Dòng sự kiện:
Dự án 'nghìn tỷ' Ha Noi Time Towers chết yểu sau 8 năm triển khai
06/03/2018 18:00:27
Với mức đầu tư là 1.454,5 tỷ đồng, dự án Hà Nội Time Towers sau 8 năm triển khai giờ vẫn chưa thành hình và có nguy cơ chết yểu do chủ đầu tư dường như không có ý định triển khai tiếp tục thi công.

Dự án Hà Nội Time Towers có tổng mức đầu tư của dự án là 1.454,5 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVR) làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Hà Nội, Công ty Cổ phần Tây Hồ và Công ty thi công cơ giới và lắp máy dầu khí thực hiện thi công.

Hà Nội Time Towers được đầu tư xây dựng trên khu đất CT10 - 11, Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Dự án cũng tiệm cận với trục đường đôi Quang Trung, là trục đường trung tâm từ quận Hà Đông nối với tuyến đường Nguyễn Trãi ra Thành phố Hà Nội.

Vị trí này gần nhiều tuyến đường quan trọng mang ý nghĩa phát triển chiến lược của Thủ đô Hà Nội như: Đường cao tốc Láng Hòa Lạc, đường quốc lộ 6, tuyến đường sắt trên cao chạy dọc Quốc lộ 6, đường vành đai 4 của Hà Nội, đường Lê Trọng Tấn, đường Phúc La - Văn Phú.

Theo thiết kết, tổng diện tích sàn xây dựng của công trình là 109.685 m2, trong đó có 62.088 m2 sàn căn hộ kinh doanh và 7.955 m2 sàn thương mại. Công trình bao gồm tổ hợp 2 tòa tháp cao 39 tầng (dự kiến có ít nhất 2 tầng hầm) với khoảng 600 căn hộ, đáp ứng đủ nhu cầu cho gần 2.500 cư dân với mức sinh hoạt cao.

Ngoài những khu vui chơi giải trí phục vụ đời sống cao của người dân, sẽ có khoảng 280 chỗ đỗ xe ô tô tại tầng hầm và 322 chỗ đỗ xe tại tầng nổi đủ để đáp ứng nhu cầu chỗ để xe cho người dân sinh sống và phục vụ cho trung tâm thương mại và các khu vực lân cận.

Bắt đầu khởi công ngày 24/10/2010, dự kiến công trình Hanoi Time Towers sẽ được hoàn thành vào Quý IV/2013. Đến hết quý I/2013, dự án Hanoi Times Tower vẫn chưa thi công xong phần móng; đến tháng 10/2016, dự án mới xây dựng đến sàn tầng 8 và đã tạm dừng thi công từ đó đến nay.

Nguyên nhân của tình trạng ngừng thi công tại dự án trên là do PVCR không thu xếp được nguồn vốn để triển khai dự án; Một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là PVCR cũng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, trong báo cáo thường niên 2017 của Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam, tình hình tài chính của công ty là không mấy sáng sủa. Tổng giá trị tài sản của công ty chỉ đạt 980 tỷ đồng, giảm 1,61% so với năm 2016; Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm tới 54,13% so với năm 2016; Lợi nhuận sau thuế giảm 43,57% so với năm 2016; Ngoài ra, công ty cũng đang trong tình trang không tìm kiếm được đối tác chấp thuận phương án thoái vốn chuyển nhượng dự án theo kỳ vọng của mình.

Bên cạnh chung cư Hà Nội Time Tower, phía PVCR còn đang gặp khó khăn với dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên. Dự án này đã được giao cho PVCR từ năm 2008 với quy mô 1.024,8 ha và tổng mức đầu tư 4.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm nay, dự án vẫn đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và PVR vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng lại dự án.

Theo ghi nhận của PV, dự án hiện tại không có dấu hiệu của hoạt động thi công. Tại dự án còn ghi rõ “Công trình tạm dừng thi công do chủ đầu tư (CĐT) chưa có tiền thanh toán cho nhà thầu”. 

Các thiết bị, máy móc được tạm dừng từ rất lâu, vật liệu xây dựng bị vứt ngổn ngang. Công trường thì chỉ lác đác vài người với mục đích chính là trông coi công trường. 

Các cẩu tháp đứng sừng sững tại công trình suốt thời gian dài không hoạt động

Cửa ra vào xe tải của công trình đóng im ỉm

Băng rôn giới thiệu dự án bị mất hoặc bị rách nát

Dự án hầu như không có dấu hiệu của sự hoạt động trở lại

Dư luận đặt ra câu hỏi về tương lai của dự án có vốn hàng nghìn tỷ này sẽ ra sao?

Trước đó, dự án Chung cư Hà Nội Time Tower cũng lùm xùm vì những giao dịch với khách hàng. Năm 2017, một nhóm khách hàng đã viết đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội đề nghị làm rõ các sai phạm của PVCR.

Các khách hàng tố PVCR huy động vốn trái phép tại dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Đông với khách hàng thông qua thỏa thuận đặt cọc; CĐT vi phạm về việc sử dụng vốn ứng trước từ khách hàng không đúng mục đích của Cty PVCR tại dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Đông; CĐT vi phạm về quản lý tài chính theo quy định của pháp luật tại dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Đông khi nhận tiền ứng trước của khách hàng; CĐT vi phạm nghiêm trọng tiến độ thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến