Dòng sự kiện:
Dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục 68 tỷ USD
23/07/2019 16:06:08
Các dòng vốn FDI vào hằng năm là nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng trong tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tạo kỷ lục mới ở mức 68 tỷ USD vào cuối tháng 6 vừa qua.

Thông tin trên được Trường đại học Ngân hàng TP HCM cho biết tại hội thảo “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019” vào ngày 22/7.

Cụ thể, lượng dự trữ ngoại hối này tương đương 13,4 tuần nhập khẩu ước tính năm 2019, đạt đỉnh mới nhưng không gây áp lực lạm phát. Bởi dự trữ ngoại hối tăng mạnh nhưng tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn được kiểm soát cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện can thiệp trung hòa phù hợp. So với cuối tháng 12/2018, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng chỉ ở mức 6,54% và 7,33%. Do đó áp lực lạm phát đã không xuất hiện, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng và chuyển biến khó dự đoán đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu Việt Nam ngay lập tức hứng chịu cú sốc này, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ còn 7,3% - thấp hơn rất nhiều so với con số 17,8% đạt được ở 6 tháng 2018. Hệ quả là thâm hụt thương mại đã quay trở lại ở mức 37 triệu USD trong khi một năm trước đó thặng dư cao ở mức 4,12 tỷ USD.

Cú sốc này đã phần nào bộc lộ rõ điểm yếu lớn của nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực kinh tế nước ngoài. Đơn cử như việc các doanh nghiệp FDI chiếm 70% giá trị xuất khẩu đã được nói đến nhiều năm nay. Sau 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 10,8% không đủ để kéo tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế do xuất khẩu khu vực FDI chỉ tăng 5,9%.

Đáng nói hơn, thặng dư thương mại từ khu vực FDI đã đóng vai trò quan trọng để bù đắp thâm hụt thương mại từ khu vực kinh tế trong nước trong nhiều năm qua.

Buổi Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam thường niên “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu Năm 2019” vừa được Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức vào chiều 22/7. (Ảnh: Dân trí)

Chia sẻ tại buổi báo cáo, TS. Phạm Phú Quốc, Viện phó Viện Nghiên cứu & Phát triển TP HCM cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô toàn cầu đang có nhiều bấp bênh, Việt Nam cũng phải chịu không ít ảnh hưởng. Do đó, để có thể đối mặt với những thách thức, hướng đến xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững thì nước ta cần phải quan tâm, giải quyết nhiều vấn đề.

Trong đó, vấn đề đầu tiên phải kể đến là cải cách thủ tục hành chính. Bởi lẽ, hiện nay không chỉ có người dân mà rất nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư bất động sản phải “than ngắn thở dài” vì thủ tục hành chính ở nước ta quá… cực.

Vấn đề thứ hai và cũng là vấn đề ngày càng phải quan tâm nhiều hơn đó là biến đổi khí hậu. Đơn cử như tình trạng sụt lún ngày một nghiêm trọng một phần cũng là do quy hoạch xây dựng quá nhiều khiến một số khu vực không “trụ” được trước sức ép của khối trọng lượng lớn nên sụt lún xảy ra. Hay như tình trạng ngập nước một phần cũng do việc xây dựng bít lối thoát nước khiến lượng nước không kịp thoát ra sông, biển…

Bên cạnh đó, vấn đề tai nạn giao thông thì vẫn cứ tái diễn đều đặn. Mỗi năm đều có những con số thống kê là hàng ngàn người chết vì tai nạn giao thông, đây là một thiệt hại… kinh khủng.

Ngoài ra, theo TS. Quốc, hiện nay, Việt Nam đang lọt vào top các quốc gia đang bị già hóa dân số cao và dự kiến đến năm 2045, nước ta là một nước dân số già. Như vậy, cần phải tính tới thời điểm đó nền kinh tế nước ta như thế nào, để tận dụng hết các nguồn lực từ dân số già. Bởi, người già họ cũng rất giỏi: giỏi về kiến thức, giỏi về kinh nghiệm….

Thêm nữa, vấn đề nguồn ngân sách thu về cứ bội chi cũng là một điều rất đáng quan ngại khi làm kinh tế. Bởi, bội chi thì có thể nhưng phải cố gắng chi cho đầu tư phát triển… Đây là vấn đề mà các nhà kinh tế, các nhà khoa học cần phải quan tâm quyết liệt hơn.

“Đó là những vấn đề liên quan, có tác động đến nền kinh tế. Tuy tôi nói có hơi “vòng ngoài” do phần trình bày của tôi nhưng có những cái mà chúng tôi thấy nếu không giải quyết được chuyện này thì khó hoàn thành nhiệm vụ để nền kinh tế phát triển hơn”, TS.Phạm Phú Quốc nói.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến