Dòng sự kiện:
Đường đua cải thiện hệ số CAR của các ngân hàng Việt
05/02/2020 11:21:15
2019 là năm các ngân hàng Việt Nam ồ ạt công bố đạt chuẩn Basel II với trụ cột cơ bản là hệ số CAR đạt chuẩn Thông tư 41/2016.

"Khoe" kết quả triển khai 3 trụ cột của Basel II tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng diễn ra hồi tháng 1, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, cũng đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của ngân hàng này trong việc hoàn thành Basel II. VIB không nằm trong danh sách 10 ngân hàng đầu tiên thí điểm triển khai Thông tư 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn triển khai Basel II và đạt sớm hơn so với nhiều nhà băng trong diện thí điểm.

Thực tế, không chỉ VIB, nhiều ngân hàng cũng gần như "sôi sục" để cải thiện CAR - một trong 3 trụ cột của Basel II - trong năm 2019. Với những ngân hàng thuộc diện thí điểm, 1/1/2019 là hạn chót để đạt chuẩn Basel II theo Thông tư 41. Còn với những ngân hàng không thuộc diện thí điểm, CAR được cải thiện cũng thể hiện chất lượng của ngân hàng. Thống kê sơ bộ của Người Đồng Hành cho thấy trong năm 2019, 17 ngân hàng Việt Nam công bố đạt chuẩn Basel II. Chỉ riêng tháng 10 đến tháng 12 có đến 11 ngân hàng công bố thông tin này. Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ nhiều ngân hàng trình hồ sơ nhằm đáp ứng Thông tư 41 trước hạn trong năm 2019 nhưng chỉ 16/18 đơn vị được phê duyệt.

Basel II là mục tiêu trong kế hoạch phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Yêu cầu áp dụng chuẩn mực Basel II nhằm từng bước hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường an toàn của hệ thống tài chính. Theo các chuyên gia, việc triển khai Basel II cũng giúp các nhà băng nâng cao uy tín, và có cơ hội được cơ quan điều hành tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới. 

Trong Quyết định 34/2019, NHNN đặt mục tiêu đến 2020 các ngân hàng thương mại (NHTM) phải cơ bản đạt mức vốn tự có theo chuẩn mức Basel II, trong đó ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên, tương đương việc đáp ứng Thông tư 41/2016 về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD).

Với con số 18 TCTD được chấp thuận triển khai Thông tư 41/2016 tính đến hết năm 2019, mục tiêu của NHNN về cơ bản đã hoàn thành, dù 10 ngân hàng trong diện thí điểm đã lỡ hẹn và một số vẫn chưa thể thực hiện.

NHNN đặt mục tiêu 12-15 ngân hàng áp dụng Basel theo phương pháp cơ bản từ năm 2020. Ảnh: Reutes.

Khởi đầu với Thông tư 41/2016

4 năm trước, NHNN ban hành Thông tư 41/2016, đặt nền tảng đầu tiên khởi động chiến lược áp dụng Basel II. Thông tư 41 quy định các TCTD phải đạt CAR là 8% với cách tính mới thêm rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường. Đây cũng là yếu tố thuộc trụ cột đầu tiên trong chuẩn Basel II, bên cạnh 2 trụ cột khác. 

Các ngân hàng có 4 năm để chuẩn bị triển khai Thông tư 41, trước khi có hiệu lực từ 1/1/2020. Riêng 10 ngân hàng thí điểm đầu tiên gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và MSB được NHNN đặt mục tiêu sẽ áp dụng từ đầu năm 2019.

Tuy nhiên, trong 10 đơn vị, Vietcombank là ngân hàng duy nhất thực hiện đúng thời hạn, nhận quyết định áp dụng Thông tư 41 vào cuối tháng 11/2018. VIB là nhân tố bất ngờ khi không nằm trong diện thí điểm nhưng được chấp thuận cùng ngày với Vietcombank và sau đó là OCB.  

Năm 2019 chứng kiến cuộc đua đáp ứng Thông tư 41 của các ngân hàng với việc có thêm 14 ngân hàng nội và 2 chi nhánh ngân hàng ngoại được chấp thuận, trong đó một số đơn vị ngoài diện thí điểm, đáp ứng trước hạn như NamABank, LienVietPostBank, MSB…

Sacombank và VietinBank - 2 ngân hàng nằm trong diện thí điểm - vẫn chưa thể triển khai. Ngoài ra, còn hơn 15 nhà băng nội khác chưa công bố tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41. 

Một trong những yếu tố khiến các ngân hàng chậm triển khai Thông tư 41 là bế tắc trong việc tăng vốn điều lệ, nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Đơn cử với VietinBank, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ từng cho biết tính theo Thông tư 41, CAR của nhà băng này đã dưới 8% và cần cấp thiết tăng vốn.

VietinBank là một trong 10 ngân hàng thí điểm triển khai Thông tư 41/2016 nhưng vẫn chưa thể thực hiện do những khó khăn trong tăng vốn. Ảnh: NĐT.

Trong bối cảnh NHNN không thể đầu tư mua cổ phần phát hành mới và giới hạn sở hữu tối thiểu của Nhà nước đã chạm đáy (NHNN giữ 64,46%, thấp hơn mức tối thiểu 65% theo chủ trương của Chính phủ), VietinBank chưa thể nâng vốn điều lệ.

Mới đây, tại buổi làm việc với Kho bạc Nhà nước và MB, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quý I, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho VietinBank, bên cạnh Vietcombank.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, từng chia sẻ nếu Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn dùng lợi nhuận 2017, 2018 để chia cổ tức bằng cổ phiếu và ngân hàng triển khai hoàn tất, CAR theo chuẩn Basel II sẽ đạt khoảng 8,24%, theo Thông tư 41. 

BIDV cũng từng rơi vào trường hợp tương tự. Tuy nhiên, ngân hàng vừa qua đã bán thành công 15% vốn cho KEB Hana Bank và nâng vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng. Nhà băng này sau đó đã được NHNN chấp thuận áp dụng Thông tư 41/2016 trong tháng 12, chốt sổ năm 2019. 

Với Sacombank, cuối năm trước, lãnh đạo ngân hàng từng công bố sẵn sàng đáp ứng Thông tư 41/2016. Tuy nhiên, số liệu về CAR theo cách tính mới chưa được tiết lộ. 

Theo số liệu ngân của NHNN, tính đến cuối tháng 11/2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu của toàn hệ thống là 12,21%, trong đó nhóm NHTM Nhà nước là 10,55%%, NHTM cổ phần là 10,63%. Thống kê của Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI - SSI Research, đến cuối tháng 9/2019, Techcombank có CAR đạt 16,5%, theo sau là VPBank đạt 11,4%, HDBank đạt 11%...

Thông tư 41 có hiệu lực từ 1/1/2020 và tất cả TCTD phải thực hiện nhưng tại Thông tư 22/2019 quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, NHNN đã “mở ngách” cho các đơn vị chưa thực hiện Thông tư 41. Các nhà băng này sẽ phải gửi văn bản đến NHNN trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do chưa triển khai, đồng thời trình kế hoạch (giải pháp, lộ trình) để đảm bảo tuân thủ quy định chậm nhất từ 1/1/2023.


Như vậy, các ngân hàng chưa thể đáp ứng Thông tư 41/2016 từ 1/1/2020 sẽ có thêm 3 năm để nâng cao tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu phù hợp với yêu cầu của NHNN.

Chi phí vốn và tác động đến lợi nhuận có thể là một trong những nguyên nhân các ngân hàng chậm áp dụng Thông tư 41/2016. Theo nghiên cứu của Ủy ban Basel, khi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 1% thì chênh lệch lãi suất cho vay và chi phí đi huy động vốn tăng lên 1,3%. Các ngân hàng sẽ cần bù đắp phần lợi nhuận ròng mất đi bằng một số biện pháp như tăng lợi nhuận ngoài lãi (phí, hoa hồng…) tăng hiệu quả quản trị để giảm chi phí hoạt động.

Đích đến Basel II

Những tiêu chí của Thông tư 41/2016 chỉ là bước đầu tiên trong 3 trụ cột của Basel II. Sau khi đáp ứng tỷ lệ về an toàn vốn tối thiểu, các ngân hàng sẽ cần phải hoàn thiện 2 trụ cột còn lại liên quan đến quy trình đánh giá mức độ đầy đủ vốn nội bộ (ICAAP), khả năng giám sát và công khai thông tin theo nguyên tắc thị trường.

Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về triển khai chuẩn mực Basel II tại Việt Nam, NHNN ban hành Thông tư số 13/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với TCTD, trong đó có cấu phần quy định về đánh giá nội bộ mức đủ vốn ICAAP để thực hiện 2 trụ cột của Basel II. Thông tư này yêu cầu ngân hàng cải thiện hoạt động quản lý rủi ro, phù hợp với yêu cầu của Basel II và các thông lệ tiên tiến về quản lý rủi ro.

Khuôn khổ pháp lý đã có, tuy nhiên quá trình triển khai của các ngân hàng vẫn còn chặng đường dài vì nhiều thách thức. Theo khảo sát KPMG vào năm 2013, thời điểm NHNN bắt đầu đề cập câu chuyện Basel II, 2 khó khăn của các nhà băng trong quá trình triển khai là chi phí và thiếu dữ liệu lịch sử.

Dù chưa có ngân hàng nào công bố thông tin về chi phí để triển khai Basel II, dựa trên kinh nghiệm của một số tổ chức tín dụng đã triển khai dự án Basel II tại khu vực châu Á con số này dao động từ 15 đến 40 triệu USD, tùy theo quy mô, mức độ và yêu cầu cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng chi phí để chuyển đổi Basel II là rất lớn. "Ngân hàng quy mô càng to thì chi phí chuyển đổi cũng tăng theo", ông nói. Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu quá khứ và phân tích cũng là điểm khó của các nhà băng và theo ông Hiếu, quá trình này rất phức tạp đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của ngân hàng. 

Theo lộ trình NHNN định hướng, đến hết 2025, toàn bộ ngân hàng sẽ áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, và triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Thời gian của các ngân hàng vẫn còn và NHNN sẽ cần tháo gỡ thêm nhiều vướng mắc về vốn điều lệ để hướng đến mục tiêu trên. 

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến