Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có báo cáo bổ sung đánh giá kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, trong đó kiến nghị sửa đổi quy định để cho phép sử dụng ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại (NHTM), trừ các NHTM mua bắt buộc.
Bình luận về đề xuất của NHNN, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, về nguyên tắc, phải hạn chế chi ngân sách khi ngân sách khó khăn, phải đầu tư nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng có quan điểm ngân sách chỉ đầu tư vào chỗ nào sinh lời, giải quyết quốc kế dân sinh, mang lại quyền lợi cho xã hội.
Từ góc nhìn này, ông dự đoán đề xuất của NHNN có thể xuất phát từ 3 lý do:
Thứ nhất, các NHTM quốc doanh chiếm phần lớn thị phần trong hệ thống ngân hàng, mà phần lớn các ngân hàng này có tỷ lệ sinh lời/đồng vốn cao, làm lợi cho ngân sách nhiều, do đó nên khuyến khích đầu tư vào đây.
Thứ hai, nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua tăng cao không hoàn toàn do các NHTM quốc doanh mà còn vì nhiều nguyên nhân khác như thiên tai địch họa, do quản lý yếu kém, do những quyết định hoặc dự án kinh tế gây lãng phí, thất thoát nhiều, do rủi ro về tỷ giá trên quốc tế gây biến động thị trường, làm vốn và tài sản của hệ thống ngân hàng sụt nhanh.
Vì thế, để giúp cho ngân hàng có điều kiện khôi phục và phát triển, cạnh tranh tốt hơn thì phải đầu tư, dành ngân sách cho các ngân hàng này.
Thứ ba, cân đối giữa huy động vốn quốc tế với vốn trong nước thì sử dụng vốn trong nước hiện đang có lợi do lạm phát thấp, tình hình ổn định, kinh tế đi lên tương đối nhanh. Do đó, cần lọc ra lĩnh vực nào có thể đóng góp cho nền kinh tế hoặc đảm bảo tính bền vững.
"Có thể NHNN dựa trên các lý do này để đề xuất. NHTM quốc doanh cần vốn để làm trụ lực cho nền kinh tế, là công cụ để Chính phủ và NHNN triển khai các chính sách tiền tệ. Hơn nữa, trong thời đại hội nhập quốc tế, phải có hệ thống NHTM quốc doanh mạnh để trợ lực cho các hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng như khi nước ngoài đầu tư vào Việt Nam", TS Cao Sĩ Kiêm đánh giá.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước
Cho rằng đề xuất trên không đi ngược chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN mà Chính phủ đang triển khai quyết liệt song nguyên Thống đốc NHNN cũng lưu ý đây chỉ là biện pháp cuối cùng sau khi đã khai thác tất cả các biện pháp khác mà không được.
"Bộ Tài chính sẽ không dễ dàng chi tiền ngân sách. Trước khi phải dùng đến biện pháp này, chắc chắn Bộ sẽ yêu cầu ngân hàng phải tiết kiệm chi phí một cách tối đa, khai thác các nguồn vốn khác có thể khai thác được. Ví dụ, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu; giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước trong NHTM quốc doanh...
Tuy nhiên, vì lợi ích chung, có thể Bộ sẽ đồng ý để khai thác tiềm năng của kinh tế đất nước", TS Kiêm nhận xét.
Cũng theo nguyên Thống đốc NHNN, xu hướng chung là phải giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các NHTM quốc doanh. Việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng cũng chính là để thu hút vốn xã hội, giảm sở hữu nhà nước, đảm bảo tính bền vững của ngân hàng. Hiện nay các NHTM quốc doanh đang tích cực làm điều này.
Dù vậy, ông lưu ý, việc dùng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho NHTM quốc doanh sẽ đi ngược lại yêu cầu lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng nếu làm một cách máy móc, "hô thế nào làm thế ấy", khi ấy hiệu quả rất thấp mà rủi ro cao.
"Vốn nhà nước thường bị kiểm soát hạn chế hơn, một khi nó được đưa vào quá nhanh sẽ làm cho công trình của nhà nước, không được sự giám sát của toàn xã hội, của động lực kinh tế tư nhân thì sẽ đẩy giá thành lên cao mà hiệu quả, năng suất thấp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Vì lẽ đó, người ta rất kỵ đưa vốn ngân sách nhà nước ra vì vốn tư nhân bao giờ cũng quản lý chặt chẽ hơn.
Trong trường hợp dùng ngân sách nhà nước thì phải có kiểm toán, báo cáo, xét duyệt, lộ trình chặt chẽ, không thể làm sơ sài", ông nói.
Cũng cho ý kiến về đề xuất này của NHNN, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho biết, việc tăng vốn điều lệ là để tăng thêm năng lực tài chính, an toàn cho hoạt động ngân hàng thương mại.
Việc dùng ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho NHTM quốc doanh có thể sử dụng biện pháp chia cổ tức bằng cổ phiếu; cổ đông Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu cho các cổ đông hiện hữu, cổ đông mới bằng cách phát hành cổ phiếu tăng vốn. Tuy nhiên, các cách này thường rất chậm và đặc biệt, dù có như vậy thì bản chất không làm thay đổi năng lực của ngân hàng, cần có nguồn vốn mới bổ sung để tăng năng lực, đó mới là điều quan trọng.
"Siêu ủy ban" quản lý vốn nhà nước có thể rút bớt vốn từ các công ty cổ phần mà ủy ban đang quản lý nếu không cần hoặc dư thừa vốn, chuyển sang các NHTM quốc doanh mà không cần lấy ngân sách trực tiếp, khẩn cấp. Việc ấy được quản lý theo chiến lược đàng hoàng, không vi phạm gì", TS Đinh Thế Hiển gợi ý.
Cũng theo vị chuyên gia, chủ trương cổ phần hóa đang được thực hiện quyết liệt, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế thị trường có định hướng nên vẫn cần một vài ngân hàng có cổ phần Nhà nước chi phối.
"NHTM quốc doanh tăng vốn điều lệ nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tăng vốn nhưng không tăng tỷ lệ sở hữu nhà nước. Nhà nước không cần nắm giữ vốn nhiều trong các NHTM nhưng phải có lộ trình từng bước để thực hiện việc này", ông nói.
Theo báo Đất Việt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy