Dòng sự kiện:
Dự báo diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam sau Tết Nguyên đán
26/01/2022 15:33:37
Số ca mắc Covid-19 được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm còn phụ thuộc vào mức độ di chuyển cũng như ý thức của người dân.

Song song với tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp ở một số địa phương, tiêu biểu là Hà Nội, Đà Nẵng hay Hải Phòng, Tết Nguyên đán 2022 đang đến rất gần kèm theo nguy cơ lây lan virus lớn khi người dân trở về quê hương. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến chủng Omicron cũng đang gây ra nhiều lo ngại.

Dù mới đây, trong công điện ban hành ngày 19/1, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương không đặt ra quy định về phòng, chống dịch gây khó khăn cho người dân về quê ăn Tết, khoảng thời gian này vẫn đòi hỏi sự cẩn trọng để không dẫn dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, quá tải hệ thống y tế.

Số ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng

Theo PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan trên toàn cầu cùng tinh thần sống chung an toàn với SARS-CoV-2, việc hiểu rõ virus là tối quan trọng để “con thuyền” Việt Nam đứng vững trước những làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo.

Vị chuyên gia khẳng định: “Sau Tết Nguyên đán, số ca nhiễm nCoV mới trong cộng đồng chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, số lượng tăng ít hay nhiều còn phụ thuộc vào mức độ di chuyển của người dân trong thời gian này. Trong đó bao gồm di chuyển trong nước, giữa các tỉnh, thành phố, từ nước ngoài trở về khi những chuyến bay thương mại được mở lại, du lịch được phép tái hoạt động”.

Người dân trở về Hà Nội từ các địa phương tại Sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hà.

Bên cạnh đó, PGS Phúc cũng cho rằng tốc độ gia tăng ca nhiễm còn được quyết định bởi mức độ tuân thủ 5K của người dân cũng như tình hình du nhập biến chủng Omicron vào Việt Nam.

“Việc gia tăng số ca nhiễm là không thể tránh khỏi ngay cả khi chúng ta đã triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường. Điều này đã được chứng minh ở một số quốc gia như Israel, Mỹ, Anh, Nhật,...”, bà nói.

PGS Phúc cũng khẳng định Việt Nam không thể ngăn biến chủng Omicron lây lan trong cộng đồng dù áp dụng chiến lược truy vết, cách ly nghiêm ngặt như trước đây. Nguyên nhân là chúng ta đã mở cửa và chấp nhận sống chung an toàn với virus.

“Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR hay test nhanh vẫn có thể bỏ sót các ca nhiễm biến chủng mới từ những trường hợp âm tính giả. Trên thực tế, Trung Quốc với chính sách ‘Zero Covid-19’, truy vết thần tốc, cách ly nghiêm ngặt, vẫn không tránh được sự xuất hiện của biến chủng Omicron trong cộng đồng”, vị chuyên gia nói.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam là rất cao. Tỷ lệ này thậm chí cũng ở ngưỡng cao với mũi tăng cường và đối tượng trẻ em. Do đó, khi số ca nhiễm tăng, Việt Nam có thể hy vọng tỷ lệ diễn biến nặng và phải nhập viện không cao như thời gian trước.

Tuy nhiên, PGS Phúc nhấn mạnh khi số ca nhiễm tăng quá nhanh trong thời gian ngắn, tỷ lệ nhập viện và tử vong cũng sẽ cao lên. Lúc này, Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ quá tải hệ thống y tế, lực lượng lao động thiếu hụt và đứt gãy chuỗi sản xuất.

Hành động phù hợp

PGS Vũ Minh Phúc khẳng định việc truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt F0, F1 như trước đây đối với các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron sẽ không giúp ngành y tế giảm tốc độ tăng ca diễn biến nặng và tử vong.

“Đợt dịch vừa qua tại TP.HCM đã chứng minh điều này. Chúng ta đã phong tỏa nghiêm ngặt, truy vết thần tốc, cách ly tới mức khủng hoảng nhưng chỉ đến khi tỷ lệ bao phủ vaccine cao, tình hình mới được cải thiện. Tại Hà Nội hay nhiều địa phương khác hiện nay, số ca nhiễm tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong vẫn khá thấp rõ ràng là kết quả có được nhờ vaccine”, nguyên Trưởng Bộ môn Nhi của Đại học Y Dược TP.HCM nhận định.

Người dân tại TP.HCM được tiêm chủng mũi tăng cường vaccine Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Do đó, trong điều kiện tỷ lệ tiêm chủng đã khá cao, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp ngay từ trước Tết Nguyên đán để đảm bảo số ca nhiễm không tăng quá nhanh, giúp hệ thống y tế đáp ứng kịp thời những tình huống xấu nhất.

Đầu tiên, ngành y tế nên chuẩn bị sẵn sàng thuốc kháng virus trong hệ thống phân phối cả công lập và ngoài công lập, cho nhóm bệnh nhân diễn biến nhẹ cũng như nặng.

Theo PGS Phúc, thuốc kháng virus giúp hạn chế sự nhân lên của virus, giảm tải lượng SARS-CoV-2 trên nhóm F0 diễn biến nhẹ, từ đó nguy cơ lây lan cũng được kiểm soát.

“Người dân hoàn toàn có thể tiếp cận sớm và dễ dàng với thuốc kháng virus khi có toa của bác sĩ, từ đó giảm số ca phải nhập viện và tử vong. Đây là điều rất quan trọng nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa làm được”, bà nói.

Thứ hai, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng chắc chắn mạng lưới theo dõi và cung cấp oxy ở tuyến cơ sở, phường, xã, từ đó xử trí kịp thời các trường trường hợp diễn biến nặng trong tình huống xấu.

Tác giả: Quốc Toàn

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến