Dòng sự kiện:
Dự án phân bón thua lỗ: Tính tới thoái vốn
21/07/2018 05:59:28
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Vinachem phải đánh giá kỹ, chính xác các dự án yếu kém, thua lỗ và có đánh giá tác động nếu đề xuất giải pháp tài chính.

Bộ Công Thương mới đây đã làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về 4 dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả của Tập đoàn này.

Các dự án đó là: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty cổ phần DAP số 1– Hải Phòng; và Công ty cổ phần DAP số 2 – Lào Cai.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án nêu trên, Vinachem cho biết, trong 4 dự án đầu tư bị thua lỗ thì sáng sủa nhất là DAP số 1 - Hải Phòng, khi tổng sản lượng của nhà máy trong quý I/2018 ước đạt 60.164 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 566,65 tỷ đồng, ước lãi 14,8 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018, dự án sản xuất 270.000 tấn DAP và có lãi 18,453 tỷ đồng.

Tập đoàn phải tập trung quyết liệt hơn nữa trong công tác tổ chức cán bộ

Ba dự án nhà máy sản xuất phân bón còn lại đều chưa quyết toán hoàn thành dự án, vẫn đang tiến hành các bước triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường, hiện một đơn vị trong số đó đã có lãi 83 tỷ đồng sau 6 tháng; 2 đơn vị giảm lỗ so với năm ngoái.

“Với các dự án thua lỗ của Vinachem, Bộ Công Thương trong thời gian qua đã có nhiều sự hỗ trợ để gỡ khó. Nhưng lãi vay của các đơn vị hiện rất lớn, chiếm hơn 30% giá thành sản phẩm. Như nhà máy Đạm Hà Bắc, riêng chi phí tài chính, lãi các loại của năm 2018 là hơn 850 tỷ đồng…”, ông Cường cho biết thêm.

Trước thực tại này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Vinachem cần phải rà soát lại, cơ cấu một cách quyết liệt hơn để xử lý những khó khăn trong hoạt động của Tập đoàn và tại các dự án yếu kém thời gian qua.

Để gỡ khó, khắc phục các dự án yếu kém, bản thân Tập đoàn phải tập trung quyết liệt hơn nữa trong công tác tổ chức cán bộ. Đây là vấn đề rất cơ bản, thể hiện trách nhiệm người đứng đầu cùng tập thể lãnh đạo khắc phục khó khăn.

“Dứt khoát đó là nhiệm vụ của doanh nghiệp. Còn về cơ chế, chính sách thì Bộ sẽ lắng nghe và hỗ trợ”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Riêng với việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án thua lỗ, hiện vẫn còn tồn đọng hàng loạt vấn đề. Vấn đề nào nằm trong thẩm quyền của Tập đoàn, của Bộ thì sẽ mỗi bên phải chủ động xử lý và báo cáo. Nhưng vấn đề lớn hơn thì cần tổng hợp sớm để báo cáo và làm việc với các bên liên quan.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vinachem phải đánh giá kỹ, chính xác các dự án yếu kém, thua lỗ và có đánh giá tác động nếu đề xuất các giải pháp tài chính như: cơ cấu lại nợ, giãn nợ, khoanh nợ. Nếu không, phía ngân hàng sẽ khó hỗ trợ theo quy định. Cùng với đó, Vinachem cũng phải đảm bảo, các phương án xử lý là thực sự có hiệu quả, tính tới thoái vốn Nhà nước.

Được biết, hiện 3 trong số các dự án sản xuất phân bón thua lỗ kể trên của Vinachem đã được các ngân hàng thương mại hỗ trợ theo hướng giảm biên độ lãi suất vay để giảm bớt chi phí tài chính trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì hạn mức vốn lưu động đảm bảo đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến