Dòng sự kiện:
Hãng Pfizer thử nghiệm lâm sàng vaccine đặc hiệu chống Omicron
26/01/2022 06:46:30
CEO của BioNTech, ông Ugur Sahin cho biết khả năng bảo vệ của vaccine trong giai đoạn đầu chống lại triệu chứng nhẹ và trung bình của bệnh dường như suy yếu nhanh hơn trước biến thể Omicron.

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/1, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 đặc hiệu chống biến thể Omicron đối với người trưởng thành đến 55 tuổi nhằm đánh giá mức độ an toàn và phản ứng miễn dịch.

Tham gia thử nghiệm lâm sàng có sự tham gia của 1.420 người từ 18-55 tuổi. Pfizer giải thích lý do không đưa người trên 55 tuổi vào diện thử nghiệm lâm sàng là vì mục đích của nghiên cứu chỉ nhằm đánh giá phản ứng miễn dịch của những người tham gia, hơn là tính toán hiệu quả của vaccine. Trong nghiên cứu, những người trên được chia thành 3 nhóm.

Cụ thể, nhóm đầu tiên gồm những người đã từng tiêm hai mũi vaccine của hãng Pfizer/BioNTech trong khoảng thời gian 90-180 ngày trước khi tham gia nghiên cứu này và họ sẽ được tiêm 1 hoặc 2 liều vaccine đặc hiệu chống Omicron.

Nhóm thứ hai là những người đã tiêm 3 mũi vaccine khoảng thời gian 90-180 ngày trước ngày tham gia nghiên cứu và sẽ nhận 1 mũi tiêm của vaccine phiên bản trước đó hoặc 1 mũi vaccine đặc hiệu chống Omicron.

Nhóm thứ ba là những người chưa từng tiêm vaccine và sẽ được tiêm 3 mũi vaccine đặc hiệu chống Omicron.

Trong một thông báo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vaccine của hãng Pfizer, bà Kathrin Jansen cho hay các dữ liệu hiện nay đều cho thấy mũi tiêm tăng cường chống chủng gốc virus SARS-CoV-2 vẫn có hiệu quả ngăn chặn nguy cơ người nhiễm Omicron chuyển nặng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của hai hãng dược trên nhận thấy cần có sự chuẩn bị sẵn trong trường hợp khả năng miễn dịch của cơ thể suy yếu theo thời gian và giảm hiệu quả ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể Omicron cũng như các biến thể mới khác.

Giám đốc điều hành hãng dược BioNTech, ông Ugur Sahin nói thêm khả năng bảo vệ của vaccine trong giai đoạn đầu chống lại triệu chứng nhẹ và trung bình của bệnh dường như suy yếu nhanh hơn trước biến thể Omicron.

Nghiên cứu của hai hãng dược này là một phần trong cách tiếp cận dựa trên khoa học nhằm phát triển một loại vaccine dựa trên biến thể có thể giúp con người đạt được mức độ bảo vệ trước biến thể Omicron, tương tự như mức độ bảo vệ trước các biến thể trước đó, song với thời gian dài hơn.

Do vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech là loại vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA nên các nhà khoa học có thể dễ dàng cập nhật mã gene của các biến thể mới.

Trước đó, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết hãng dược này có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép lưu hành vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron vào tháng 3 tới./.

Tác giả: Thanh Hương

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến