Tiến độ “thần tốc”
Sớm hơn hẳn 12 ngày so với thời hạn được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đưa ra (ngày 31/11/2017), vào ngày 18/11/20171, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (Công ty BOT) đã có Văn bản số 229/2017/CV - BOTBGLS (Văn bản 299) trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án xử lý vướng mắc tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tính toán sơ bộ liên quan đến việc bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, để kết nối vào đoạn tuyến đang triển khai xây dựng.
Trước đó, sau buổi kiểm tra hiện trường Dự án BOT tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km 45+100 - Km 108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500, Bộ GTVT đã có Thông báo kết luận số 424/TB - BGTVT ngày 13/11/2017 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công.
Cụ thể, Bộ GTVT thống nhất đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc giao nhà đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nghiên cứu, tính toán phương án chuyển đổi hình thức đầu tư cho đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng từ vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sang đầu tư bằng nguồn vốn trong nước; Để đảm bảo hiệu quả cho toàn tuyến cao tốc trên nguyên tắc: bổ sung đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn; trước mắt, chỉ thu tại 1 trạm trên Quốc lộ 1; nhà đầu tư cần tính toán tăng vốn chủ sở hữu để đảm bảo phương án bù đắp trả nợ vay tín dụng; điều chỉnh tăng giá dịch vụ đối với hợp phần đường cao tốc.
“Công ty cổ BOT phần hoàn thiện phương án tài chính tổng thể và phương án triển khai thực hiện, báo cáo Bộ GTVT để cùng thống nhất với tỉnh Lạng Sơn trước ngày 31/11/2017, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2017”, ông Công chỉ đạo.
Được biết, tại Văn bản số 229, ông Trần Phúc Tự, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn khẳng định, việc gộp 2 dự án để triển khai theo hình thức BOT vẫn có thể đảm bảo tính khả thi tài chính, đồng thời đạt mục tiêu quan trọng nhất là hoàn thành đúng tiến độ đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào năm 2019 và đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng vào năm 2020. Với tổng mức đầu tư lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, chiều dài tuyến hơn 100 km, điều kiện địa chất phức tạp, đây là phương án thi công được các chuyên gia đánh giá là “tham vọng và thần tốc”.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong phương án do Công ty BOT kiến nghị Bộ GTVT lựa chọn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ là việc nhà đầu tư sẽ bỏ trạm thu giá dịch vụ Km 24 + 800 trên Quốc lộ 1, đồng thời không sử dụng bất kỳ sự hỗ trợ về tài chính nào từ ngân sách trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, trong phương án BOT được cho là tối ưu nhất, nhà đầu tư này chấp nhận tăng vốn chủ sở hữu đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng lên 30%, cao gấp 3 lần yêu cầu của quy định hiện hành, giảm lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong giai đoạn vận hành khai thác từ 11,5%/năm xuống 11%/năm. Lãi suất cho phần vốn vay thương mại dự kiến áp dụng cho cả Dự án theo Thông tư số 75/2017/TT - BTC ngày 21/7/2017 của Bộ Tài chính (10%/năm).
Về giá phí dịch vụ, đối với tuyến Quốc lộ 1, dự kiến sẽ thu hoàn vốn từ năm 2018, với mức phí khởi điểm giữ nguyên phương án tài chính ấn định trong hợp đồng BOT đã ký, sau năm 2020, điều chỉnh tăng cho 5 loại xe lần lượt là: 52.000 đồng; 75.000 đồng, 87.000 đồng; 140.000 đồng và 200.000 đồng. Đối với tuyến cao tốc, nhà đầu tư đề xuất áp dụng theo phương án tài chính của đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng (do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC lập, với tổng mức đầu tư khoảng 8.743 tỷ đồng dự kiến vay ODA của ADB) là 2.100 đồng/PCU/km. Lộ trình tăng phí là 12%/3 năm.
Ông Trần Phúc Tự khẳng định, với những thông số đầu vào nói trên, thời gian hoàn vốn cho Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị - Chi Lăng bao gồm cả 110 km Quốc lộ 1 đã tăng cường mặt đường là 23 năm; chỉ số hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 10,71%; hệ số giá trị hiện tại thuần (NPV) đạt 182 tỷ đồng.
“Với phương án này, đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ không bị vỡ phương án tài chính; hoàn thành đồng bộ tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc) vào năm 2020; hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp và không làm tăng nợ công của Chính phủ”, ông Trần Phúc Tự khẳng định.
Điều kiện cần và đủ
Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị chuyển tuyến cao tốc này sang đầu tư bằng BOT và gộp chung vào Dự án cao tốc mà Công ty BOT đang thực hiện tại đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Nhà tài trợ vốn cho 2 dự án mà tỉnh Lạng Sơn giới thiệu là Ngân hàng VietinBank.
Ngoài mối lo ngại Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng không thể hoàn thành vào năm 2020, đề xuất gộp 2 công trình đường cao tốc của UBND tỉnh Lạng Sơn được cho là để “giải cứu” phương án tài chính của Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị vỡ sau khi việc đặt 2 trạm thu giá tại phần mở rộng Quốc lộ 1 khó có thể triển khai như đã thống nhất trong hợp đồng BOT.
Trên thực tế, phương án mà Công ty BOT kiến nghị vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nhất định khi các phương tiện lựa chọn lưu thông trên Quốc lộ 1, mà không đi qua vào cao tốc do chỉ tiến hành thu giá dịch vụ 1 trạm trên Quốc lộ 1 tại Km 93+160.
Được biết, ngoài các thông số đầu vào được giả định trong phương án tài chính được lựa chọn, Dự án gộp này vẫn cần thêm hàng loạt đòn bẩy hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chính quyền địa phương.
Trong Văn bản số 229, Công ty BOT đề nghị Bộ GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn cần đồng thuận trước các đề xuất của nhà đầu tư và ý kiến thống nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc không sử dụng nguồn vốn vay ODA.
Nhà đầu tư muốn nhận được cam kết từ UBND tỉnh Lạng Sơn về việc hoàn thành bàn giao mặt bằng Dự án gộp để khởi công trong tháng 1/2018 (sử dụng kinh phí 600 tỷ đồng do nhà đầu tư ứng ra từ phần chiết giảm chi phí hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1). Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn phải phê duyệt tiến độ tổng thể kế hoạch GPMB làm cơ sở để nhà đầu tư lập tiến độ triển khai thi công.
Lãnh đạo địa phương cũng cần thống nhất với Bộ GTVT về việc không đề nghị bổ sung điều chỉnh thiết kế các hạng mục công trình kết nối với tuyến cao tốc làm tăng chi phí xây dựng; không lập và triển khai các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống đường nhánh gây xung đột, phá vỡ phương án tài chính của Dự án.
Do thời gian rất gấp (năm tài khóa 2017 sắp kết thúc), để triển khai Dự án đúng lộ trình đề ra, Công ty BOT đề nghị Bộ GTVT tổ chức họp giao ban thường xuyên để kiểm điểm tiến độ thực hiện công việc; đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì họp với các bên liên quan để kiểm điểm tiến độ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12/2017.
Theo ông Trần Phúc Tự, nếu xét việc hoàn thành đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng vào năm 2023, phương án tài chính Dự án BOT Bắc Giang - TP Lạng Sơn bị mất cân đối dòng tiền trong 5 năm đầu (- 1.500 tỷ đồng sẽ khiến ngân hàng dừng giải ngân). Nếu địa phương, bộ, ngành và các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ không tích cực hỗ trợ tháo gỡ, thì đề nghị Bộ GTVT cần thống nhất với Nhà đầu tư thực hiện điểm i, khoản 72.1, Điều 72 để điều chỉnh sửa đổi hợp đồng đảm bảo khắc phục các bất cập và tồn tại hiện nay.
“Nhà đầu tư dự kiến tạm dừng từ tháng 1/2018 để chờ phương án xử lý của cấp có thẩm quyền”, ông Trần Phúc Tự cho biết.
Theo báo Đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy