Dòng sự kiện:
Dự án hơn 70 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành sau nhiều lần gia hạn
03/08/2022 08:41:29
Phó giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Tịnh cho biết nguyên nhân chính dẫn đến sự ì ạch, chậm tiến độ là do gặp vướng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Người dân chăn thả bò ngay trong khu vực dự án. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Dự án Khu thương mại-dịch vụ và dân cư Tịnh Phong, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng với tổng vốn lên tới hơn 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần gia hạn, dự án này vẫn trong tình trạng chưa hoàn thành.

Dự án Khu thương mại-dịch vụ và dân cư Tịnh Phong do Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tịnh làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ 2017-2019, trên phần diện tích gần 5 ha, bao gồm các hạng mục chính san nền, xây dựng khu chợ (4 kiốt, nhà lồng với 60 quầy), đường giao thông, hệ thống thoát nước thải, hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, bể xử lý nước thải, bể nước phòng cháy chữa cháy...

Mục tiêu của dự án là xây dựng khu dân cư mới, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, không gian kiến trúc đẹp, đảm bảo gắn kết hài hòa với cảnh quan và môi trường xung quanh; đáp ứng nhu cầu phát triển đất ở tại địa phương và đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu từ quỹ đất.

Theo ghi nhận, tại khu vực dự án vắng bóng phương tiện, máy móc thi công; không có người túc trực, bảo vệ tài sản; không có rào chắn cảnh báo...

Nhiều nguyên vật liệu được tập kết trên bãi đất trống đầy cỏ, không được che chắn kỹ lưỡng. Các kiốt cũng chỉ mới được xây dựng phần thô, có dấu hiệu xuống cấp, thấm nước, rêu xanh đóng lớp dày.

Điều đáng nói hơn, người dân đã tận dụng nơi đây để chăn thả trâu bò và biến những kiốt thành nơi trú ngụ của chúng. Nước tiểu, phân thải đầy khắp các mặt nền, hôi hám đến khó chịu.

Ông Nguyễn Văn Phụng, thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong phản ánh: "Tôi thấy khu chợ xây dở dang rồi dừng thời gian dài, chẳng thấy người lui tới. Cỏ dại mọc um tùm gây hoang hóa, trông rất nhếch nhác, lãng phí; chưa kể vào ban đêm, nhiều đối tượng lạ từ nơi khác đến tổ chức hút chích, vứt kim tiêm bừa bãi... trong khi các tiểu thương thì mòn mỏi chờ đợi để được vào chợ mới kinh doanh."

Không còn cách nào khác, người dân và các tiểu thương vẫn phải trao đổi, mua bán hàng hóa tại chợ Phong Niên (hay còn gọi là chợ bò) được xây dựng từ trước năm 1975, nằm sát ngay Quốc lộ 1A cách dự án chỉ chưa đầy 100m.

Dãy nhà ki ốt thuộc khu chợ bị xuống cấp, thấm nước. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Ái Vân, bán hàng ở đây bức xúc, tiểu thương chúng tôi rất lo lắng khi phải buôn bán ở vị trí như thế này. Lưu lượng phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A rất lớn, cả người bán lẫn người mua có nguy cơ gặp nguy hiểm nếu không chú ý quan sát.

Ông Huỳnh Thanh Tiến, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tịnh Phong, cho hay xã đã nhiều lần vận động người dân không nên chăn thả gia súc và sử dụng kiốt không đúng mục đích vì đây là tài sản của nhà nước. Xã cũng đã đề nghị chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh thi công các hạng mục còn lại để sớm hoàn thành dự án.

Trong trường hợp bất khả kháng, nghiên cứu phương án di dời các tiểu thương ở chợ tự phát Phong Niên vào buôn bán tạm thời trong các kiốt đã xây để tránh tình trạng tập trung đông người trên Quốc lộ 1A, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Tịnh cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự ì ạch, chậm tiến độ là do gặp vướng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân chưa thống nhất với mức giá bồi thường, vị trí tái định cư chưa được như mong muốn nên không chịu dời đi.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều bất cập. Cụ thể, trong số 22 kiốt dọc Quốc lộ 1A chỉ có 10 kiốt có hợp đồng thuê với hợp tác xã, còn lại là tự lấn chiếm đất để xây dựng nên rất khó giải phóng mặt bằng.

Ban quản lý sẽ tiếp tục giải thích để các trường hợp này hiểu và đồng thuận với chủ trương của huyện. Đồng thời, sẽ tổ chức đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, nếu có hiện tượng hư hỏng, xuống cấp xảy ra sẽ yêu cầu đơn vị thi công nhanh chóng khắc phục; dựng hàng rào che chắn để bảo vệ công trình.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tịnh, ngoài những nguyên nhân nêu trên, việc dự án kéo dài một phần cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đối với các hộ dân khi nhận tiền đền bù theo khung giá hiện hành không đủ xây nhà mới, chịu thiệt thòi, huyện sẽ xem xét, nghiên cứu hỗ trợ thêm nhưng phải dựa trên quy định của pháp luật, không để trật “hành lang,” xảy ra sai sót. Chậm nhất đến quý 1/2023, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng./.

Tác giả: Lê Phước Vĩnh Trọng

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến