“Được tự quyết số lượng con dấu, DN chọn là 0 có sao không?”
17/09/2015 20:01:29
ANTT.VN – Đó là nội dung câu hỏi mà đại diện Techcombank đặt ra trong cuộc “Họp triển khai những quy định mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014” được Câu lạc bộ Pháp chế - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức vào sáng nay (17/09/2015).

Tin liên quan

Trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, Phan Đức Hiếu, người "chắp bút" cho Luật Doanh nghiệp 2014

Trả lời câu hỏi trên, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo 2 bộ luật, ông Phan Đức Hiếu – Trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay, theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 về “Con dấu của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì “Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp”, tức là, việc doanh nghiệp quyết định số lượng con dấu bằng 0 sẽ “chẳng có có vấn đề gì”.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận “việc cải cách Luật Doanh nghiệp chưa thực sự triệt để” khi không tuyên bố cụ thể là “doanh nghiệp phải có hay không có con dấu”.

Bên cạnh đó, về việc sử dụng con dấu, Khoản 4, Điều 44, Luật Doanh nghiệp đã nêu rằng doanh nghiệp có quyền thỏa thuận sử dụng hay không sử dụng dấu trong các giao dịch hoặc phải sử dụng dấu theo các quy định yêu cầu phải sử dụng dấu. Có nghĩa, doanh nghiệp vẫn buộc phải đóng dấu trong trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Trước hai quy định “mập mờ” như trên, ông Hiếu cho rằng: “Trên thực tế thì trong ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn buộc phải có ít nhất một con dấu”.

Con dấu này, theo ông Hiếu, sẽ được sử dụng chủ yếu trong trường hợp giao dịch với các cơ quan nhà nước và đóng vào các giấy tờ, “nếu như quy định pháp luật hiện hành chưa sửa và yêu cầu phải đóng”.

Các ngân hàng nên thay đổi tư duy về “con dấu”

Song, chúng ta cũng nên hiểu rằng cải cách lớn nhất của Luật Doanh nghiệp 2014 trong trường hợp này không phải là cho phép quy định số lượng dấu bằng 0 mà là việc trả “con dấu” về lại với đúng giá trị của nó: Dấu chỉ là dấu hiệu”, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo nêu quan điểm.

Thay vì phải được quản lý, cấp xét bởi cơ quan công an như trước đây; với quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp sẽ được tự quyết định không chỉ số lượng con dấu mà còn cả hình thức, màu mực, nội dung con dấu cũng như việc quản lý & sử dụng con dấu.

Tôi khuyên các ngân hàng nên thay đổi tư duy về dấu và con dấu” – “người chắp bút” cho Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 khuyến nghị.

Theo ông Hiếu, hiện tại, “dấu không còn quá nhiều ý nghĩa”. Trong giai đoạn mới, thay vì đặt nặng vấn đề con dấu, chăm chăm vào dấu đóng trên giấy tờ, các ngân hàng cần phải làm rõ: Người đang thực hiện giao dịch với ngân hàng có đúng là người của doanh nghiệp hay không (1); Người giao dịch với ngân hàng có đúng là người có thẩm quyền giao dịch với ngân hàng hay không (2); Trình tự, thủ tục giao dịch có chính xác, hợp pháp hay không (3).

Quy định mới về con dấu sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm giám sát xã hội, thay đổi thói quen phụ thuộc, căn cứ duy nhất vào con dấu”, ông Hiếu nói.

Liên quan đến câu hỏi, đến khi nào doanh nghiệp mới được lựa chọn số lượng con dấu bằng 0 (không cần con dấu), Trưởng Ban mội trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, Phan Đức Hiếu, cho rằng, về lâu về dài, khi các cơ quan nhà nước từ bỏ thói quen yêu cầu doanh nghiệp đóng dấu thì doanh nghiệp không cần con dấu trong quá trình hoạt động.

Về nội dung này, theo Dự thảo Thông tư soạn thảo, ban hành các biểu mẫu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng thì trong các biểu mẫu về thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khi gửi hồ sơ lên, doanh nghiệp sẽ chỉ cần chữ ký là đủ mà không cần phải đóng dấu nữa”, đại diện cơ quan soạn thảo tiết lộ.

Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 con dấu doanh nghiệp:

“Điều 44. Con dấu của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Mã số doanh nghiệp.

2. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến