Dòng sự kiện:
Đọng vốn hơn nghìn tỷ đồng tại EVN, cổ đông PV Power 'bức xúc'
13/06/2020 14:00:04
Trong khi, tổng công ty cần vốn để đầu tư, việc PV Power đang bị đọng vốn với hơn nghìn tỷ đồng tại EVN cũng là điều các cổ đông 'bức xúc' và bày tỏ trong đại hội.

Ngày 12/6, Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2020. Đại hội có sự tham dự và ủy quyền của các cổ đông đại diện hơn 86,16% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành. 

PV Power tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ vào ngày 12/6. (Ảnh: Thanh Thuỷ)

PV Power cho biết, năm 2019, doanh thu toàn tổng công ty vượt 10% kế hoạch và cao hơn 8% so với năm 2018. Sản lượng huy động điện tăng bởi cả hệ thống điện thiếu hụt điện năng, do đó tổng sản lượng điện năm vừa rồi đạt 22.542 triệu kWh.

PV Power thu về 2.855 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 25% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.940 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch. Với kết quả này, tổng công ty trình cổ đông chi trả cổ tức 3%, tương đương 702,6 tỷ đồng.

Báo cáo tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT PV Power Hồ Công Kỳ trình cổ đông kế hoạch 2020 với tổng sản lượng điện sản xuất cả năm 2020 ở mức 21.600 triệu kWh (6 nhà máy), tổng doanh thu gần 35.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.044 tỷ đồng, giảm hơn 28% so với năm 2019.

Nguyên nhân tổng công ty đề ra kế hoạch thận trọng là bởi đánh giá bối cảnh nguồn khí ngày càng suy giảm việc cân đối nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện cũng là vấn đề; chi phí bảo dưỡng sửa chữa ngày một lớn; trong khi nhiều Dự án đầu tư mới đòi hỏi nhu cầu vốn và nguồn lực lớn để đảm bảo tiến độ.

Tại Đại hội, ông Vũ Quốc Hải, Trưởng Ban Kiểm soát PV Power, cho biết khoản nợ phải thu của PV Power là vấn đề lớn mà công ty đang tập trung giải quyết. Đến cuối năm 2019, giá trị nợ phải thu, chủ yếu là thu hồi công nợ điện từ EVN/EPTC, đã giảm từ 7.000 tỷ đồng xuống còn 5.000 tỷ đồng.

"Đến cuối năm trước, số nợ phải thu quá hạn tại PV Power lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng công ty đã làm việc với các bộ ngành để tập  trung giải quyết", ông Hải cho hay.

Trong khi, tổng công ty cần vốn để đầu tư, việc PV Power đang bị đọng vốn với hơn nghìn tỷ đồng tại EVN cũng là điều các cổ đông "bức xúc" và bày tỏ trong đại hội.

Giải thích kỹ hơn về khoản này, PV Power cho biết nợ phải thu giữa PV Power và EVN trước đây từng có giai đoạn lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng. Khoản công nợ lần này phát sinh từ tháng 2/2018 do EVN tự động thanh toán theo tỷ giá năm 2008 (tỷ giá phê duyệt trong tổng mức đầu tư). Trong khi nếu trả theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán, phần chênh lệch mỗi tháng lên đến 55-60 tỷ đồng.“Phía EVN đơn phương quyết định và đnag là bên nắm đằng chuôi”, Tổng giám đốc PV Power cho hay.

Được biết, tổng công ty đã báo cáo lên PVN, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và Thủ tướng. Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối hiện chưa có ý kiến nhừng kỳ vọng sẽ giải quyết vào tháng 6 này. Công nợ hơn 2.000 tỷ đồng thu hồi được trong những tháng đầu năm cũng là khoản phải thu của EVN nhưng liên quan đến việc quyết toán dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Việc thu xếp nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng với kế hoạch đầu tư khủng của PV Power.

Đại hội lần này cũng đã thông qua phương án đầu tư xây dựng công trình nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

Tổng công suất của 2 nhà máy khoảng từ 1.300 MW đến 1.760 MW (mỗi nhà máy công suất khoảng 650 MW đến 880 MW), tổng mức đầu tư sau thuế là 32.481 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD).

Theo PV Power, nguồn vốn đầu tư gồm vốn chủ sở hữu 25%, vay thương mại trong nước và nước ngoài 75%. Về vốn chủ sở hữu, PV Power sẽ góp 100%, cân đối từ các nguồn như quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận để lại chưa chia trong các năm, thoái vốn từ  các công ty con và công ty liên kết và phát cổ phiếu tăng vốn điều lệ khi cần thiết.

Công ty dự kiến khởi công công trình vào quý II/2021, vận hành thương mại Nhơn Trạch 3 vào quý IV/2023 và Nhơn Trạch 4 vào quý II/2024.

Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc, thoái vốn tại các doanh nghiệp, PV Power đang đầu tư vào 5 đơn vị với số vốn góp chi phối và 9 đơn vị góp vốn dưới chi phối. Việc thoái vốn ở những đơn vị liên kết, đơn vị hoạt động kém hiệu quả, đơn vị không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty còn chậm. Đến nay, danh mục thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn 8 đơn vị thành viên/liên kết phải thực hiện thoái vốn.

Hoàng Nhi (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến