Dòng sự kiện:
Dòng tiền liệu có ồ ạt vào thị trường chứng khoán, đâu là sai lầm của F0?
22/07/2021 09:07:03
Đó là một trong số những câu hỏi được nhiều người quan tâm đưa ra tại tọa đàm "Kinh tế vĩ mô có cần cho đầu tư chứng khoán" do SSI tổ chức ngày 21/7.

Ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research) cho biết không ít nhà đầu tư đã mắc sai lầm trong câu chuyện tiếp nhận thông tin từ kinh tế vĩ mô đến quyết định đầu tư.

Tại tọa đàm "Kinh tế vĩ mô có cần cho đầu tư chứng khoán" nằm trong chuỗi chương trình tư vấn đầu tư do SSI tổ chức, ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research) - cho rằng, việc nắm được các diễn biến vĩ mô là rất cần thiết với các nhà đầu tư tài chính, kể cả đối với những nhà đầu tư ngắn hạn.

Đầu tư chứng khoán, F0 cần quan tâm gì?

Việc biết được mình trong giai đoạn kinh tế như thế nào sẽ có ảnh hưởng nhiều đến việc cân đối quyết định đầu tư. Tuy nhiên không ít nhà đầu tư F0 đã mắc sai lầm trong câu chuyện tiếp nhận thông tin từ vĩ mô đến quyết định đầu tư.

Vạch ra một số sai lầm cơ bản các nhà đầu tư hay mắc phải, ông Lê Quý Hải - Phó giám đốc đầu tư Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) - cho biết, khá nhiều người bỏ qua yếu tố kinh tế vĩ mô khi thị trường đang trong chu kỳ tăng điểm.

"Song cho tới lúc thị trường xuất hiện phiên giảm điểm thì bắt đầu dồn vào quan tâm vĩ mô. Vừa qua chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi kiểu thị trường đang sao vậy...", ông Hải cho biết.

Lời khuyên của ông Hải đưa ra đó là nhà đầu tư nên có thói quen tiếp cận hệ thống bài bản về các vấn đề kinh tế vĩ mô, đặc biệt liên quan lĩnh vực ngành mà chúng ta đầu tư bên cạnh câu chuyện nội tại doanh nghiệp...

Trong khi đó theo ông Phạm Lưu Hưng, không ít nhà đầu tư còn thể hiện "định kiến" với một số báo cáo được cung cấp ra. Một trong những lý do đưa ra là Việt Nam công bố thống kê ngay cuối quý, trong khi nhiều quốc gia phải tháng tiếp theo mới có.

"Số liệu vĩ mô nước nào cũng có nhiều kỳ tính toán: Số ước tính, số cập nhật, số chính thức. Chúng ta phải theo dõi rất kỹ. Tôi cho rằng những số liệu này rất quan trọng với các dự tính của nhà đầu tư", ông Hưng nhấn mạnh.

Hay thậm chí, theo vị chuyên gia, xuất hiện cả xu hướng "chuộng" thông tin từ các báo cáo nghiên cứu nước ngoài về kinh tế Việt Nam. Nhiều người còn thấy khi khối ngoại họ bán gì đó thì nghĩ ngay rằng "chắc họ biết gì hơn mình".

"Tôi cho rằng không hẳn là như vậy. Báo cáo mang tính chất tham khảo và có những báo cáo còn không phù hợp với tình hình thực tế kinh tế Việt Nam do họ chưa hiểu hết câu chuyện ở Việt Nam", ông Hưng cho biết việc rành tiếng Việt sẽ giúp nhà đầu tư tiếp cận được nhiều thông tin liên quan đến kinh tế trong nước hơn.

Trước những khuyến nghị mua vào - bán ra, ông Lê Quý Hải cho rằng, thực tế có rất nhiều ý kiến từ phía cả chuyên gia nội lẫn ngoại, rồi từ các quỹ nhưng chúng ta phải xác định được động cơ phát ngôn sau đó.

"Nhiều khi khó xác định động cơ chính xác nhưng cũng cần có công cụ sàng lọc giữa "biển" thông tin như vậy. Lời khuyên của chúng tôi là nên có cách sàng lọc qua thời gian và dần dần sẽ đúc kết được phương pháp. Kiểm chứng đúng sai sau khi quan sát một chu kỳ thời gian. Còn thấy nó mất nhiều thời gian quá thì nên tập trung lắng nghe những ý kiến của những người quan trọng và có tiếng nói trong lĩnh vực đó", ông Hải đưa ra lời khuyên.

Nói thêm về vấn đề này, ông Hưng cho rằng đã xác định trở thành nhà đầu tư tài chính thì cũng cần dành cho nó một quỹ thời gian tương đối. Chẳng hạn phân bổ 20% quỹ thời gian cho nghiên cứu vĩ mô, 30% nghiên cứu thị trường, 50% cho nghiên cứu công ty mà bạn dự định mua cổ phiếu. Cũng cần nhìn xu hướng dài, một chuỗi thời gian chứ không nên nhìn đơn giản 1-2 lần mang tính chất thời điểm.

Chứng khoán vẫn hấp dẫn?

Tại tọa đàm, một câu hỏi khá thú vị mang tính chất dự báo dành cho các chuyên gia đó là xu hướng dòng tiền. Liệu thời gian tới khi khó khăn của Covid-19 tiếp tục tác động mạnh thì dòng tiền có chảy nhiều vào thị trường chứng khoán trong ngắn hạn hay không.

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Quý Hải cho biết trên thực tế 2 năm trở lại đây, khi dịch bệnh xuất hiện gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới đều tăng. Một phần nguyên nhân xuất phát từ các quốc gia áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất khiến đồng vốn rẻ đi. Đơn cử như lãi suất tiết kiệm như ở Việt Nam, năm 2020 có 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, áp trần với kỳ hạn ngắn.

"Thông thường nhà đầu tư cũng sẽ có cân nhắc, khi kênh truyền thống là gửi tiết kiệm ngân hàng không mang lại tỷ suất hấp dẫn nữa thì họ sẽ chuyển đầu tư các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, gần đây cũng có nhiều loại tài sản khác nữa… Bất động sản hấp dẫn nhưng vừa qua rất "nóng", thực tế đã phải có nhiều biện pháp kiểm soát gia tăng nóng gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Cũng có thể chứng khoán vẫn là xu hướng trong thời gian tới", ông Hải nhấn mạnh.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến