Dòng sự kiện:
Dự án được 'ưu ái' nằm trên hành lang thoát lũ sông Hồng?
23/08/2018 14:40:28
Một dự án được chính quyền xã “ưu ái” thu hồi đất của người dân khai phá để giao cho tư nhân làm, hiện đang nằm trên hành lang thoát lũ nhưng vẫn được chấp thuận.

Theo phản ánh của một số hộ dân đang canh tác tại bãi giữa sông Hồng thuộc xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội, khu vực đất bãi giữa sông Hồng trước đây bị bỏ hoang hoá, không giấy tờ. Thấy vậy các hộ dân trong xã cùng nhau sang khai hoang, sản xuất. Đến năm 1999, xảy ra vụ tai nạn đắm đò làm 7 người của xã Liên Trung tử vong, đa số người dân sợ hãi không dám sang sông canh tác nữa, nên đất bị bỏ hoang hoá.

Tới năm 2000, UBND xã Liên Trung giao toàn bộ diện tích đất bãi giữa cho HTX nông nghiệp dịch vụ Liên Trung quản lý, ký hợp đồng cho thuê với các hộ dân và thu sản hàng năm. Cụ thể, có 30 hộ vẫn còn ở lại thực hiện khai phá, sản xuất nông nghiệp và giữ đất, thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với chính quyền.

Các cư dân bức xúc và không đồng tình, “trải qua gần 20 năm khai phá, cải tạo, giữ đất, đổ mồ hôi và mạng sống của mình, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với UBND xã và hợp tác xã, nhưng nay xã lại lấy đất giao cho cá nhân khác làm dự án. Việc thu hồi đất không có bất kể một văn bản, quyết định thu hồi nào, chỉ thông báo bằng miệng qua các cuộc họp dân. Trong khi đất đai hoa màu ở đây là miếng cơm manh áo của người dân?”.

Theo các biên bản họp dân, để triển khai thực hiện Dự án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tại bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung, dù mỗi cuộc họp đều kết thúc với hơn 90% người có mặt đồng ý, tuy nhiên, tất cả những người đồng ý đều không còn thầu đất để sản xuất ở bãi giữa, còn 19 hộ có đất và đã bám trụ với đất này gần 20 năm qua đều không đồng ý.

Dự án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao

Hiện nay, dự án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tại bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung do ông Phạm Hải Đăng lập nên, và đứng tên dự án với danh nghĩa cá nhân. Ông Đăng là Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội (GFS). Dự án có diện tích 20ha, vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.

Dù là dự án cá nhân, nhưng trong một số văn bản của UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Liên Trung lại “lập lờ” là dự án của Công ty GFS. Chính ông Đăng, khi cắm biển dự án ở khu vực đất bãi giữa cũng để tên chủ đầu tư là Công ty GFS, thay vì cá nhân mình.

Theo Quyết định 1682/QĐ-UBND, ngày 20/4/2018 của UBND huyện Đan Phượng, về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên, địa phương cho phép dự án được làm nhà lưới, nhà liên mái, khu bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm và công trình phụ trợ (nhà điều hành, kho bãi, trạm nước…). Trong khi đó, khu vực bãi giữa là không gian thoát lũ sông Hồng, bị cấm xây dựng công trình và trồng cây lâu năm.

Ngoài ra, UBND huyện Đang Phượng uỷ quyền cho UBND xã Liên Trung ký hợp đồng cho nhà đầu tư thuê đất 20 năm.

Ông Nguyễn Viết Đạt - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, giai đoạn năm 1958 đến 1960 khu vực đất bãi giữa sông Hồng bị bỏ hoang nên các hộ dân đã cùng nhau sang khai phá và sản xuất.

Đến năm 1992 khi có quyết định 250 của UBND tỉnh Hà Tây thì xã mới giao toàn bộ diện tích đất bãi giữa cho Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ Liên Trung quản lý và ký hợp đồng cho thuê với 370 hộ dân để sản xuất.

Tuy nhiên, từ năm 1992 đến năm 2001 trong quá trình sản xuất thì hầu như hiều hộ dân không có ai sản xuất nữa. Thời điểm đó 370 hộ dân lại ủy quyền cho HTX, sau đó HTX lại cho 19 hộ thuê thông qua hợp đồng thuê đất của 370 hộ. Tuy nhiên, 19 hộ này thuê xong để sản xuất nhưng vẫn không đạt chất lượng kinh tế và không đảm bảo được việc an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau đó, xã đã đề xuất là triển khai dự án công nghệ cao để kêu gọi thu hút các cá nhân hộ gia đình có đủ năng lực để làm, trong quá trình kêu gọi thì có ông Phạm Hải Đăng ở quận Hoàn Kiếm đã nhận đầu tư và xã đã tiếp nhận và đề xuất lên huyện.

Huyện có văn bản đề nghị với Sở NN&PTNN Hà Nội và cơ quan quản lý nhà nước về đê điều, ngay sau đó Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản 2400 chấp nhận về mặt chủ chương về ứng dụng cao.

Ngay khi có văn bản 2400 thì xã đã họp 370 hộ dân lại. Tuy nhiên, trong đó có 364 hộ dân nhất chí đồng ý với giá 700 nghìn đồng/năm/xào, còn lại 4 hộ không đồng ý và có hai hộ ở bên ngoài họ đã đề xuất giá cao hơn. Sau khi có nhất chí của các hộ dân thì xã đã báo cáo lên huyện và huyện đã đồng ý.

“Sau khi có hợp đồng thuê đất thì chủ đầu cần phải có bản thảo chi về mọi hoạt động của dự án. Hiện tại chủ đầu tư chưa lập dự án chi tiết”., ông Đạt nói.

Ông Hoàng Văn Hanh - Chủ tịch UBND xã Liên Trung lại cho rằng, đây là đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, không phải của người dân khai hoang, nên xã lấy lại đất không cần quyết định thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng là hoàn toàn phù hợp.

Đáng chú ý, dù quy định về hành lang thoát lũ ở bãi giữa sông Hồng đã rất rõ ràng nhưng lãnh đạo xã Liên Trung và huyện Đan Phượng đều cho rằng dự án này "không ảnh hưởng"(?!).

Trong thời gian qua, các vấn đề liên quan đến hệ thống thoát nước, phòng chống lũ lụt luôn là tâm điểm của người dân, chính quyền khu vực giáp sông. Việc đảm bảo hệ thống đê điều, thoát lũ đang được trú trọng do đang vào mùa bão lũ, ngập lụt gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016, khu vực bãi giữa sông Hồng được xác định là không gian thoát lũ; Các hoạt động tại khu vực này phải bảo đảm an toàn, nhất là vào mùa lũ và không ảnh hưởng đến chức năng thoát lũ sông Hồng. Do vậy, việc xây dựng công trình kiên cố như: Nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép... trồng cây lâu năm đều vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai.

Còn nữa...

Quang Hưng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến