Dòng sự kiện:
Dòng tiền 'khủng' của F88
07/03/2023 13:12:20
Công ty cầm cố tài sản lớn nhất cả nước liên tục gọi vốn hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế và hàng chục đợt huy động trái phiếu trong nước giá trị vượt nghìn tỷ đồng.

Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an mới đây phối hợp với Công an TP.HCM khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 và nhiều chi nhánh khác ở TP.HCM để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

F88 trong vài năm gần đây nổi lên là cái tên đình đám nhất trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nhất là mảng cho vay tiền và cầm cố tài sản. Đối tượng chủ yếu là nhóm khách hàng dưới chuẩn, tức không đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng.

Vay trái phiếu và vốn ngoại

F88 được thành lập vào năm 2013 và "lớn nhanh như thổi" khi mở rộng quy mô ra toàn quốc với hơn 800 cửa hàng, trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất cả nước.

Các chi nhánh F88 với hai màu đặc trưng là xanh lá và vàng, diện tích cửa hàng rất nhỏ, mặt trước chỉ đủ để được khoảng 4-5 xe máy, nằm len lỏi trên nhiều tuyến đường tập trung đông dân cư.

Công ty cũng mở rộng hợp tác chiến lược với các ngân hàng quốc tế CIMB, KBank chi nhánh TPHCM để cùng triển khai các dịch vụ tài chính. F88 còn hợp tác với Thế Giới Di Động triển khai dịch vụ vay tiền mặt cho các khách hàng. 

F88 gọi vốn ngoại hàng trăm triệu USD và dư nợ trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng. Ảnh: F88.

Sự mở rộng nhanh chóng của F88 gắn liền với khả năng huy động vốn liên tục của nhóm lãnh đạo, bao gồm gọi vốn hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư quốc tế và cả dòng tiền từ huy động trái phiếu.

Giai đoạn 2017-2018, F88 đã kêu gọi thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ Quỹ Granite Oak ngay sau đó.

Trong năm 2022, F88 tiếp tục nhận được các khoản huy động 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable Group (London, Anh).

Đến ngày 2/3, chuỗi cầm đồ tiếp tục huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Đáng kể hơn là khả năng huy động vốn trái phiếu liên tục với 32 đợt phát hành đã thực hiện từ năm 2019 đến nay, lãi suất dao động 9-13%/năm.

Các trái phiếu này chủ yếu là trái phiếu bằng đồng Việt Nam với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trả lãi coupon, lãi suất cố định. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ vào cuối kỳ và có thể được mua lại trước hạn.

Hiện công ty đã tất toán một phần nhưng vẫn còn 8 lô trái phiếu lưu hành với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, lãi suất cao khoảng 10-12%/năm.

Khối ngoại chiếm quá bán cổ phần

F88 đang có vốn điều lệ gần 567 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Phùng Anh Tuấn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc điều hành toàn bộ hoạt động của chuỗi. Ông còn là người đại diện của Công ty cổ phần Đầu tư F88 (F88 Investment). 

Tỷ lệ sở hữu của nhà sáng lập Phùng Anh Tuấn liên tục giảm khi nhà đầu tư ngoại tăng rót vốn. Ảnh: F88.

Theo bản công bố thông tin về cơ hội đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của F88 năm 2020, ông Phùng Anh Tuấn nắm giữ 20% cổ phần F88. Quỹ đầu tư Mekong Capital nắm 41,8% và quỹ Granite Oak giữ 12,9%.

Tuy nhiên, với đợt gọi vốn gần nhất từ VOI và Mekong Enterprise Fund IV đầu tháng 3 vừa qua, cơ cấu cổ đông F88 sẽ tiếp tục có những thay đổi về tỷ lệ nhà đầu tư.

Theo ông Tuấn, F88 có kế hoạch tìm các nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài cho đợt IPO trước cuối năm 2023. Mục tiêu vào năm 2024 có thể đạt vốn hóa thị trường khoảng 1 tỷ USD khi niêm yết trên sàn HoSE.

Thậm chí, với sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, F88 còn tham vọng năm 2023 sẽ cán mốc 1.000 chi nhánh khắp cả nước và đến 1.700 cửa hàng vào năm 2025, trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính số một Việt Nam.

Lãi hàng chục tỷ đồng

Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tóm tắt gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chuỗi cầm đồ có vốn chủ sở hữu 434 tỷ đồng và nợ phải trả là hơn 1.000 tỷ tại cuối năm 2020, riêng dư nợ trái phiếu chiếm phần lớn với 842 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2020, toàn hệ thống thu về 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 170% so với con số gần 17 tỷ đồng của năm 2019.

Theo báo cáo xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings ra mắt tháng 10/2021, mức đòn bẩy tài chính của F88 đo lường bằng tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu khoảng 3,5 lần, cao hơn năm 2020 do tốc độ tăng trưởng nhanh của quy mô hoạt động cho vay.

FiinRatings đánh giá tỷ lệ đòn bẩy tài chính của F88 sẽ tiếp tục được duy trì dưới mức 4 trong trung hạn, đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính cũng như các cam kết đối với các chủ nợ của công ty.

Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty năm 2021 là khoảng 18% so với mức 13% năm 2020. Đến tháng 6/2022, FiinRatings cập nhật lại tỷ lệ ROE ở mức 11,1% so với mức trung vị của các công ty tài chính ở mức 6,7%. Dự kiến giảm nhẹ xuống 10,7% trong năm 2022 do vốn chủ sở hữu tăng lên.

Tỷ lệ nợ xấu của F88 được công bố ở mức 1,2% cuối năm 2021 so với các công ty tài chính khoảng 9%. Tổng chi phí xóa sổ gộp/dự nợ trung bình của F88 trong năm 2021 ở mức 11,4%.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến