập lãi thuần bị giảm sâu đến vậy, bởi “nước lên thuyền lên” – lãi suất cho vay hạ thì lại suất huy động cũng chẳng thể tăng. Cùng với đó, các hoạt động phi tín dụng khác ở ngân hàng cũng tỏ ra khá bết bát: Lỗ thuần từ hoạt động dịch vụ 363 triệu đồng, Lỗ thuần từ hoạt đông kinh doanh ngoại hối 1.246 triệu đồng…

Không riêng gì lợi nhuận, nhiều chỉ tiêu kinh doanh khác của Kiên Long cũng “đuối sức” trước kế hoạch mà cổ đông đã thống nhất đề ra. Có thể kể đến như chỉ tiêu Tổng tài sản, tổng dư nợ và rất có thể là cả tỷ lệ chia cổ tức (ngân hàng Kiên Long chưa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ động 2015).

Theo dự kiến của HĐQT, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 sẽ được Kienlongbank tổ chức vào ngày 24/4 tới đây. Chưa rõ, trước các kết quả kinh doanh thất vọng nêu trên, Ban Chủ tọa sẽ giải thích sao với các nhà đầu tư về những chiếc “bánh vẽ” của mình?!

...Tương lai “khốc liệt”

Thị trường tài chính Việt Nam những tháng đầu năm 2015 đang “nóng rẫy” với dồn dập những thông tin hợp nhất, sáp nhập (chính thức và đồn đoán):  PGBank & Vietinbank; SaigonBank & Vietcombank; MHB & BIDV; DongABank & ABBank; MDB & MaritimeBank, Eximbank & NamABank…

Tuy nhiên, trong rặng dày những tin tức tràn ngập, cả chính thức và đồn đoán ấy, tuyệt nhiên không thấy “manh mối” nào về một cuộc “hôn nhân” giữa Kiên Long với một bên nào khác.

Làn sóng M&A ngân hàng được giới phân tích nhận định là sẽ tác động sâu sắc tới thị trường các TCTD Việt Nam trong thời gian tới, thậm chí còn có những ý kiến đánh giá, một “trật tự mới” rồi sẽ được hình thành. Thực tế đang chứng minh, áp lực cạnh tranh khốc liệt hậu M&A sẽ gây những sức ép không nhỏ tới các nhà băng quy mô nhỏ và vừa, trong đó có Kienlongbank – nhà băng với vốn điều lệ nhỏ nhất thị trường (đúng bằng mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo quy định của NHNN). Tuy nhiên, việc tìm một đối tác để “se duyên” đối với một TCTD quy mô nhỏ cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Lại nói về tình hình hoạt động của Kienlongbank, tính đến 31/12/2014, trong tổng số 13.526 tỷ đồng dư nợ của ngân hàng thì có tổng cộng 264 tỷ đồng được phân vào nợ nhóm 3 đến nhóm 5 (Nợ xấu – NPL), trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn là 32 tỷ đồng, Nợ nghi ngờ là 29 tỷ đồng và Nợ có khả năng mất vốn là 203 tỷ đồng. Tương ứng, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank tại thời điểm cuối niên 2014 là 1,95% - một con số khá ấn tượng nếu biết trước đó một năm, tỷ lệ này vẫn còn là 2,47% với giá trị NPL tuyệt đối là 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc “cắt rốn” nợ xấu ở Ngân hàng Kiên Long chưa hẳn đã không để lại hệ lụy gì, bởi, tìm hiểu kỹ hơn mới thấy rằng, nỗ lực giảm thiểu nợ xấu ở nhà băng này phần lớn đến từ công tác “bán nợ cho VAMC”, có nghĩa, nợ xấu ở Kienlongbank mới chỉ được xử lý ở trên sổ sách.

Cụ thể, tổng mệnh trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để mua lại nợ xấu mà Kienlongbank đang nắm giữ tính đến cuối năm 2014 là 361 tỷ đồng. Tại ngày 31 tháng 12 năm 2014, giá trị nợ gốc và dự phòng rủi ro cụ thể của các khoản nợ xấu này lần lượt là 446 tỷ đồng và 85 tỷ đồng (31/12/2013: nợ gốc là 262 tỷ đồng và dự phòng cụ thể là 59 tỷ đồng).

Như vậy, trên thực tế, nếu cộng cả các khoản mang bản chất nợ xấu trên thì rõ ràng tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank sẽ chẳng được “lung linh” như tính toán.

Thêm vào đó, về nguyên tắc, khi bán nợ xấu cho VAMC, ngân hàng sẽ nhận được 1 trái phiếu đặc biệt. Mệnh giá của trái phiếu đặc biệt được phát hành tương ứng với khoản nợ xấu được bán và là số dư nợ gốc của khách hàng vay chưa trả trừ đi số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập nhưng chưa sử dụng của khoản nợ xấu đó. Giá trị trái phiếu đặc biệt được ghi nhận vào khoản mục Chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn. Trong thời gian nắm giữ Trái phiếu đặc biệt, định kỳ, Ngân hàng tính toán và trích lập dự phòng rủi ro cụ thể hàng năm không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu đặc biệt.

Theo cơ chế trên, với việc nắm giữ 361 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC, mỗi năm Ngân hàng Kiên Long cũng sẽ phải “ngắt” tối thiểu 72,2 tỷ đồng lợi nhuận của mình để đem trích lập dự phòng. Hay có nghĩa, biểu đồ lợi nhuận của Kienlongbank trong tương lai nhiều khả năng vẫn diễn tiến “chúc đầu”.

Còn tiếp...

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến