Dòng sự kiện:
Dự án 'treo' cả thập kỷ tại TP HCM: 'Sài Gòn gì mà nhìn cực hơn xứ U Minh'
25/12/2018 07:12:41
Dự án không triển khai, đền bù không thỏa đáng và hàng loạt lý do khác đang khiến cho cuộc sống của người dân tại các dự án “treo” vất vả trăm bề.

Tại TP HCM có rất nhiều dự án “treo” hàng chục năm. Điển hình về độ chậm trễ triển khai là Dự án Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) và Dự án Khu dân cư đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh).

Nhiều dự án tại TP HCM bị “treo” hàng chục năm trời. Trong đó, Dự án Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) là một ví dụ điển hình.

“Treo” một mạch gần 3 thập kỷ

Năm 1992, Dự án Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa được UBND TP HCM phê duyệt và đến năm 2004 thì dự án đã được TPHCM giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án. Đến năm 2010, chính quyền TPHCM đã thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước được UBND TP HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư - công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.

Người dân sống tại Bình Quới – Thanh Đa vất vả trăm bề vì dự án “treo” gần 3 thập kỷ.

Đến khu Bình Quới – Thanh Đa, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi giữa thành phố phát triển, hiện đại nhất Việt Nam lại có khung cảnh đồng quê hữu tình với cây cối um tùm, ao hồ chằng chịt, đường làng quanh co.

Ông Hà Văn Việt, ngụ bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) cho biết, 26 năm nay, người dân tại đây có cuộc sống vô cùng vất vả. Dự án bị “treo” nên đường xá, cầu cống xuống cấp không có ai sửa chữa.

“Con trai tôi lấy vợ mà xe hơi bên nhà gái phải dừng ở ngoài cầu Ông Ngữ vì cây cầu xuống cấp, ô tô không đi vào được. Ông sui gia người Cà Mau của tôi bảo rằng, Sài Gòn gì mà nhìn cực hơn xứ U Minh nhà ông ấy nữa”, ông Việt nói.

Do quy hoạch “treo” nên nhiều căn nhà cũ nát, sập xệ trong khu Thanh Đa cũng không dám xây mới vì người dân sợ bị chính quyền phạt. Đất không được chuyển thành đất ở nên người dân đành bỏ đất đi thuê nhà. Đường sá trong khu vực đều do người dân tự làm, không có cống thoát nước. Nước thải đổ ra những lô đất trống rồi ứ đọng thành từng vũng lớn khiến muỗi, côn trùng sinh sôi phát triển. Mùa ngập, rác thải nổi lềnh bềnh khắp mọi nơi.

“Cứ vài năm, chúng tôi lại nghe tin có chủ đầu tư mới. Ai cũng hi vọng, nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đó, không có tiến triển gì mới. Dự án gì mà “treo” gần 3 thập kỷ, người dân đã quá khổ rồi”, bà Phạm Nga (ngụ đường Bình Quới, phường 28) chia sẻ.

Dự án Khu dân cư đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh) chậm triển khai hàng chục năm qua.

Giá bồi thường: Vấn đề "muôn thuở"

Dự án Khu đô thị Sing Việt tọa lạc tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh được Chính phủ chấp thuận địa điểm từ năm 1997 có quy mô 331 ha với tổng mức vốn đầu tư là 1.939 tỷ đồng. Đến năm 2007, UBND TPHCM mới có quyết định thu hồi đất tổng thế. Dự án khiến 571 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời.

Dự án này do Công ty TNHH đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư với chức năng xây dựng khu liên hợp thể thao gồm: biệt thự, khách sạn, khu du lịch thương mại, sân golf, trường đua ngựa, đua xe mô tô, công viên giải trí…

Trong quá trình triển khai dự án, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh và chủ đầu tư đã 3 lần thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng các đơn vị này đều phát giá rất “bèo”, chỉ từ 150.000 đồng/m2 đất nông nghiệp và cao nhất là 2,67 triệu đồng/m2 đất ở. Đây cũng là cơ sở đơn giá bồi thường được UBND thành phố chấp thuận áp dụng tại Công văn số 10/UBND-ĐTMT.

Tuy nhiên tại Văn bản số 1906/UBND ngày 29/12/2011, UBND huyện Bình Chánh cho rằng, đơn giá theo Công văn số 10/UBND-ĐTMT nói trên của UBND TPHCM không còn phù hợp với giá thị trường.

Mức giá bồi thường thấp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, dẫn tới phát sinh khiếu nại kéo dài.

Hiện nay, một số người dân có đất nông nghiệp chưa chấp nhận đơn giá đền bù, đang khiếu nại nên việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể hoàn tất. Khu tái định cư cũng chưa được xây dựng mặc dù chủ đầu tư đã bỏ ra hơn 500 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau 21 năm thực hiện, Dự án Khu đô thị Sing Việt vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.

 

Nhà cửa người dân trong khu đất thuộc dự án Sing Việt bị hư hỏng, xuống cấp nhưng người dân không thể xây mới vì thuộc diện giải tỏa, di dời. Người dân cũng không thể dọn đến nơi khác vì tiền đền bù quá thấp.

Ông Huỳnh Văn Tiền, ngụ xã Lê Minh Xuân cho biết, gia đình ông có 8 người sinh sống trong căn nhà cũ đã 20 năm. Căn nhà đã xuống cấp, mối mọt nhưng không dám xây mới vì nằm trong đất dự án. Gia đình ông không đồng ý với mức giá bồi thường mà chính quyền đưa ra.

“Hai chục năm qua là cả gia đình phải sống rất vất vả, thiếu thốn trăm bề lại còn phải đi khiếu nại việc bồi thường nữa. Bồi thường thấp quá, sao người dân chấp nhận được”, ông Tiền nói.

Cũng như gia đình ông Tiền, nhiều gia đình khác tại khu vực này cũng đang sống trong cảnh tạm bợ vì không đồng ý với mức giá bồi thường do chính quyền áp dụng. Và trong tương lai thì cảnh sống thiếu thốn vật chất, tiện nghi sẽ tiếp tục tiếp diễn vì dự án “trùm mền”.

Tháng 12/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã có báo cáo lên UBND thành phố về tình hình thực hiện dự án, đề xuất xử lý các dự án triển khai trên địa bàn.

Theo đó, thành phố có tổng cộng 180 dự án không thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm từ năm 2015 – 2018 của các quận, huyện với tổng diện tích là gần 813 ha. Trong đó có 80 dự án thu hồi đất được Hội đồng nhân dân thành phố nghị quyết thông qua với diện tích gần 282ha.

Theo Dân Trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến