Trong bối cảnh thị trường vốn đang gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu hụt dòng tiền ngày càng xuất hiện nhiều hơn khiến hàng loạt doanh nghiệp gặp khó, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn bị bán giải chấp mạnh mẽ.
Dù vậy, thị trường chứng khoán đang dần hồi phục bởi sự xuất hiện của dòng vốn ngoại mua ròng mạnh mẽ, cũng như lực đỡ từ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và có thêm dòng tiền lớn từ cổ tức sắp được chi trả.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), hàng chục doanh nghiệp đang có kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong thời gian còn lại của năm 2022, thậm chí một số công ty trả đến hàng nghìn tỷ đồng.
Dòng tiền hơn 12.000 tỷ đồng
Tính riêng các doanh nghiệp có mức chi tiền mặt trên 10 tỷ đồng đã có 45 đơn vị thực hiện. Tổng giá trị tiền mà nhóm này sắp trả cho cổ đông hơn 12.200 tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2022.
Cũng lưu ý rằng đây là số liệu tạm tính mới nhất, con số chia cổ tức tiền mặt sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi các doanh nghiệp khác công bố và không tính các doanh nghiệp dự chi trong năm 2023.
Dòng tiền từ cổ tức sẽ được hỗ trợ đáng kể cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán xuống dốc và định giá nhiều cổ phiếu trở nên rẻ hơn, qua đó mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn trong gần một tháng rưỡi sắp tới.
Mạnh tay nhất đợt cuối năm là VEAM Corp (VEA) khi doanh nghiệp sẽ thực hiện thanh toán gần 6.000 tỷ đồng cổ tức phải trả của năm ngoái, tương ứng với tỷ lệ gần 44,94% trên tổng số cổ phần đang lưu hành.
Phần lớn dòng tiền sẽ về tay Bộ Công Thương bởi cơ quan này đang nắm giữ 88,47% vốn VEAM Corp, tương đương nhận về khoảng 5.283 tỷ đồng. Các cổ đông thiểu số sẽ nhận phần còn lại gần 700 tỷ đồng.
Xếp ngay sau là Tập đoàn Bảo Việt (BVH) với mức chi lên đến 2.246 tỷ đồng cho năm ngoái. Tập đoàn thông báo ngày đăng ký cuối cùng là 28/11 và ngày thanh toán vào 28/12 . Đây là mức cổ tức cao nhất trong lịch sử của doanh nghiệp bảo hiểm này.
Petrolimex (PLX) thông báo chốt danh sách cổ đông họp ĐHĐCĐ bất thường và đồng thời tiến hành chi trả cổ tức cho năm ngoái tỷ lệ 12%. Theo đó, số tiền các cổ đông sắp được nhận lên đến 1.471 tỷ đồng.
Gần đây, Petrolimex đang gặp khó trong kinh doanh xăng dầu khi giá biến động thất thường. Lãnh đạo tập đoàn đề xuất điều chỉnh kế hoạch doanh thu tăng mạnh lên 240.000 tỷ đồng, nhưng lại hạ chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 90% xuống còn 300 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp cũng có mức chi trả cổ tức cao giúp mang về dòng tiền quý giá trong bối cảnh đói vốn như hiện nay. Bộ đôi Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP) dự chi lần lượt 254 tỷ và 194 tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn có nhà bán lẻ trang sức PNJ, May Sông Hồng (MSH), Tổng công ty Sông Đà (SJG), Tổng công ty Phong Phú (PPH), Sữa Mộc Châu (MCM)… cũng dự chi hàng trăm tỷ đồng để trả cổ tức trong thời gian tới.
Vẫn có đơn vị khó khăn
Bất chấp những lo ngại về triển vọng kinh doanh xấu đi, các doanh nghiệp vẫn đang khá tự tin khi chi trả dòng tiền lớn. Thậm chí, một số đơn vị khác có kế hoạch chi trả dài hơn như Sabeco có lên phương án chi hơn 1.600 tỷ đồng tạm ứng cổ tức vào ngày 11/1/2023 hay Hóa chất Đức Giang trích 1.140 tỷ đồng thanh toán cổ tức vào ngày 10/1/2023.
Tài chính Hoàng Huy đang lấy ý kiến cổ đông về chi cổ tức 12% (khoảng 800 tỷ đồng) hay lãnh đạo ngân hàng VIB dự kiếncó thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% (tính trên 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành) hoặc cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm nay.
Dù vậy, không phải đơn vị nào cũng thuận lợi chi tiền trong thời điểm khó khăn. Mới đây, Thủy sản Nam Việt (ANV) xin dời lịch trả cổ tức từ ngày 1/12 sang đến 27/4/2023, lý do tài chính cuối năm gặp khó khăn nên không kịp chuẩn bị nguồn tiền thanh toán.
Công ty xây dựng Fecon đã xin chuyển ngày thanh toán cổ tức vào hôm 28/10 vừa qua sang thời điểm mới vào 16/1/2023 do khó khăn về kinh doanh, cân đối thu chi và tín dụng không thuận lợi.
Những khó khăn tương tự về hoạt động kinh doanh và cân đối nguồn tiền buộc Công ty cổ phần 26, Dịch Vụ Nông Nghiệp Bình Thuận (ABS)... đang phải tạm hoãn chi cổ tức và hẹn sang thời điểm khác.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy