Một trạm thu phí trên Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông Ảnh: A.M
Yếu tố bất khả kháng
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 9155/BGTVT-ĐTCT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước nghiên cứu ảnh hưởng của Dự án PPP xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dự kiến hoàn thành vào năm 2025 đối với Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Nông.
Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Nông do UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Phước có trách nhiệm liên đới bởi địa phương này vừa được Thủ tướng giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án PPP xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Trước đó, Bộ GTVT đã nhận được Văn bản số 95/ĐLĐN-VP của Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông đề nghị tháo gỡ khó khăn cho Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Nông do Nhà nước thay đổi chính sách đầu tư và quy hoạch xây dựng.
Nếu không tính Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Nông, thì trên phạm vi cả nước hiện có hơn 10 dự án BOT đường bộ đang gặp vấn đề về doanh thu thu phí. Trong đó, Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ bố trí 13.115 tỷ đồng vốn ngân sách để xử lý vướng mắc tại 8 dự án. |
Theo ông Bùi Pháp, Giám đốc Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông, tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiến trình đầu tư của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành được thực hiện trước năm 2030.
Đây là một trong những tham số quan trọng để xây dựng phương án tài chính và có ý kiến quyết định đến khả năng hoàn vốn của Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Nông.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đầu tư sớm Dự án PPP xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành của Chính phủ, nhưng đề nghị cấp có thẩm quyền sớm có đánh giá tác động của tuyến cao tốc này đối với Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Nông”, ông Bùi Pháp nhấn mạnh.
Tính toán của Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông cho thấy, việc tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025, sớm hơn 5 năm so với quy hoạch, sẽ khiến lưu lượng xe qua Quốc lộ 14, đoạn Km817 - Km887 giảm hơn 50%, làm phá vỡ phương án tài chính.
“Ngoài việc không thể thu hồi vốn để chi trả cho ngân hàng tài trợ vốn vay, doanh nghiệp dự án cũng không đủ tiền để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn cho tuyến Quốc lộ 14”, đại diện doanh nghiệp dự án cho biết và khẳng định, Nhà nước cần sớm “bung phao” cứu doanh nghiệp dự án trước tình huống khách quan này.
Đề xuất mua lại
Được biết, tại Văn bản số 95/ĐLĐN-VP, Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ dùng nguồn ngân sách nhà nước mua lại Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Nông.
Trong khi chờ quyết định của Chính phủ, Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng lộ trình tăng phí theo Hợp đồng BOT đã ký; đồng thời xem xét điều chỉnh lại phương án tài chính Dự án khi tuyến cao tốc qua địa bàn Bình Phước và Đắk Nông hoàn thành.
Cần phải nói thêm, việc xuất hiện tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sớm hơn kế hoạch không phải là khó khăn duy nhất mà chủ đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Nông đang phải đối diện.
Cụ thể, Dự án BOT Quốc lộ 14 qua Đắk Nông dài 70 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng, nghiệm thu, đưa vào khai thác từ tháng 11/2015.
Sau 7 năm thu phí hoàn vốn, công tác thu phí tại Dự án diễn ra bình thường, an toàn. Hiện nay, 2 trạm thu phí của Dự án đã thực hiện việc lắp đặt hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, vận hành chạy thử từ ngày 28/12/2020 và tổ chức bàn giao, vận hành chính thức từ ngày 1/6/2021, đảm bảo theo đúng quy định của Chính phủ.
Theo Hợp đồng BOT số 01/HĐBOT ngày 1/9/2010 và các Phụ lục hợp đồng BOT đã ký giữa UBND tỉnh Đắk Nông và nhà đầu tư, thì Dự án được phép 3 năm tăng phí 1 lần, mỗi lần tăng 18% (lộ trình tăng phí bắt đầu từ năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng lần 2 vào năm 2022...). Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa được tăng phí theo lộ trình.
Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch Covid-19, nên trong giai đoạn 2020 - 2021, hai trạm thu phí của Dự án BOT Đắk Nông buộc phải tạm dừng việc thu phí trong thời gian dài. Cộng với việc phải miễn phí cho xe địa phương tại vùng lân cận nơi đặt các trạm thu phí đã dẫn đến dòng tiền thu phí không thể đảm bảo kế hoạch để nhà đầu tư chi trả nợ gốc và lãi vay đến hạn theo lịch trả nợ đã thỏa thuận với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Gia Lai.
“Công ty đang đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt lại phương án tài chính để có cơ sở cơ cấu trả nợ gốc, lãi vay. Tuy nhiên, việc đàm phán chỉ có thể được thực hiện nếu những tác động từ sự xuất hiện của tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được cơ quan có thẩm quyền xử lý ổn thỏa”, đại diện doanh nghiệp dự án thông tin.
Tác giả: Anh Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy