Trạm thu phí T2, Quốc lộ 91 (Ảnh: Hạnh Châu, báo An Giang).
Bộ GTVT vừa có công văn số 8865/BGTVT - ĐTCT gửi Chính phủ báo cáo giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng qua, Bộ GTVT có báo cáo với nội dung tương tự báo cáo cấp có thẩm quyền hướng xử lý các vướng mắc tại một số dự án được coi là “điểm nóng” về BOT sau khi đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan.
Đồng loạt vỡ phương án tài chính
Tại Công văn số 8865, Bộ GTVT cho biết, đối với các dự án BOT gặp khó khăn về thu phí hoàn vốn, trong thời gian vừa qua, Bộ này đã rà soát, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và đã thống nhất giải pháp xử lý được 14 trạm thu phí đưa vào hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại 4 trạm thu phí BOT chưa xử lý bất cập nên chưa được thu phí và 4 dự án BOT giảm doanh thu lớn, gây phá vỡ phương án tài chính. Để xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí/dự án BOT này, Bộ GTVT cho biết, cần bố trí vốn nhà nước để hỗ trợ, thanh toán các khoản chi phí đầu tư.
Đối với trạm thu phí La Sơn - Túy Loan (hoàn vốn cho Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả nhưng chưa được thu phí), Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ không sử dụng trạm thu phí này để hoàn vốn cho Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả. Thay vào đó sẽ bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để hỗ trợ cho Dự án.
Đối với trạm thu phí Bỉm Sơn (hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6 nhưng chưa được thu phí hoàn vốn), Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị Chính phủ phương án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 920 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư.
Đối với trạm thu phí Quốc lộ 3 (hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 đang tạm dừng tổ chức thu phí), UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo phương án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn nhà nước (khoảng 3.250 tỷ đồng) để thanh toán cho Doanh nghiệp dự án.
Đối với Trạm thu phí trên Quốc lộ 91 (hoàn vốn cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889 đang tạm dừng thu phí), Bộ GTVT và UBND TP. Cần Thơ tiếp tục thống nhất kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước (khoảng 1.879 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Đối với Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610 theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn nhà nước (khoảng 703 tỷ đồng) để hoàn trả cho doanh nghiệp BOT.
Hiện Dự án này vẫn tổ chức thu phí nhưng hiện đa số các phương tiện đã chuyển sang sử dụng tuyến tránh Buôn Hồ do không phải mất phí nên dẫn đến doanh thu thu phí của Dự án bị sụt giảm rất lớn, phá vỡ phương án tài chính.
Đối với Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn 1, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn nhà nước (khoảng 2.049 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Được biết, kể từ thời điểm thu phí (2019) đến nay, doanh thu thực tế tại Dự án chỉ đạt khoảng 14,8% so với phương án tài chính. Nguyên nhân chính là do sau khi Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 39A và Dự án xây dựng cầu Hưng Hà vượt sông Hồng (đầu tư bằng ngân sách nhà nước) hoàn thành, hầu hết các phương tiện xe tải, xe container đều chọn tuyến đường không thu phí (di chuyển qua cầu Hưng Hà sang Hưng Yên và qua cầu Triều Dương sang Thái Bình, đi theo Quốc lộ 39A và dự án BT để kết nối Quốc lộ 10).
Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách Nhà nước (khoảng 612 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cũng như hoàn trả vốn vay của UBND tỉnh Bình Dương.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức Hợp đồng BOT, Bộ GTVT kiến nghị cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 1.422 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.
Tại dự án này, kể từ khi thu phí hoàn vốn tới nay khoảng 3 năm, doanh thu thu phí chỉ đạt trung bình khoảng 30% so với doanh thu theo phương án tài chính hợp đồng. Nguyên nhân chính chủ yếu do các yếu tố khách quan do hình thành các tuyến đường mới dẫn đến phân chia lưu lượng (việc tỉnh Phú Thọ đầu tư tuyến đường tại các huyện Tam Nông và Thanh Thủy bằng nguồn vốn ngân sách dẫn đến tình trạng phương tiện tránh Trạm thu phí; việc miễn phí cho các phương tiện từ 9 chỗ trở xuống khi lưu thông qua cầu Hạc Trì; việc đầu tư bổ sung nút giao IC7 kết nối thành phố Việt Trì với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dẫn đến phân lưu lớn hơn so với dự báo...).
Theo Bộ GTVT, những vướng mắc, bất cập của trạm thu phí/dự án BOT nói trên chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, không thể lường trước và được xem là sự kiện bất khả kháng theo quy định của hợp đồng hoặc một bên vi phạm hợp đồng (không cho phép nhà đầu tư thu phí mặc dù nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng).
Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đã nỗ lực tìm các giải pháp để khắc phục nhưng không khả thi hoặc không bảo đảm hiệu quả để tiếp tục triển khai hợp đồng BOT; ngoại trừ trạm thu phí La Sơn - Túy Loan đề xuất giải pháp khắc phục theo hướng bổ sung vốn hỗ trợ của nhà nước để tiếp tục thực hiện dự án xây dựng hầm Đèo Cả theo hình thức hợp đồng BOT.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật, quy định của hợp đồng BOT, việc xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập của trạm thu phí/dự án BOT vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT do phải bố trí vốn nhà nước để hỗ trợ thay thế quyền thu phí hoặc để thanh toán cho nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Do vậy, Bộ GTVT phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định.
Ngoài 8 dự án BOT bất cập nêu trên, hiện nay Bộ GTVT đang tiếp tục quản lý và giám sát chặt chẽ 61 dự án BOT đang thu phí ổn định và 1 dự án đang chuẩn bị thu (Dự án BOT QL1 Cai Lậy).
Qua theo dõi, một số dự án BOT xuất hiện một số kiến nghị của Nhà đầu tư có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn vốn của dự án, kiến nghị của địa phương xoá bỏ trạm thu phí (trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài) thu phí hoàn vốn Dự án Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên.
Đợi chờ cơ chế đặc biệt
Theo Bộ GTVT, về thẩm quyền quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do các dự án BOT giai đoạn trước đây được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, nên việc cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn (theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật PPP) thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với vốn nhà nước sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Bộ GTVT cho biết là hiện nay Luật Đầu tư công chưa có quy định sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Đồng thời, xét về giải pháp tổng thể để xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí/dự án BOT nêu trên cần bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 13.115 tỷ đồng.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư công, để có cơ sở thực hiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Về nguồn vốn thanh toán, Bộ GTVT kiến nghị xem xét, cân đối từ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2022 và từ các nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm trong giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Bộ GTVT, chi phí thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án bao gồm chi phí đầu tư xây dựng công trình dự án; chi phí quản lý, bảo trì công trình dự án sau khi khấu trừ từ doanh thu thu phí; lãi vay trong giai đoạn kinh doanh khai thác sau khi khấu trừ từ doanh thu thu phí; lợi nhuận vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư sau khi khấu trừ từ doanh thu thu phí; các chi phí hợp lý khác.
Bên cạnh đó, để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ đàm phán với nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án để xác định chuẩn xác chi phí lãi vay (đối với phần vốn vay ngân hàng) và lợi nhuận vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư theo hướng ngân hàng, Nhà đầu tư có trách nhiệm giảm mức lãi suất và tỷ suất lợi nhuận để chia sẻ với phía Nhà nước.
Tại công văn số 8865, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ thông qua báo cáo về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập đối với một số trạm thu phí/dự án BOT giao thông theo các nội dung nêu trên và trình Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp chấm dứt hợp đồng trước hạn và bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 13.115 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án của 8 dự án còn tồn tại, bất cập.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép các Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng cung cấp tín dụng tạm khoanh nợ đối với số dư nợ vay trung, dài hạn của các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án liên quan. Nguồn xử lý khoanh nợ của các ngân hàng cung cấp tín dụng: được giảm trừ vào lợi nhuận trước thuế tương ứng với số lãi mà ngân hàng không thu được do thực hiện khoanh nợ tương ứng.
Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận nguyên tắc chia sẻ hài hoà lợi ích với Nhà nước theo hướng giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng cung cấp tín dụng đàm phán với cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án xác định mức lãi suất vốn vay, giá trị lãi vay, lợi nhuận vốn chủ sở hữu phù hợp, bảo đảm nguyên tắc thu hồi đủ phần vốn vay đã giải ngân và một phần lãi vay, lợi nhuận (nếu có).
“Chấp thuận và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối cân đối từ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2022 và từ các nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 để thanh toán chi phí hợp lý cho Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Tác giả: Anh Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy