Những quả đồi, dãy núi, rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Yên Quang (H.Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) đang bị “xẻ thịt” tràn lan để xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng… Nhưng lạ lùng thay, ban ngành chức năng Kỳ Sơn lại không hề hay biết về thực trạng trên.
Những ngày gần đây, báo Sức Khỏe Cộng Đồng liên tục nhận được phản ánh của người dân tại xã Yên Quang phản ánh về tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm ra vào khu vực xã chở đất đá, gây ô nhiêm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Cuộc sống người dân trong thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trao đổi với P.V, anh T.V.N, một người dân ở xã Yên Quang cho biết: từ đầu năm 2018 (trước thời điểm tuyến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình thông xe) nhiều người dưới Thủ đô Hà Nội tìm tới Yên Quang hỏi mua đất rừng của dân. Khi đó dân hỏi, thì những người này nói là nhà đầu tư, mua để xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, nhà vườn... Dù là đất đồi núi, đất trồng rừng, nhưng vì lợi nhuận, nên nhiều người dân đã bất chấp những sai phạm để bán sang tay phần đất được giao.
Vẫn theo anh T.V.N, sau khi đạt được thỏa thuận mua đất, những nhà đầu tư này ngang nhiên điều động rất nhiều những máy xúc, máy ủi để phạt đồi, xẻ núi làm đường trên đất rừng… Và đã nhiều tháng trôi qua, hàng trăm, hàng nghìn lượt xe quá khổ quá tải chở đất đá quần thảo tuyến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, đoạn qua xã Yên Quang. Đáng nói hơn, những chiếc xe quá khổ quá tải này khi tham gia lưu thông không hề được che phủ bạt khiến đất đá rơi vãi đầy đường, bụi bay mù mịt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của bà con ở đây.
“Tuy nhiên, điều lạ là từ khi họ triển khai làm dự án tại đây chúng tôi cũng không hề hay biết đây là dự án gì, bởi không có biển tên của dự án. Càng lạ lùng hơn, ở 2 bên đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình đều có lan can, nhưng phía đơn vị thi công đã ngang nhiên cho dỡ bỏ, nhằm thuận hơn cho những chiếc xe quá khổ, quá tải ra vào vận chuyển đất đá. Phía đơn vị thi công cũng không hề đặt biển cảnh báo… việc mất an toàn giao thông là nhãn tiền”, anh N. cho biết thêm.
Qua quá trình thu thập và tìm hiểu thông tin, được biết những xe chở đất đá này xuất phát từ dự án The Moon Village có địa chỉ tại xã Yên Quang.
The Moon Village là dự án khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 4 sao do Công ty TNHH nghỉ dưỡng Đông Dương làm chủ đầu tư và quy mô sử dụng đất là 6.7 hecta.
Tìm hiểu tại các websiter bất động sản, dự án The Moon Village đang rao bán rầm rộ với những lời giới thiệu có cánh: Dự án được bao bọc bởi 2 lá phổi rừng nguyên sinh lớn của núi Ba Vì và núi Viên Nam - The Moon Village - Làng trăng Hòa Lạc không chỉ sở hữu những vị trí đẹp nhất vùng ven đô mà còn là khu nghỉ dưỡng đẳng cấp bậc nhất miền Bắc…
Hiện trạng khu vực “dự án ma” ở xã Yên Quang.
Ông, N.V.M, một người dân khác sống ở Yên Quang, xin được giấu tên, đã không giấu nổi sự bức xúc, cho hay: “Tôi không rõ dự án này đã được các cấp phê duyệt hay chưa? Nhưng thực sự là vấn đề đánh giá tác động môi trường của dự án này là không ổn một chút nào. Bằng chứng là những vách núi dựng đứng, những sườn đồi trọc, những vực sâu hoắm… được hình thành qua từng đợt san gạt tạo đất nền. Và thử hỏi, trong khi mùa mưa lũ đang đến gần, với thực trạng nêu trên, thì tính mạng người dân sinh sống ngay dưới chân những quả đồi, dãy núi đang san gạt kia, có được bảo toàn?
Về thực trang trên, làm việc với P.V, ông Trần Hải Lâm – Chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn cho biết: Trong danh dách dự án do huyện quản lý, thì không hề có dự án The Moon Village. Và khi chúng tôi cho xem những hình ảnh thể hiện tình trạng đồi núi, rừng phòng hộ trên địa bàn Yên Quang bị “xẻ thịt” giữa ban ngày, ông Lâm hồn nhiên nói “không có, không biết”.
Trong khi đó, ông Đinh Trọng Tuấn – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Sơn cho biết: “Dự án The Moon Village mà báo chí phản ánh là không có tên trong danh sách các dự án mà huyện quản lý. Còn việc san gạt như ảnh chụp thế này thì không có và chúng tôi cũng không biết”.
Với những gì mà ông Chủ tịch UBND, lẫn ông Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường H.Kỳ Sơn phát ngôn, hay những gì đang diễn ra, thì đích thị dự án The Moon Village chuẩn xác là “dự án ma”.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể chối cãi, đó là “dự án ma” này vẫn ngang nhiên từng ngày “xẻ thịt” đất rừng, gây ra hàng loạt những hệ lụy.
(Còn tiếp)
Theo báo Sức khoẻ Cộng đồng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy