Dòng sự kiện:
Dòng tiền của Kinh Bắc: Vay nợ tăng cao, đem 1.200 tỷ cho công ty liên quan vay lại
14/08/2021 19:25:25
Kết quả kinh doanh tăng bằng lần nhưng gánh nặng tài chính của TCT Kinh Bắc do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch cũng là điều mà các cổ đông KBC có thể lưu ý.

Mỗi ngày trả lãi gần 2 tỷ đồng

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (MCK: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 và 6 tháng đầu năm 2021

Điều đáng chú ý, tính đến thời điểm 30/6, tổng nợ phải trả tại KBC lên đến 15.119 tỷ đồng, tăng 1.986 tỷ đồng, tương đương 15% so với hồi đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay đạt 7.491 tỷ đồng, tăng 1.726 tỷ, tương đương với 30% so với hồi đầu năm.

Cụ thể, Kinh Bắc vay ngắn hạn 1.881 tỷ đồng, tăng 334 tỷ đồng so với hồi đầu năm; vay dài hạn của công ty tăng mạnh thêm 1.392 tỷ đồng lên 5.610 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty đã phát hành trái phiếu huy động vốn trong kỳ. Vào tháng 3, tháng 4 và tháng 6, Kinh Bắc đã huy động thành công được hơn 2.411 tỷ đồng với lãi suất 10,5 - 10,8%/năm.

Chủ nợ lớn nhất của Kinh Bắc là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) với dư nợ 2.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm, giải ngân từ tháng 12/2020. Kinh Bắc thế chấp cho khoản vay này bằng toàn bộ tài sản liên quan đến dự án Tràng Cát.

Ngoài ra, KBC còn các khoản vay tại VietinBank (201 tỷ); TPBank (266 tỷ); BIDV (54 tỷ) với lãi suất từ 9,5-11,5% và được bảo đảm bằng tài sản KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh; KĐT Dịch vụ thương mại và Nhà ở công nhân Tràng Duệ; KĐT Phúc Ninh.

Việc nợ vay tăng mạnh trong kỳ khiến KBC phải chi phí lãi vay trong quý II/2021 gấp gần 4 lần, từ 42 tỷ lên 157 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, Kinh Bắc phải chi gần 1,8 tỷ đồng để trả lãi vay ngân hàng và các khoản trái phiếu.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của Kinh Bắc tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều giao dịch liên quan đến các công ty trong "hệ sinh thái" của Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc - Đặng Thành Tâm.

Các khoản phải thu về cho vay của Kinh Bắc tăng lên đáng kể.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6, Kinh Bắc có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn trị giá hơn 675 tỷ đồng với CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), tăng mạnh so với con số 275 tỷ đồng hồi cuối quý I/2021.

Ngoài ra, Kinh Bắc còn có phải thu khác về cho vay dài hạn lên đến 599,5 tỷ đồng tại SGT. Tổng phải thu về cho vay SGT lên đến 1.274,5 tỷ đồng. Khoản vay này thậm chí còn cao hơn vốn chủ sở hữu SGT.

Ngoài ra, còn khoản phải thu về hợp tác kinh doanh trị giá 40 tỷ đồng. SGT và SGT Chi nhánh Bắc Ninh cũng cần phải trả KBC 2,6 tỷ đồng tiền lãi vay.

Còn với CTCP dịch vụ Kinh Bắc, KBC có khoản phải thu khác về cho vay 177 tỷ đồng.

Bản thân ông Đặng Thành Tâm cũng đang được Kinh Bắc tạm ứng 147,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, KBC cũng tích cực đi vay khi có hai khoản vay tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng khu công nghệ cao Sài Gòn trị giá 19 tỷ đồng và 30 tỷ đồng; vay dài hạn Công ty TNHH Saigontel Long An gần 113 tỷ đồng.

Hồi tháng 5 vừa qua, ban lãnh đạo Kinh Bắc đã quyết định vay 1.080 tỷ đồng và là vay tín chấp không có tài sản bảo đảm từ công ty con, Công ty Phát triển Hưng Yên để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khoản vay này đúng bằng số vốn mà Kinh Bắc đã góp vào Công ty Phát triển Hưng Yên khi tiến hành thành lập doanh nghiệp này vào giữa tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của KBC không nhắc đến khoản vay này.

Hơn 11.000 tỷ đồng hàng tồn kho

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của Kinh Bắc tăng 16,6% so với hồi đầu năm, lên 27.732 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 11.623 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản, tập trung lớn nhất là ở dự án Khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát (7.270 tỷ đồng).

Hàng tồn kho của Kinh Bắc lên đến 11.623 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, riêng trong quý II/2021, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt xấp xỉ 750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, lần lượt gấp 4 lần và 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý II/2021 tăng đột biến là do công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận quý II/2021 tăng cao so với cùng kỳ tuy nhiên so với 2 quý gần đây thì lại thấp hơn đáng kể.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 785 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 4 lần và 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, KBC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.000 tỷ đồng. Như vậy, Kinh Bắc đã hoàn thành được 42% chỉ tiêu doanh thu và 39% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 13/8, KBC dừng ở mức 35.800 đồng/cổ phiếu nhưng trước đó vào ngày 28/6/2021, KBC đã lập đỉnh 40.150 đồng/cổ phiếu, tăng 14.050 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 54% so với hồi đầu năm 2021.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến