Dòng sự kiện:
Dừng mua xe công nếu thiếu hụt ngân sách
07/06/2016 10:16:16
ANTT.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016, trong đó có một số chỉ đạo “mạnh tay” nhằm giữa vững cân đối ngân sách 2016 theo kế hoạch.

Tin liên quan

Một trong những chiếc Lexus 570 vừa được tỉnh Sóc Trăng mua bằng tiền phạt giao thông gây bức xúc dư luận (ảnh minh họa)

Nhằm chủ động ứng phó với việc giảm thu và nhu cầu chi NSNN phát sinh, nhất là do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đảm bảo điều hành nhiệm vụ thu, chi và giữ vững cân đối NSNN năm 2016 theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ ban ngành tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tài chính - NSNN.

Đối với cơ quan trực tiếp quản lý ngân sách là Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ này theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô; phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối NSNN; không điều chỉnh chính sách làm giảm thu NSNN. Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đến thu NSNN để có giải pháp chủ động trong điều hành.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế…

Bên cạnh đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và huy động nguồn lực từ tài sản công cho mục tiêu phát triển; đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản nhà nước; quản lý thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, cơ quan, địa phương đại diện chủ sở hữu; quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan tài chính và cơ quan Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi; kiên quyết từ chối không thanh toán, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm của các bộ, cơ quan và địa phương nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2016 chưa phân bổ, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu, trừ các khoản được phép thực hiện theo quy định của pháp luật và trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.

Cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương. Đối với các địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn tiền lương theo quy định mà vẫn thiếu nguồn, ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện tiền lương tăng thêm năm 2016; quản lý chặt chẽ việc ứng trước và chuyển nguồn chi thường xuyên. Chỉ cho phép chuyển nguồn chi thường xuyên đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.

Các bộ, cơ quan và địa phương quản lý chi ngân sách chặt chẽ trong phạm vi dự toán được giao Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển; thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công và các văn hướng dẫn quy định về quản lý vốn đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách.

Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh... và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán, các địa phương trước mắt tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách địa phương giảm lớn.

Trong quá trình thực hiện, nếu xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán được giao (như: mua sắm ô tô công, tài sản có giá trị lớn chưa thực sự cần thiết,....); đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là chế độ, chính sách cho con người; trường hợp khó khăn phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét xử lý. Ngân sách trung ương chỉ xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương trong trường hợp thực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương và địa phương đã sử dụng hết 50% dự phòng ngân sách của mình cho bù giảm thu.

P.V

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến