Dược Hậu Giang: Công ty liên kết lỗ nặng
29/09/2014 11:10:30
ANTT.VN - Mới đây, Dược Hậu Giang đã có quyết định khá bất ngờ về việc tạm dừng dự án xây dựng dây chuyền sản xuất dược phẩm theo tiêu chuẩn GMP WHO tại Myanmar.

Tin liên quan

Theo nghị quyết của Hội đồng quản trị công ty cổ phần Dược Hậu Giang đầu năm 2014 phê duyệt chủ trương xây dựng dây chuyền chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP WHO của DHG Nature sau khi nhận chuyển nhượng 72,86% cổ phần công ty ASV Pharma Việt Nam. Đây được coi là một dự án đầu tư mang tính chiến lược, mở rộng thị trường sản xuất và xuất khẩu dược phẩm sang thị trường các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, DHG lại quyết định dừng dự án đầu tư tại Myanmar này do những lo ngại về thị trường, rủi ro trong đầu tư dây chuyền tại nước ngoài. Nếu xét theo những con số được nêu trong báo cáo tài chính đã được công bố, thì những xét đoán của ban quản trị liệu có là sự suy tính khôn ngoan?

Những con số triển vọng?

Với số vốn điều lệ 871.643.300.000 đồng, tăng 30% sau nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hành theo tỉ lệ 3:1) hồi tháng 5 vừa rồi, Dược Hậu Giang được coi là công ty dược phẩm đầu ngành. DHG có tới 16 công ty con trong đó có 12 công ty phân phối, 1 công ty sản xuất sản phẩm dược và một công ty đa dạng hóa.

DHG là một trong những công ty đầu ngành dược Việt Nam

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, doanh thu thuần quý 2 đạt 976 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kì năm ngoái, doanh thu 6 tháng đạt 1693 tỷ đồng, tăng 13,3% so với 6 tháng đầu năm 2013. Trong khi đó, giá vốn hàng bán 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2%, chưa kể đến ảnh hưởng của yếu tố tăng giá nguyên vật liệu đầu vào.

Với nguyên tắc đa dạng hóa đồng tâm, sự phát triển của Dược Hậu Giang luôn được kiểm soát ở các chỉ số tài chính được gọi là an toàn của ngành. Khả năng thanh toán hiện hành ở mức 2,2 và khả năng thanh toán nhanh là 1,25. Hệ số nợ cũng được duy trì ở mức 30-35% từ năm 2012 đến nay, cho thấy DHG không bị áp lực từ các khoản vay nợ kinh doanh. Trong tình hình kinh tế thị trường đầy biến động và có sự cạnh tranh lớn từ các nhãn hàng, các loại dược phẩm khác thì điều này được đánh giá cao khi xem xét đầu tư hoặc thiết lập mối quan hệ đối tác kinh doanh.

Khoản mục giảm giá hàng bán (chủ yếu là chiết khấu thương mại) giảm mạnh, từ 350 tỷ quý 2 năm ngoái xuống còn 13 tỷ quý 2 năm nay. Thêm vào đó, chi phí bán hàng gồm khuyến mại, tiếp thị và chăm sóc khách hàng lên tới 281 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái khiến lợi nhuận bị thu hẹp lại nhưng vẫn đạt mức 271 tỷ đồng sau thuế, mang lại cho cổ đông công ty mẹ.

Theo đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC hiện đang nắm giữ số cổ phần lớn nhất, cổ tức hàng năm theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông 30% mệnh giá, tính đến hết 30/6/2014 là 56,626 tỷ nhưng thực tế chưa nhận được một đồng nào từ công ty Dược Hậu Giang.

 Các khoản đầu tư không sinh lời

Danh mục đầu tư liên doanh liên kết hoạch đầu tư dài hạn của DHG chủ yếu là các công ty thực phẩm chức năng, hoặc công ty bao bì.

Đáng lưu ý ở đây, trong khoản mục đầu tư tài chính dài hạn của DHG có công ty liên kết là công ty Cổ phần Tảo Vĩnh Hảo với giá trị đầu tư đến 30/6 là 5,4 tỷ (năm 2013 là 9,4 tỷ đồng, giảm vốn 3,5 tỷ) bị lỗ nặng. Danh mục đầu tư dài hạn được đầu tư mạnh tay có Công ty cổ phần bao bì công nghệ cao Vĩnh Tường lên đến 20 tỷ đồng, nhưng mức trích lập dự phòng rủi ro đầu tư dài hạn cho chính công ty này đã là 16,5 tỷ, chiếm hơn 80% tổng số tiền đầu tư. Như vậy, các nhà quản trị cũng cần xem xét lại những đồng tiền vốn bỏ ra liệu có đặt đúng chỗ?

Một trong những lý do mà DHG đưa ra để tạm dừng dự án dây chuyền sản xuất tại Myanmar là lo ngại mức lãi suất ưu đãi và thời gian ưu đãi khi vay vốn đầu tư nước ngoài từ các ngân hàng trong nước. Hiện tại, Dược Hậu Giang có nghĩa vụ trả nợ ngân hàng khoản vay ngắn hạn 69 tỷ đồng được đảm bảo bằng chính khoản tiền gửi có kỳ đáo hạn dưới 3 tháng (khoản mục tương đương tiền trong báo cáo tài chính) với lãi suất 0,37-0,4% một tháng.

Báo cáo còn nêu rõ rủi ro thanh khoản ở khoản nợ tài chính: phải trả người bán, vay và nợ lên đến 886,286 tỷ đồng. So với quy mô vốn điều lệ hay tài sản hiện có của doanh nghiệp, việc cho vay vốn ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn.

Điều này có thể coi là bước cản trở lớn trong kế hoạch thực hiện dự án đầu tư dây chuyền sản xuất dược phẩm ở thị trường nước ngoài như Myanmar, khi mà các vấn đề trong nước còn chưa tìm ra giải pháp ổn thỏa, thì việc tiến quân ra nước ngoài thời điểm này là chưa thích hợp.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến